![]() |
Trải qua thiên nhiên khắc nghiệt, gỗ lũa lưu giữ tinh hoa của thời gian và sinh khí đất trời. Qua bàn tay nghệ nhân, từng thớ gỗ kể chuyện về lòng hiếu thảo, tình quê, và bản sắc Việt. Mỗi tác phẩm là một lời nhắc nhở về cội nguồn, đạo nghĩa và vẻ đẹp trường tồn của văn hóa dân tộc.
![]() |
Gỗ lũa, thứ chất liệu tưởng chừng vô tri vô giác, lại là nơi ẩn chứa những câu chuyện kỳ lạ về thiên nhiên, lịch sử và cả con người. Đối với ông Chu Văn Ân – Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc – hành trình với gỗ lũa không chỉ là một nghề, mà là một mối duyên tiền định, một sứ mệnh văn hóa được hun đúc từ tuổi thơ đến trưởng thành.
Sinh năm 1970 tại vùng đất Thạch Thất, Hà Nội – nơi vốn nổi danh với truyền thống thủ công mỹ nghệ lâu đời – ông Ân lớn lên giữa không gian thấm đẫm mùi thơm của gỗ, tiếng đục đẽo vang vọng mỗi chiều. Năm 10 tuổi, trong một lần đi chăn trâu trên núi Thầy, cậu bé Chu Văn Ân tình cờ nhặt được bộ rễ cây có hình dáng kỳ lạ. Không hiểu vì sao, ông đã mang về, lấy dao đẽo gọt, mày mò sáng tạo nên hình hài mới. Từ giây phút ấy, một tình yêu kỳ lạ với gỗ lũa đã nhen nhóm.
![]() |
Năm 1991, vì cuộc sống mưu sinh, ông rời quê vào Tây Nguyên buôn bán cuốc xẻng cho bà con làm rẫy. Một cảnh tượng khiến ông bàng hoàng: những quả đồi bạt ngàn nằm hoang hóa, chẳng ai trồng trọt. Lý do? Là bởi nơi đây có vô số gốc cây, rễ cây khổng lồ nằm rải rác khắp núi đồi – thứ gỗ mà đốt cũng không cháy, chặt cũng không xuể.
Nghe lời một già làng kể rằng chúng đã tồn tại hàng trăm năm, không rõ từ bao giờ, ông Ân như nhìn thấy vận mệnh của mình. Từ năm 2009, ông bắt đầu hành trình khai thác gỗ lũa từ vùng đất Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và sông Đồng Nai đưa về Hà Nội – chính thức bắt đầu chặng đường sáng tạo với gỗ lũa đầy chông gai.
Việc khai thác, vận chuyển gỗ lũa ngàn năm tuổi không hề đơn giản. Vấn đề pháp lý là một trở ngại lớn, bởi lũa – dù là rễ, là gốc cây bị phong hóa – nhưng vẫn thuộc nhóm gỗ quý hiếm, có loại đã tuyệt chủng, không được phép khai thác thương mại. Trên văn bản pháp luật khi đó cũng chưa có khái niệm "gỗ lũa". Để được hợp pháp hóa, ông Ân đã phải dành nhiều năm làm việc với các nhà khoa học lâm nghiệp, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học... để đưa ra khung pháp lý, cơ sở xác nhận nguồn gốc, giá trị và cho phép khai thác.
Thành quả của sự nỗ lực là Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc đã chính thức đăng ký bản quyền dòng sản phẩm điêu khắc từ gỗ lũa tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Không chỉ thoả mãn đam mê cá nhân, hành trình gắn bó với gỗ lũa của ông Ân còn góp phần mang lại lợi ích kép cho cộng đồng. Một mặt, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ; mặt khác, khai thông diện tích đất canh tác hàng ngàn hecta, giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo đất đai hiệu quả hơn.
![]() |
![]() |
Gỗ lũa là phần còn lại của thân cây cổ thụ sau hàng trăm, hàng nghìn năm bị vùi lấp trong đất, trong lòng sông hay giữa núi đá. Chính thời gian, nước, khí hậu, vi sinh vật… đã loại bỏ phần gỗ yếu, chỉ giữ lại phần tinh túy nhất – kết tinh sinh khí trời đất, mang vẻ đẹp cổ kính, bền vững như đá.
