LTS: Việc tìm “Cội nguồn văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam” là một vấn đề mong mỏi lâu nay không những của những người yêu thích Sinh vật cảnh mà còn khơi dậy niềm tự hào của cả dân tộc ta. Nhân Đại hội khóa VII của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Tạp chí Việt Nam Hương sắc xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lê Đình - nguyên Ủy viên Thường vụ Hội SVC Việt Nam, Phó TBT Thường trực Tạp chí Việt Nam Hương Sắc.
1 - Thú chơi “cây cảnh, đá cảnh, động vật cảnh” của người Việt Nam mà ngày nay chúng ta gọi là “Sinh vật cảnh” (SVC) đã có từ bao giờ, đến nay dường như chưa thấy một công trình nghiên cứu chính thống nào được xuất bản, thường chỉ truyền miệng chung chung là “thú chơi này đã có từ lâu đời” hoặc là“đã có hàng ngàn năm rồi” v.v… Cứ nói “khơi khơi” như vậy, nhưng lại không viện dẫn được những cứ liệu khoa học nào để chứng minh!
Để tìm ra câu trả lời về thú chơi Sinh vật cảnh của người Việt Nam đã có từ bao giờ, khi đó với trách nhiệm là Phó TBT Thường trực Tạp chí Việt Nam Hương sắc - cơ quan ngôn luận của Hội SVC Việt Nam, tôi đã dành nhiều thời gian đến Thư viện Quốc gia (Hà Nội) để tra cứu, nhưng rồi quá bận với nhiều việc cấp bách, trong đó có việc phải lo tài chính để Tạp chí hoạt động nên đành phải gác lại!
Mãi đến năm 2000, nhân dịp về công tác tại tỉnh Ninh Bình, may mắn gặp được ông Nguyễn Cao Tấn - hội viên Hội SVC Ninh Bình, từng là thành viên trong đoàn khảo cổ học ở Mán Bạc, tôi mới biết rằng: Qua việc khai quật di chỉ khảo cổ học Mán Bạc ở thôn Bạch Liên - một thôn ven biển, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất vào tháng 3/1999 thì nơi đây cũng là nơi cư trú của người Việt Cổ sống cách đây khoảng 3500 đến 4000 năm. Ngoài việc tìm thấy 6 bộ hài cốt cùng hàng trăm di vật quí giá, riêng di vật về đồ đá gồm bàn mài, lưỡi rìu, hạt lưới, mũi tên, hạt chuỗi, vòng, khuyên tai, hoa văn hình lá v.v… đặc biệt đã phát hiện ra một hòn đá có hình dạng tự nhiên như một trái núi với vẻ đẹp rất hùng vĩ.
Qua phân tích khoa học, hòn đá này cũng cách đây khoảng 3500 năm, nó không phải là một hòn kê hay một công cụ lao động mà là một vật thờ. Điều này phù hợp với tín ngưỡng tô tem giáo của người tiền sử và sơ sử; đó cũng là sự chiêm ngưỡng cái đẹp sơ khởi của người tiền sử, cũng có nghĩa là sơ khởi của thú chơi đá cảnh hay non bộ của tổ tiên ta truyền lại cho chúng ta ngày nay!
2 - Một sự bất ngờ nữa là cũng tại khu khảo cổ Mán Bạc này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều chậu gốm cao tới 25cm. Điều đáng chú ý là ở phần đáy của những chiếc chậu này đều có lỗ thủng với đường kính từ 1 đến 2cm và những lỗ thủng này được tạo ra có chủ ý trước khi đem nung thành gốm.
Để lí giải vì sao người Việt cổ ở Mán Bạc đã sản sinh ra những chiếc chậu có lỗ thủng ở đáy thì ta cũng cần phải hiểu thêm rằng: cách đây khoảng 5000 năm, vùng đồng bằng Bắc Bộ đang còn là biển cạn dần, thuộc thời kì đá mới và sơ kì kim khí, dân số phát triển nên cư dân cổ buộc phải mở rộng địa bàn cư trú và hướng tìm đến những vùng trước núi, bãi sông, bờ biển là nơi nhiều thủy sản, đất đai mầu mỡ để cư ngụ sinh sống mà Mán Bạc là một trong những làng tối cổ đó - một làng ven biển còn nhiễm mặn nặng nên cư dân Việt Cổ đã phải làm ra những chiếc chậu gốm thủng đáy, đựng đất lấy từ vùng cao để trồng những thảo mộc họ từng trồng ở nơi cư trú cũ. Và trong những loài thảo mộc được người Việt Cổ thuần dưỡng trong chậu cho họ củ, quả hoặc những cây thuốc để chữa bệnh v.v… và không loại trừ có những cây hoa vừa đẹp vừa thơm để cúng thần linh, đồng thời để làm đẹp cuộc sống cho mình.
