Mục lục
VNHS - Phát triển kinh tế rừng đang được nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế triển khai làm theo. Tuy nhiên việc sử dụng đất để phát triển kinh tế đúng mục đích và không gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường thì không phải nơi nào cũng làm được.
Hồ Đông Mai nằm trên địa phận của hai phường Minh Thành và Đông Mai (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Đây là hồ nước ngọt được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống Thủy sản Quảng Ninh sử dụng với mục đích làm nơi nuôi ươm và sản xuất giống thủy sản. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua hồ Đồng Mai đã bị một số hộ dân xâm lấn làm mất cảnh quan môi trường và chưa có dấu hiệu được khôi phục.
Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống Thủy sản Quảng Ninh là đơn vị trưc thuộc Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ninh chuyên thực hiện các chức năng về nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực thủy sản như: Nghiên cứu di truyền và chọn giống, nghiên cứu thực nghiệm, tiếp nhận, nhập và ứng dụng các công nghệ về sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản. nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo một số đối tượng nuôi mới và bản địa. lưu giữ giống thủy sản đặc hữu ở Quảng Ninh, nhân các loại giống thuần cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống. Để thực hiện nhiệm vụ này, trung tâm được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho sử dụng quỹ đất với tổng diện tích là 553. 165 m2 bao gồm quỹ đất dung để xây dựng các trại giống, nuôi ươm và sản xuất các loại thủy sản và phần còn lại là diện tích sử dụng cho hạ tầng và các công trình kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trong số quỹ đất này, hồ Đông Mai được Trung tâm sử dụng với mục địch là làm nơi nuôi ươm và lai tạo các loại giống thủy sản. Theo ông Đặng Khánh Hùng – Giám đốc Trung tâm – cho biết: diện tích hồ Đồng Mai được các cấp có thẩm quyền giao cho Trung tâm theo bản vẽ trên thực địa là vào khoảng 8.7 hecta.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong thời gian vừa qua, lợi dụng chính sách giao khoán đất để phát triển kinh tế rừng, một số hộ dân đã có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất dẫn đến việc phá vỡ cảnh quan môi trường, xâm lấn đất rừng trái phép và gây cản trở đén công tác nghiên cứu, lai tạo và ươm nuôi các loại giống thủy sản mà Trung tâm đang triển khai thực hiện tại khu vực hồ này. Không những thế, các hộ dân này còn ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên hành lang an toàn của hồ, lấn chiếm diện tích mặt hồ để xây dựng các công trình phụ trợ. Điều đáng nói là chính quyền địa phương lại dường như không hề có động thái nào nhằm xử lý quyết liệt và triệt để đối với vấn đề này nên đã dẫn đến sự bức xúc của dư luận địa phương.
Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm KHKT và sản xuất giống Thủy sản Quảng Ninh, phần diện tích lòng hồ bị lấn chiếm và xây dựng trái phép nằm trên địa phận của hai phường Minh Thành và Đông Mai (đều thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Theo văn bản xác nhận hiện trạng thực tế của Trung tâm tại Hồ Đông Mai vào thời điểm ngày 22/11/2023 thì diện tích đất hồ bị lấn chiếm cụ thể như sau: hộ nhà bà Diễn (phía góc hồ), toàn bộ 7000 m2 (bảy nghìn mét vuông) bao gồm: chuồng chăn nuôi lợn tiếp giáp từ mốc 37 đến mốc 176 chiều dài khoảng 65 mét, chiều rộng kéo ra lòng hồ, trong đó diện tích vườn trồng na với mật độ trồng 3m /1 cây, chiều dài 95 mét, chiều rộng ra lòng hồ 70 mét, hộ nhà bà Thủy Diễn – anh Phát: có 2 căn nhà xây kiên cố với hệ thống bờ rào (tường rào) xây gạch, trồng xoài, na, diện tích này bắt đầu từ mốc 177 chạy xuống lòng hồ khoảng 85 mét dài. Hộ nhà anh Hướng có 3 dãy chuồng gà, diện tích ao, cây ăn quả, cây dừa diện tích lấn ra lòng hồ rộng khoảng 500 m2. Hộ nhà bà Điểm – Sớm (phía đối diện nhà anh Hướng), có 2 nhà cấp 4 và 1 công trình phụ diện tích lấn ra phía lòng hồ khoảng 600 m2.
Bà Lê Thị H – một người dân sinh sống quanh hồ - cho biết: việc xây dựng và lấn chiếm lòng hồ Đông Mai xảy ra đã được 4 – 5 năm nay, người dân cũng đã có ý kiến phản ánh với chính quyền địa phương (UBND phường Minh Thành), tuy nhiên không nhận được câu trả lời chính thức của chính quyền phường, thậm chí một số hộ dân lấn chiếm còn có ý thách thức vì “đây toàn là người nhà của lãnh đạo cấp trên” (?).
Theo quan sát của phóng viên, hồ Đông Mai có vị trí khá thuận lợi khi hai mặt tiếp xúc với đường giao thông, hai mặt còn lại tiếp xúc với khu dân cư và rừng sản xuất. Ghi nhận trên thực tế nhóm phóng viên nhận thấy có một số công trình có dấu hiệu lấn chiếm trái phép khi diện tích phần xây dựng nằm trên diện tích bờ kè bao quanh hồ. Ngoài ra còn xuất hiện một dãy lớn các nhà lán xây phục vụ cho sản xuất chăn nuôi, một số tường bao cũng được xây lấn sát ra phía lòng hồ và có hiện tượng gây cản trở dòng chảy tự nhiên của hồ.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, ông Đặng Khánh Hùng – Giám đốc Trung tâm KHKT và sản xuất giống Thủy sản Quảng Ninh – cho biết: Đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích và lấn chiếm diện tích hồ để xây dựng các công trình sai phép, Trung tâm cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương phối hợp triển khai việc cưỡng chế, thu hồi đất và có biện pháp xử lý các cá nhân vi phạm. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm vẫn không nhận được bất cứ thông tin nào của chính quyền địa phương trước những kiến nghị, đề xuất của Trung tâm.
Việc các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã đúng hay chưa? Xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang an toàn của lòng hồ có được sự cho phép của chính quyền địa phương hay không? Việc triển khai các dự án chăn nuôi đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về đánh giá tác động môi trường cũng như việc xả thải trực tiếp xuống lòng hồ trong quá trình chăn nuôi (nếu có) liệu có được phép?... Thực tế này cần được chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc để trả lại diện tích mặt nước hồ Đồng Nai nguyên trạng, bảo vệ môi trường sinh thái xanh sạch, tươi đẹp cho đời sống người dân quanh hồ.
Nhóm PV