Trao đổi với báo chí, PGS TS Nguyễn Trọng Kiên, Giám đốc Trung Tâm thí nghiệm và phát triển công nghệ, Viện Công nghiệp gỗ và Nội thất – Đại học Lâm Nghiệp cho biết, gỗ lũa là phần còn lại của cây gỗ, sau khoảng thời gian vài trăm năm được bỏ quên trong tự nhiên, phần còn lại kết tinh nhiều sinh khí của trời đất. Ở một góc độ nào đó, về tuổi tác, nó là thế hệ trước chúng ta rất nhiều. Việc khai thác được phần gỗ lũa đó để làm “sống” lại nó trong cuộc sống hiện nay là điều vô cùng ý nghĩa.
Gỗ lũa là kết tinh của tự nhiên, cộng với bàn tay khéo léo của người thợ điêu khắc, kết hợp với các điển tích truyền thống, tạo nên các tác phẩm văn hoá, mang tính giáo dục con người.
Theo ông Chu Văn Ân, loại gỗ lũa quý nhất là dòng "trai vàng", có độ cứng cao, vân gỗ đặc biệt, không bị mối mọt. Một trong những cây gỗ lũa quý hiếm nhất mà ông sở hữu đã được Viện Khảo cổ học xác định có tuổi đời tới 2.130 năm – trong đó 1.660 năm sinh trưởng và 470 năm bị phong hóa.
Từ những gốc gỗ tưởng chừng vô dụng ấy, bằng đôi tay khéo léo, con mắt nghệ thuật và trí tuệ sáng tạo, các nghệ nhân của Chu Gia Trác Mộc đã "thổi hồn" vào từng thớ gỗ. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện. Có thể là một tích xưa, như "Đức Phật ngự liên hoa", hay "Đức mẹ Maria về trời". Có thể là khung cảnh bình dị như "Đồng quê Bắc bộ", "Miền núi Tây Bắc", hoặc "Quần ngư hý liên hoa". Mỗi đường đục, mỗi nét gọt đều thấm đẫm triết lý nhân sinh – lòng hiếu thảo, sự thủy chung, tình quê hương đất nước.
Điều đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc gỗ lũa là tính độc bản. Không có hai khối gỗ nào giống nhau, nên mỗi tác phẩm đều duy nhất. Người nghệ nhân không tạo hình từ đầu, mà "đối thoại" với thế gỗ tự nhiên, giữ nguyên trạng, chỉ gọt bỏ phần thừa, tôn trọng tuyệt đối sự kỳ bí của tạo hóa. Vì thế, mỗi tác phẩm là sự kết hợp giữa thiên nhiên và trí tuệ con người, là "tái sinh" văn hóa giữa dòng chảy hiện đại.
![]() |
Ngày 22/12/2024, trong khuôn viên thiết kế truyền thống thấm đẫm yếu tố hoài cổ của Chu Gia Trang ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc trang trọng tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”.
Trong hành trình phát triển thương hiệu Chu Gia Trác Mộc, nhà sáng lập thương hiệu - ông Chu Văn Ân đã luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới, khai thác tối đa vẻ đẹp đa chiều của gỗ lũa. Với ý tưởng xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới bằng giá trị độc bản của tác phẩm, ông Chu Văn Ân cùng Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc đã quyết định sẽ thực hiện 01 tác phẩm điêu khắc gỗ lũa đặc biệt, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Tác phẩm sẽ được thực hiện trong 7 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 9/2025.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Trọng Kiên – Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm & Phát triển công nghệ – Đại học Lâm nghiệp cho rằng, gỗ lũa là lớp ký ức của tự nhiên. Nó đã trải qua bao mùa mưa nắng, chiến tranh, sự bào mòn của thời gian, lưu giữ trọn vẹn lịch sử một vùng đất, một dân tộc.
![]() |
Không dừng lại ở những tác phẩm nhỏ lẻ, Chu Gia Trác Mộc đang ấp ủ những công trình điêu khắc mang tầm vóc quốc gia. Tiêu biểu là tác phẩm “Tam sơn tứ hải nhất phần điền” – hòn non bộ gỗ lũa lớn nhất Việt Nam, với kích thước khổng lồ 8m x 2m x 3.8m, chia thành hai phần: con thuyền lớn làm đế, và phần thân thể hiện non nước, cây cối, ruộng đồng.
Tác phẩm có hai mặt chính. Mặt A khắc họa hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc sinh ra đến khi đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Mặt B tái hiện văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, biểu tượng của đoàn kết, hòa hợp và bản sắc dân tộc trường tồn.
