Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Chúc mừng năm mới 2025
Monday, January 6, 2025 2:04:42 PM

Doanh nhân kiều bào - Nhân tố góp phần đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ

03/01/2025

Mục lục

- Phóng viên: Thưa Ông Ngô Sỹ Tuyên, Ông nhận định như thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nhân kiều bào trong việc góp phần phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia, Tổng Giảm đốc Công ty TNHH Sơn Kova nano quốc tế:

Cộng đồng doanh nhân kiều bào đóng một vai trò quan trọng và đầy tiềm năng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt khi đất nước tiến vào kỷ nguyên hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ. Các doanh nhân kiều bào có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm kinh doanh tại các thị trường phát triển. Họ có thể mang vốn, công nghệ hiện đại, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, sản xuất thông minh, năng lượng tái tạo và các mô hình kinh doanh tiên tiến về Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với mạng lưới quan hệ sâu rộng trên toàn cầu, họ có thể giúp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút các đối tác chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm bắt xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế và thích nghi với các quy định pháp lý tại thị trường nước ngoài; thúc đẩy, mang theo tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo về nước, trở thành nguồn cảm hứng và đối tác quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ xây dựng nền kinh tế số. Nhiều doanh nhân kiều bào không chỉ đầu tư vì lợi nhuận mà còn quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững, như bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, và phát triển cộng đồng. Điều này góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia hội nhập nhưng vẫn giữ vững giá trị văn hóa và đạo đức.

Sự tham gia của kiều bào vào quá trình phát triển kinh tế không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà còn thắt chặt mối quan hệ giữa kiều bào và quê hương. Điều này tạo nên động lực và lòng tin cho cộng đồng quốc tế về sức mạnh và tiềm năng của người Việt Nam trên toàn cầu. Vai trò của cộng đồng doanh nhân kiều bào là không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Cộng đồng doanh nhân kiều bào không chỉ là một nguồn lực kinh tế mà còn là một sức mạnh mềm, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà cho các đại diện người Việt Nam tiêu biểu các nước ASEAN

- Phóng viên: Theo Ông, những tiềm năng nào của các doanh nhân kiều bào vẫn chưa được khai thác hết? Và đâu là những rào cản chính khiến các nguồn lực này chưa phát huy tối đa hiệu quả?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Các doanh nhân kiều bào thường có mạng lưới quan hệ rộng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, việc tận dụng những kết nối này để thúc đẩy hợp tác chiến lược, chuyển giao công nghệ, hợp tác thương mại, mở rộng thị trường quốc tế và thu hút đầu tư từ các đối tác quốc tế vẫn còn hạn chế. Do thiếu sự kết nối và cơ chế hỗ trợ phù hợp nên sự tham gia của họ vào các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ. Lượng kiều hối từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hàng năm là rất lớn, nhưng phần lớn được sử dụng trong lĩnh vực bất động sản hoặc tiêu dùng thay vì đầu tư vào các ngành kinh tế chiến lược, sản xuất công nghệ cao hay giáo dục, y tế. Các doanh nhân kiều bào có kiến thức và kinh nghiệm phong phú trong quản lý và vận hành doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp của họ vào việc cố vấn, đào tạo và phát triển doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá ít. Kiều bào có lợi thế lớn trong việc quảng bá sản phẩm và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, nhưng tiềm năng này chưa được phát huy hết để xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ và bền vững.