3 - Mãi đến năm 2015, sau khi tôi xin thôi chức vụ Ủy viên Thường vụ Hội SVC Việt Nam và Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Việt Nam Hương sắc, tôi mới có điều kiện nghiên cứu sâu hơn và mới biết thêm chứng cứ về người Việt Thường Thị (tức người Việt cổ) cách đây khoảng 3000 năm đã từng sang Nhà Chu (nay thuộc Trường An Thiểm Tây, Trung Quốc) để dâng biếu chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương.
Việt Thường Thị là một quốc gia hay chỉ là một bộ lạc cổ đại (có trước cả các đời Hùng Vương ở nước ta) đã được nhắc đến trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc. Thư tịch đầu tiên đề cập đến Việt Thường Thị là sách “Thượng Thư Đại Truyện”, “Hậu Hán Thư” và “Tư Trị Thông Giám Cương Mục”.
Theo “Thượng Thư Đại Truyện” và “Hậu Hán Thư” cùng “Tư Trị Thông Giám Cương Mục” thì vào năm thứ 6 kể từ khi Chu Công nhiếp chính, người Việt Thường Thị đi bằng 3 con voi đến dâng chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương. Do không biết tiếng của nhau nên phải phiên dịch qua 3 thứ tiếng. Khi sứ giả Việt Thường Thị về nước, e không biết đường nên Chu Công đã cấp 5 cỗ xe bình xa (tức xe có màn che) sửa thành “xe chỉ nam” để xác định phương hướng đi theo dọc bờ biển 2 nước Phù Nam và Lâm Ấp để về nước (tức Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay).
Trong cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Nhà
xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1998, ở quyển 1 trang 7 cũng có chi tiết như sau: “Năm Tân Mão thứ 6 (1110 trước công nguyên) vào đời Thành Vương thuộc Nhà Chu (TQ), có sứ giả của Việt Thường Thị ở phía nam Bộ Giao Chỉ qua 3 lần phiên dịch sang dâng chim trĩ trắng cho Chu thành vương”.
Như vậy là cách đây khoảng hơn 3000 năm, người Việt Cổ ngoài việc thuần dưỡng động thực vật để phục vụ cuộc sống như chó, mèo, trâu bò, lợn gà thậm chí cả voi v.v… chúng ta cũng đã quan tâm đến những vẻ đẹp của những chim thú lạ, nếu chưa coi đó là một thú chơi đã có từ lâu.
Qua những chứng cứ kể trên, dù là chưa thật đầy đủ, chưa thật phong phú, chúng ta cũng có thể sơ bộ tin rằng “Văn hóa SVC Việt Nam đã có lịch sử xa xưa, không chỉ gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước mà còn gắn với người Việt Cổ khi còn ở thời kì săn bắt hái lượm”. Nó “không phải là thứ văn hóa du nhập” từ bất kì nước nào trên thế giới! Và sau này tuy có sự giao thoa văn hóa giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới nhưng nó vẫn giữ được bản sắc riêng.
Chính xuất phát từ cái “nền bản sắc, bản địa” vững chắc đó mà ông cha ta sau này đã có cơ sở tiếp biến văn hóa nước ngoài rất thành công (chủ yếu là văn hóa Trung Hoa trong 1000 năm Bắc thuộc) và dần dần sáng tạo ra nghệ thuật Sinh-Vật-Cảnh mà hôm nay chúng ta đang được thụ hưởng, kế thừa phát triển và có thể tự hào sánh vai cùng năm châu bốn biển!
Bài viết này chắc chắn còn nhiều hạn chế, mong quí vị đóng góp ý kiến cho vấn đề sáng tỏ hơn.
Lê Đình
Tin tức khác