PGS. TS Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ sự trân trọng với dự án này: “Nó không chỉ là một công trình mỹ thuật, mà còn là biểu tượng văn hóa, giáo dục thế hệ sau về lịch sử dựng nước, giữ nước. Tác phẩm giúp mỗi người hiểu rõ hơn về cội nguồn và lòng biết ơn đối với tiền nhân.”
Tại buổi tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”, giới chuyên môn, nghệ nhân và công chúng đã có dịp nhìn lại hành trình 15 năm bền bỉ của Chu Gia Trác Mộc. Cũng nhân dịp này, công ty đã tri ân các cựu chiến binh, các cao niên từng tham gia kháng chiến – thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn", gắn văn hóa truyền thống với tinh thần yêu nước và đạo lý dân tộc.
Gỗ lũa – kết tinh từ thời gian, thiên nhiên và trí tuệ con người – đang từng bước khẳng định vị thế trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Qua bàn tay nghệ nhân như ông Chu Văn Ân và tập thể Chu Gia Trác Mộc, những khúc gỗ vô tri đã "sống dậy", mang theo triết lý nhân sinh, đạo lý làm người, và niềm tự hào văn hóa dân tộc.
Giữa thời đại công nghệ và đô thị hóa, những tác phẩm gỗ lũa không chỉ là vật trang trí, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về cội nguồn, về lòng hiếu kính, về bản sắc Việt vững bền.
![]() |
Gỗ lũa là một trong những chất liệu đặc biệt được giới nghệ nhân, nhà sưu tầm và người yêu nghệ thuật đánh giá cao bởi vẻ đẹp kỳ lạ, độc nhất vô nhị và giá trị tinh thần sâu sắc.
Không giống như các loại gỗ thông thường được khai thác khi cây còn sống, gỗ lũa là phần lõi hoặc rễ còn sót lại của các cây cổ thụ đã chết từ lâu trong rừng sâu, bị vùi lấp dưới đất, trong lòng sông, suối, hồ hoặc bị ngâm trong nước trong thời gian rất dài.
Quá trình khoáng hóa tự nhiên đã biến phần gỗ này trở nên cứng như đá, giữ lại phần tinh túy của cây và thấm đẫm linh khí của trời đất. Chính điều đó đã tạo nên những đặc tính vô cùng khác biệt cho gỗ lũa, khiến nó không chỉ là vật liệu tự nhiên quý hiếm mà còn mang giá trị nghệ thuật, tâm linh và phong thủy đặc sắc.
Một trong những đặc tính nổi bật nhất của gỗ lũa là độ cứng và độ bền vượt trội. Gỗ lũa không còn chứa nhựa sống nên hầu như không bị mối mọt tấn công, không mục nát theo thời gian và đặc biệt có thể tồn tại lâu dài dù trong môi trường khắc nghiệt.
Có những khối gỗ lũa được phát hiện sau hàng trăm năm vẫn giữ nguyên hình thù ban đầu, thậm chí màu sắc và vân gỗ còn trở nên sắc nét, kỳ ảo hơn do quá trình thẩm thấu khoáng chất từ lòng đất hoặc nước ngầm.
Mỗi khối lũa là một tác phẩm của tự nhiên, mang những đường vân xoắn vặn, lỗ hổng, gồ ghề hay hình thù kỳ quái không thể sao chép. Chính vì vậy, gỗ lũa trở thành vật liệu lý tưởng cho những người nghệ nhân yêu thích thử thách, sáng tạo theo hướng “thuận tự nhiên” thay vì áp đặt ý chí con người lên vật liệu.
![]() |
Gỗ lũa không chỉ đẹp về hình thức mà còn mang ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc. Trong văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, gỗ lũa được coi là hình ảnh của sức sống mãnh liệt, sự trường tồn và tinh thần vượt lên nghịch cảnh. Cây đã chết nhưng phần rễ, phần lõi của nó vẫn tồn tại, vẫn thách thức thời gian, và còn chuyển hóa thành một hình thái nghệ thuật mới – đó chính là triết lý sống đầy nhân văn.
Không ít nghệ nhân tin rằng, gỗ lũa tích tụ linh khí trời đất, hấp thụ năng lượng âm dương hài hòa nên có thể dùng làm vật trấn trạch, mang lại bình an và may mắn cho gia chủ. Những tượng Phật, tượng linh vật, đài sen hay hình long – ly – quy – phượng được tạc từ gỗ lũa đều mang linh khí mạnh mẽ, thường được đặt tại những nơi linh thiêng hoặc không gian thờ cúng.