Theo tôi, những rào cản chính khiến nguồn lực kiều bào chưa phát huy tối đa trước hết là do một số chính sách liên quan đến đầu tư, sở hữu tài sản, quyền lợi kinh doanh cho kiều bào còn thiếu minh bạch hoặc phức tạp, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án lớn. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên như đất đai, vốn vay, và giấy phép hoạt động đôi khi không thuận lợi. Một số doanh nhân kiều bào vẫn lo ngại về tình trạng thiếu minh bạch, và cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các kênh kết nối giữa doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp trong nước còn thiếu hệ thống và hiệu quả. Việc thiếu các diễn đàn, hiệp hội chuyên ngành hoặc cơ chế hợp tác cụ thể làm hạn chế khả năng hợp tác sâu rộng. Đồng thời sự khác biệt về văn hóa kinh doanh  tại Việt Nam và các quốc gia phát triển, đặc biệt về phong cách quản lý, đạo đức nghề nghiệp, và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đôi khi tạo ra rào cản trong việc triển khai các dự án. Nhiều doanh nhân kiều bào chưa nắm rõ các chính sách ưu đãi hoặc các cơ hội đầu tư tại Việt Nam do thiếu thông tin và sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước và địa phương. Một số kiều bào vẫn cảm thấy chưa thực sự được chào đón hoặc có sự phân biệt trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh và hợp tác đầu tư tại quê nhà.

- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các chính sách hiện tại của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ kiều bào? Những điều chỉnh hay sáng kiến gì cho là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nhân kiều bào đầu tư và kinh doanh tại quê nhà?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Chính phủ đã ban hành các chính sách khuyến khích kiều bào đầu tư, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, và các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai…. Quyền sở hữu nhà đất, bất động sản và kinh doanh của kiều bào đã được cải thiện đáng kể, giúp họ dễ dàng tham gia đầu tư. Chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường quốc tế. Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho kiều bào, vai trò của kiều bào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ngày càng được khẳng định, ghi nhận.

- Phóng viên: Kiều hối từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài hàng năm chiếm một tỷ trọng lớn, nhưng phần lớn vẫn tập trung vào các lĩnh vực không sản xuất. Theo Ông, cần những giải pháp cụ thể nào để hướng dòng kiều hối này vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Để hướng dòng kiều hối vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh thay vì các lĩnh vực không sản xuất (như tiêu dùng, bất động sản) đòi hỏi những giải pháp cụ thể, mang tính đồng bộ và khuyến khích mạnh mẽ từ chính phủ cũng như các cơ quan liên quan, cụ thể: (1.)Tăng cường chính sách ưu đãi cho các khoản đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thông qua ưu đãi thuế (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư của kiều bào trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, và nông nghiệp công nghệ cao; miễn giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, hoặc nguyên vật liệu phục vụ sản xuất từ nước ngoài); tăng cường hỗ trợ tài chính (Cung cấp lãi suất vay ưu đãi hoặc các khoản tín dụng dành riêng cho kiều bào đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hoặc xuất khẩu); (2.) xây dựng các quỹ đầu tư và kênh tài chính chuyên biệt để kết nối dòng kiều hối với các dự án sản xuất, kinh doanh khả thi tại Việt Nam. Thông qua các quỹ này, kiều bào có thể đóng góp vốn và nhận lại lợi tức từ lợi nhuận. Đồng thời phát triển các nền tảng trực tuyến để kiều bào có thể lựa chọn đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp hoặc lĩnh vực sản xuất mà họ quan tâm. (3.) tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp trong nước, phát triển các khu kinh tế chuyên biệt kêu gọi kiều bào đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế đặc biệt với cơ chế ưu đãi đặc biệt; tăng cường kêu gọi kiều bào kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) rót vốn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến hoặc xuất khẩu; khuyến khích kiều bào tham gia đầu tư vào các dự án công nghiệp, cơ sở hạ tầng và sản xuất thông qua mô hình đối tác công tư. (4.) Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết với kiều bào trong xây dựng các chương trình cố vấn, đào tạo và hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất; thành lập quỹ đổi mới sáng tạo để kêu gọi dòng kiều hối đầu tư vào các ý tưởng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. (5.)Tăng cường truyền thông và cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư, chính sách ưu đãi và các dự án sản xuất tiềm năng tại Việt Nam. Thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại giới thiệu các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh có tiềm năng cao dành riêng cho kiều bào. (6.) Xây dựng cơ chế bảo vệ kiều bào, đồng thời tăng cường giám sát, minh bạch hóa các quy trình đầu tư để xây dựng lòng tin, tạo động lực cho kiều bào đầu tư về Việt Nam. (7.) Khuyến khích kiều bào kết nối chuyển giao công nghệ hiện đại từ các quốc gia tiên tiến; tạo điều kiện để kiều bào tham gia đào tạo, cố vấn kỹ thuật và quản lý cho các doanh nghiệp trong nước. (8.) Thay đổi cơ cấu sử dụng kiều hối, giới hạn dòng tiền vào bất động sản không sản xuất (như mua bán đất đai); Khuyến khích, định hướng dòng kiều hối vào các ngành kinh tế chủ lực như chế biến nông sản, sản xuất công nghiệp phụ trợ, hoặc công nghệ cao, năng lượng tái tạo.

