Mục lục
VNHS - Nhờ tập trung vào các sản phẩm đặc sản, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu cũng như có nhiều giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tại nhiều địa phương hiện nay đã xuất hiện những vùng sản xuất chuyên canh tập trung lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Năm 2021, tỉnh Phú Yên ban hành “Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030”. Qua ba năm triển khai, đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), trước đây người dân chỉ trồng một số loại cây công nghiệp ngắn ngày như: Tiêu, sắn, mía, thì những năm gần đây, được sự định hướng, vận động, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Sông Hinh đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái chất lượng cao, với tổng diện tích gần 2.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng các vùng chuyên canh. Lấy thực tế từ hiệu quả đạt được tại huyện Khánh Sơn - là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa.Trước đây, người dân có thói quen du canh, du cư, phát rừng làm rẫy, đến nay đồng bào Ra Glai ở Khánh Sơn đã định canh, định cư, biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt… dần thay thế các loại cây trồng cũ.
Ví dụ như Sơn Lâm là một trong những xã trồng nhiều sầu riêng của huyện Khánh Sơn. Trước đây, người dân chủ yếu trồng bắp, mì, chuối, tiêu, cà-phê... nhưng trình độ sản xuất còn hạn chế cho nên đời sống rất khó khăn. Những năm gần đây, địa phương tập trung trồng cây sầu riêng, đạt năng suất cao, giá cao và ổn định vì vậy đời sống được nâng cao rõ rệt. Hiện, xã có hơn 800 ha sầu riêng, trong đó hơn 400 ha đã cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng đạt hơn 4.500 tấn, doanh thu hơn 250 tỷ đồng.
Nằm ở đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang), huyện Cái Bè chú trọng phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản theo hướng "chung sống với lũ", mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống và nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới.
Toàn huyện hiện có trên 27.000 ha vườn trồng cây ăn trái, lớn nhất, nhì tỉnh Tiền Giang với nhiều chủng loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao: xoài cát Hòa Lộc, mít Thái, sầu riêng,... Trong 9 tháng qua, nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng trái cây các loại gần 396.000 tấn trái, tăng trên 2.500 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tại xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa,Thanh Hóa), mấy năm gần đây cánh đồng chuyên canh cây rau màu đã trở thành “điểm nhấn”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã này. Đến nay, toàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu với diện tích hơn 40 ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm.Sau khi xã có chủ trương xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau màu quy mô hàng hóa giá trị kinh tế cao, người dân đã lựa chọn những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với xu hướng, thị hiếu của thị trường và người tiêu dùng như súp lơ xanh, mướp đắng, rau gia vị... các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 15 - 22% so với sản xuất đại trà. Doanh thu bình quân của vùng sản xuất chuyên canh đạt từ 220 triệu đồng/ha/năm trở lên, đối với rau màu trái vụ doanh thu có thể đạt tới 450 triệu đồng/ha/năm
Có thể nói, với việc xây dựng các đề án nhằm phát triển vùng chuyên canh dựa theo đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu địa phương cùng với những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong phát triển cây ăn trái đã thúc đẩy người dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trên các vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Sản phẩm từ cây ăn trái đem lại thu nhập cao, góp phần giải quyết khó khăn, nâng cao kinh tế hộ, cung cấp sản phẩm xanh, sạch cho người tiêu dùng.
Khánh Trang