Mục lục
VNHS - Mới đây, Ban chỉ đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức Hội nghị trao đổi thông tin kết quả công tác phối hợp và nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo Điều 48 Luật Thủy sản 2017: Chính phủ quy định vùng biển khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; hoạt động của tàu cá trên các vùng biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.
Điều 7 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự người nước ngoài về hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam như sau: Người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nhập cảnh quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam hợp pháp nhưng khai thác thủy sản trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại Bộ luật Hình sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Truy cứu hình sự các hành vi khai thác thủy sản trái phép
Pháp luật quy định rõ 08 hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: (1) Khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; (2) Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; (3) Khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (4) Khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (5) Người nước ngoài đưa tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam; (6) Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép; (7) Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; (8) Buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản.
Theo Báo Chính phủ, 10 tỉnh, thành phố phía Nam (gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh) hiện có trên 33.000 tàu cá, trong đó khoảng 13.760 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi. Do đó, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung nhằm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU.
Mới đây, 10 tỉnh, thành phố này đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện “Kế hoạch phối hợp số 211” nhằm tăng cường đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Theo báo cáo kết quả, sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực thủy sản của 10 tỉnh, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố 12 vụ, 19 đối tượng vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, đang tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ hàng loạt các vụ án, vụ việc khác để đưa ra truy tố, xét xử.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác ngăn ngừa, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng để quản lý chặt chẽ số tàu cá, ngư dân có nguy cơ cao vi phạm chống khai thác IUU; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân bằng nhiều hình thức cụ thể. Quyết tâm cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, vì một nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Đinh Khương (t/h)