- Phóng viên: Ông có một số đề xuất hay sáng kiến cụ thể để cộng đồng doanh nhân kiều bào đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và xa hơn là nền kinh tế Việt Nam?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, và công nghệ của Việt Nam, với tiềm năng lớn để thu hút và tận dụng nguồn lực từ cộng đồng doanh nhân kiều bào. Nhằm phát huy tối đa vai trò của kiều bào, tôi đề xuất một số ý tưởng sau: (1.) Thành lập trung tâm kết nối và hỗ trợ doanh nhân kiều bào đầu tư tại Thành phố để cung cấp thông tin về các cơ hội đầu tư, chính sách ưu đãi và thủ tục pháp lý, tạo không gian làm việc chung để doanh nhân kiều bào kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp địa phương. Tập hợp các chuyên gia, doanh nhân kiều bào thành Hội đồng cố vấn cho chính quyền Thành phố trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như công nghệ, y tế, giáo dục, và năng lượng... (2.) Phát triển các quỹ đầu tư đặc thù dành cho kiều bào, như Quỹ Đầu tư Sáng tạo Kiều bào; xây dựng và thực hiện Chương trình "Kiều hối cho Sản xuất" để huy động vốn từ cộng đồng kiều bào đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ và năng lượng tái tạo …của Thành phố. (3.) Tăng cường hợp tác với các trung tâm nghiên cứu quốc tế của kiều bào đưa các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về ứng dụng trong sản xuất, giáo dục và y tế; mời gọi kiều bào có chuyên môn cao tham gia giảng dạy, cố vấn và chuyển giao tri thức tại các trường đại học và doanh nghiệp ở Thành phố. (4.) phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thành lập các vườn ươm khởi nghiệp tập trung vào doanh nghiệp do kiều bào sáng lập hoặc đồng sáng lập; Kết nối các startup trong nước với mạng lưới doanh nhân kiều bào để cố vấn, hợp tác và kêu gọi đầu tư. (5.) Xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế chuyên biệt với cơ chế ưu đãi vượt trội, tập trung vào thu hút đầu tư từ kiều bào trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và logistics. Triển khai các dự án số hóa hệ thống hành chính công, tạo điều kiện cho kiều bào thực hiện các thủ tục đầu tư và kinh doanh một cách nhanh chóng và thuận tiện. (6). Tăng cường giao lưu văn hóa và tạo sự gắn kết, tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng kiều bào và quê hương. (7.) Kêu gọi kiều bào đầu tư hoặc hợp tác phát triển lĩnh vực giáo dục và y tế chất lượng cao. (8.)Thúc đẩy kiều bào tăng cường hợp tác thương mại và xuất khẩu hàng Việt Nam; làm đại sứ thương hiệu, hỗ trợ quảng bá sản phẩm và văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Những đề xuất của tôi nhằm tận dụng tối đa nguồn lực từ doanh nhân kiều bào, không chỉ về tài chính mà còn về tri thức, công nghệ, và mạng lưới quốc tế. Với Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai các sáng kiến này sẽ thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu trong khu vực và xa hơn là động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

 

