Mục lục
VNHS - Đây là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ yêu cầu trong Nghị quyết 82/NQ-CP ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Trong thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Cuộc sống ở nhiều cộng đồng làng quê trở nên khấm khá, văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP trở thành đặc sản địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ có du lịch…
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được quan tâm đúng mức...
Để khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn cho phát triển du lịch, Nghị quyết 82 của Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.
Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Chương trình cũng hướng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Bên cạnh đó chương trình còn đặt ra mục tiêu ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ mang lại những sản phẩm độc đáo, mới lạ cho khách du lịch mà còn giúp khai thác các giá trị kinh tế đầy tiềm năng từ nông thôn, nông nghiệp, mở ra hướng mới cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, mang lại lợi ích bền vững hơn cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Gia Khiêm