Ứng dụng của gỗ lũa hiện nay vô cùng đa dạng, trải rộng từ nghệ thuật điêu khắc, trang trí nội thất, phong thủy cho đến tiểu cảnh sân vườn và sưu tầm mỹ thuật. Trong lĩnh vực điêu khắc nghệ thuật, gỗ lũa được dùng để tạo nên các tác phẩm độc bản, khai thác tối đa đường nét tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng.
Tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Âm, tượng rồng, hổ, đại bàng… được tạc từ lũa thường giữ lại phần gốc, rễ hoặc thân xoắn tạo nên hiệu ứng sống động, mạnh mẽ mà không chất liệu nào khác có được. Những tác phẩm này không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn hàm chứa tinh thần tín ngưỡng sâu sắc, thường được trưng bày trong chùa chiền, đền phủ, hoặc không gian thờ cúng tại gia.
Trong trang trí nội thất, gỗ lũa trở thành điểm nhấn đặc biệt trong các biệt thự, nhà vườn, khách sạn cao cấp hay resort nghỉ dưỡng. Một chiếc bàn gỗ lũa nguyên khối, một chiếc đèn trang trí sử dụng phần gốc cây lũa tạo hình, hay một giá sách được làm từ cành lũa tự nhiên đều mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên, sang trọng nhưng không phô trương.
Những món đồ nội thất từ gỗ lũa không chỉ có giá trị sử dụng mà còn thể hiện gu thẩm mỹ và đẳng cấp cá nhân của gia chủ.
Gỗ lũa cũng là chất liệu lý tưởng cho nghệ thuật bonsai và tiểu cảnh non bộ – khi kết hợp với đá cảnh, rêu phong, cây nhỏ, hồ nước – tạo nên không gian tĩnh lặng, thư thái, mang âm hưởng thiền định đậm nét phương Đông.
![]() |
Trong lĩnh vực phong thủy và tâm linh, gỗ lũa được sử dụng như một vật phẩm mang năng lượng tốt lành. Nhiều người tin rằng đặt khối lũa có hình dáng rồng uốn lượn, cây nghênh phong hay tượng Phật tọa thiền trong nhà sẽ giúp hóa giải sát khí, thu hút tài lộc và tăng cường khí vận.
Những sản phẩm gỗ lũa được khai thác từ các khu vực linh thiêng như rừng già Tây Nguyên, rừng sâu Tây Bắc hay khu vực suối thiêng thường có giá trị phong thủy rất cao, được giới sưu tầm săn đón. Thậm chí, có những khối gỗ lũa được bán với giá hàng trăm triệu đồng hoặc hơn, tùy vào độ hiếm, hình dáng tự nhiên và lịch sử khai thác.
Không thể không nhắc tới vai trò của gỗ lũa trong thế giới sưu tầm và đầu tư nghệ thuật. Bên cạnh giá trị sử dụng và thẩm mỹ, gỗ lũa còn là một tài sản có tính độc bản – điều mà giới sưu tầm đặc biệt yêu thích. Mỗi khối lũa là duy nhất, không thể có bản sao thứ hai, và giá trị của nó tăng theo thời gian, nhất là khi gắn với tên tuổi của nghệ nhân hoặc được trưng bày trong các triển lãm mỹ thuật uy tín.
Thị trường gỗ lũa hiện nay không chỉ phát triển trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia yêu chuộng mỹ thuật truyền thống. Một số tác phẩm gỗ lũa Việt Nam đã được bán đấu giá ở nước ngoài với giá rất cao, góp phần nâng tầm thương hiệu nghệ nhân Việt trên bản đồ mỹ thuật thế giới.
Gỗ lũa không đơn thuần là một loại vật liệu tự nhiên quý hiếm mà còn là hiện thân của vẻ đẹp vượt thời gian, của triết lý sống và tinh thần văn hóa sâu sắc.
Với những đặc tính ưu việt và khả năng ứng dụng rộng rãi, gỗ lũa không chỉ chạm đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình mà còn khẳng định vị thế trong không gian sống hiện đại và tâm linh.
Trong một thế giới đang dần quay về với giá trị bền vững và tự nhiên, gỗ lũa chính là cầu nối giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và quá khứ, giữa hình thức và chiều sâu tinh thần.
![]() |
![]() |