- Phóng viên: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện cho kiều bào, như cho phép mua và kinh doanh bất động sản tương tự như người Việt Nam trong nước. Ông đánh giá thế nào về tác động của những chính sách này đến việc thu hút doanh nhân kiều bào về đầu tư và làm việc tại quê hương?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào, bao gồm cho phép sở hữu, mua và kinh doanh bất động sản tương tự như người trong nước đã mang lại những tác động tích cực trong việc thu hút doanh nhân kiều bào về đầu tư và làm việc tại quê hương. Đây là một bước tiến lớn, giúp họ cảm thấy được đối xử công bằng và có quyền lợi tương tự như người dân trong nước, góp phần thúc đẩy dòng kiều hối, phát triển thị trường bất động sản, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương… tạo điều kiện để kiều bào tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam, tăng cường lòng tin và sự gắn bó của kiều bào với quê hương. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa nguồn lực từ cộng đồng kiều bào, cần có những điều chỉnh và chính sách toàn diện hơn nhằm hướng dòng vốn và tri thức vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghệ cao, hoặc nông nghiệp công nghệ cao… tạo giá trị lâu dài, bền vững cho nền kinh tế.

- Phóng viên: Việc phát hành trái phiếu dành riêng cho kiều bào được đánh giá là một sáng kiến đột phá để huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo Ông, những cải tiến nào trong các chính sách như thế này có thể tăng thêm sức hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy niềm tin của kiều bào vào nền kinh tế đất nước?

- Ông Ngô Sỹ Tuyên: Phát hành trái phiếu dành riêng cho kiều bào là một sáng kiến quan trọng nhằm huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời gắn kết họ chặt chẽ hơn với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để gia tăng sức hấp dẫn và thúc đẩy niềm tin của kiều bào vào nền kinh tế đất nước, Chính phủ Việt Nam cần: (1.)Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn cho các dự án hoặc lĩnh vực mà nguồn vốn từ trái phiếu sẽ được đầu tư (ví dụ: hạ tầng, giáo dục, y tế, năng lượng tái tạo) có tác động lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội; thành lập hội đồng giám sát bao gồm đại diện kiều bào, chuyên gia độc lập và các cơ quan có thẩm quyền để theo dõi và đánh giá việc sử dụng vốn; tiến hành báo cáo công khai về tiến độ dự án, lợi ích kinh tế - xã hội đạt được, và việc hoàn trả trái phiếu. (2.) Tăng tính hấp dẫn của trái phiếu bằng cách đảm bảo lãi suất cạnh tranh, hấp dẫn hơn so với các sản phẩm tài chính tương tự trên thị trường quốc tế, đồng thời cân nhắc các yếu tố như tỷ giá hối đoái và lạm phát; có cơ chế bảo hiểm rủi ro cho trái chủ, đặc biệt là rủi ro về biến động tỷ giá hoặc lạm phát, đảm bảo quyền lợi của kiều bào trong trường hợp xảy ra sự cố tài chính hoặc dự án không đạt hiệu quả như mong đợi. Đồng thời đưa ra nhiều kỳ hạn trái phiếu (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) để phù hợp với nhu cầu đa dạng của kiều bào. Phát hành các loại trái phiếu có mục đích cụ thể, như trái phiếu xanh (cho các dự án bảo vệ môi trường) hoặc trái phiếu xã hội (cho các dự án giáo dục, y tế). Những trái phiếu này không chỉ hấp dẫn về tài chính mà còn tạo cảm giác đóng góp ý nghĩa cho đất nước. (3.) Cải thiện kênh phân phối và giao dịch thông qua phát hành trái phiếu trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số thân thiện, an toàn, cho phép kiều bào mua và giao dịch trái phiếu từ xa. Tích hợp hệ thống thanh toán quốc tế và nhiều loại tiền tệ để thuận tiện hơn cho kiều bào. Liên kết với ngân hàng quốc tế lớn ở các quốc gia có đông người Việt sinh sống để phát hành trái phiếu qua mạng lưới của họ. Cho phép giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp để tăng tính thanh khoản, giúp kiều bào dễ dàng chuyển đổi trái phiếu thành tiền mặt khi cần. (4.) Miễn hoặc giảm thuế thu nhập từ lãi suất trái phiếu cho kiều bào, tạo sự khác biệt với các sản phẩm đầu tư khác. Cung cấp các đặc quyền như ưu tiên đăng ký đầu tư vào các dự án kinh tế khác, hoặc ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ công tại Việt Nam (y tế, giáo dục, du lịch).Tặng thưởng cho những kiều bào nắm giữ trái phiếu đến thời hạn đáo hạn thay vì bán lại trên thị trường thứ cấp. (5. )Tăng cường truyền thông trên các kênh quốc tế và tại các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu trái phiếu, nhấn mạnh lợi ích và ý nghĩa của việc đầu tư. Mời các doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào uy tín làm đại sứ quảng bá, từ đó tăng niềm tin và sự quan tâm từ cộng đồng. Tăng cường minh bạch hóa chính sách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, và công bố các chỉ số kinh tế tích cực để kiều bào an tâm hơn khi đầu tư.

Phát hành trái phiếu dành riêng cho kiều bào là một bước đi đột phá, nhưng để thành công lâu dài, cần cải tiến chính sách theo hướng minh bạch, hấp dẫn, và bền vững. Kết hợp giữa lợi ích tài chính, ý nghĩa cộng đồng, và sự đảm bảo về quyền lợi sẽ giúp gia tăng niềm tin và khuyến khích kiều bào tích cực đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông đã tham gia cuộc phỏng vấn đầy ý nghĩa. Nhân dịp bước sang năm mới 2025, kính chúc Ông và gia đình cùng cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài sức khỏe, an khang, hạnh phúc, thực sự là cầu nối đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ./.

Hoàng Tám - Đặng Hưởng

Hiện có khoảng hơn 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Có khoảng 500.000 đến 600.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% trong cộng đồng NVNONN), luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…Người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chứng tỏ được trí tuệ và tài năng của mình trên trường quốc tế. Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của NVNONN luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, từ năm 2014 đến nay, lượng kiều hối gửi về Việt Nam liên tục tăng trưởng ổn định và đến nay Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới. Cụ thể:

- Năm 2014 đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng so với mức 11 tỷ USD của năm 2013. Mức tăng trưởng khoảng 9% so với năm trước.

- Năm 2015 đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng so với mức 12 tỷ USD của năm 2014. Mức tăng trưởng khoảng 10%.

- Năm 2016 đạt khoảng 13,4 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ so với mức 13,2 tỷ USD của năm 2015. Mức tăng trưởng khoảng 1,5%, thấp hơn so với các năm trước.

- Năm 2017 đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 13,4 tỷ USD của năm 2016. Mức tăng trưởng khoảng 3%.

- Năm 2018 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 13,8 tỷ USD của năm 2017. Mức tăng trưởng khoảng 15,9%, đánh dấu một bước nhảy vọt trong dòng kiều hối.

- Năm 2019 đạt khoảng 16,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 16 tỷ USD của năm 2018. Mức tăng trưởng khoảng 4,4%.

- Năm 2020 đạt khoảng 17,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 16,7 tỷ USD của năm 2019. Mức tăng trưởng khoảng 3%, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19.

- Năm 2021 đạt khoảng 18,1 tỷ USD, tăng so với mức 17,2 tỷ USD của năm 2020. Mức tăng trưởng khoảng 5,2%.

- Năm 2022 đạt khoảng 18,7 tỷ USD, tăng so với mức 18,1 tỷ USD của năm 2021. Mức tăng trưởng khoảng 3,3%.

- Năm 2023 đạt khoảng 19,7 tỷ USD, tăng so với mức 18,7 tỷ USD của năm 2022. Mức tăng trưởng khoảng 5,3%.

- Dự báo năm 2024, lượng kiều hối sẽ đạt 19 tỷ USD, giảm so với năm 2023.

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng