Mục lục
Khởi nghiệp từ các sản phẩm thân thiện môi trường đang là xu thế hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Tại Phú Yên, với niềm đam mê và tâm huyết, chị Nguyễn Vũ Lệ Minh (34 tuổi) đã khởi nghiệp từ loài cây xương rồng tai thỏ.
Xương rồng tai thỏ từ cây mọc hoang thành sản phẩm khởi nghiệp độc đáo.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc phủ xanh bãi cát tại Phú Yên được xem là một trong những giải pháp cấp thiết bảo vệ môi trường sống. Cây xương rồng mà chị Minh đang theo đuổi phát triển, được các chuyên gia môi trường đánh giá cao và là một trong những phương án tối ưu.
Có thể thấy, từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, chị Minh đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, chị còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Vũ Lệ Minh (34 tuổi) cho biết, đây là sản phẩm do hai vợ chồng tự trồng trọt và chế biến. Trải qua gần ba năm tìm tòi, trải qua nhiều thăng trầm và thất bại mới tạo ra “đứa con tinh thần” ngày hôm nay. Kể về hành trình khởi nghiệp, chị Minh chia sẻ, một lần tình cờ biết cây xương rồng tai thỏ thường mọc hoang dại ở bờ rào còn có thể chế biến món ăn và có công dụng hỗ trợ bệnh xương khớp, tiểu đường. Tìm hiểu thị trường trong nước hầu như chưa có sản phẩm được chế biến từ xương rồng tai thỏ. Vì vậy, vợ chồng chị quyết định khởi nghiệp với giống cây bỏ hoang này.
Sau nhiều lần thử trồng cho cây xương rồng, cuối cùng, vợ chồng chị Minh đã quyết định trồng tại huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên cũng là quê chồng của chị Minh để xây dựng nhà xưởng và mở rộng diện tích trồng 5.000 cây…Xương rồng là loài không mất công chăm sóc nhiều, sức khỏe tốt nên trong thời gian ngắn, cây sinh sôi phát triển rất nhanh. Có thành phẩm, hai vợ chồng tự nghiên cứu làm nước ép, trà từ xương rồng tai thỏ. Từ đó, các bẹ xương rồng sau khi thu hoạch được rửa sạch, gọt bỏ gai, xử lý chất nhờn và tiến hành chế biến thành nước ép, trà, xương rồng muối chua…
Mặc dù, từng bị nhiều lần thất bại…Tuy nhiên, chị Minh đã thành công khi cho ra đời những chai nước ép xương rồng đầu tiên, bảo quản được một năm ở môi trường tự nhiên. Chị Minh cho hay “Vui tới phát khóc. Bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nay cũng đã thu được thành phẩm”.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) thì tinh dầu từ hạt xương rồng cho thấy hàm lượng các a xít béo chưa no trong xương rồng khá cao, từ 63,62 – 69,06%. So sánh với dầu trong các loại hạt khác: dầu ngô (59%), dầu mè (45%), dầu hạt bông (49-58%), dầu đậu nành (51%), dầu hạt hướng dương (68%), dầu hạt thược dược (78%), dầu cọ (10%), hạt thuốc phiện (70%), hạt nho (73%)…
TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho hay trong những năm gần đây các sản phẩm được chế biến từ cây xương rồng đã xuất hiện trên kệ các siêu thị…Các nhà hàng cũng sử dụng xương rồng làm rau xanh, salad, nước ép…Bởi, đây là một loại rau thực phẩm, xương rồng có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy-hóa (antioxidants), vitamin, khoáng, vi lượng, còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn chất mỡ trong máu, ngộ độc rượu, tiêu chảy, nhiễm virus, u xơ tiền liệt tuyến…Hiện nay, các sản phẩm làm từ cây xương rồng tai thỏ như dầu tắm gội, kem chống nắng, sửa rửa mặt, kem dưỡng, trà thảo mộc bằng cây xương rồng mang về doanh thu không nhỏ, vừa bảo vệ môi trường sống, đồng thời tạo việc làm cho các lao động ở địa phương…
Trong khi đó, trên thế giới giá trị kinh tế lớn của cây xương rồng ở các nước như Mỹ, Mexico, Ấn Độ…Tuy nhiên, tại Việt Nam, ít người nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư, phát triển loại cây này thành mặt hàng kinh tế. Với nhiều người Việt chúng ta, xương rồng là loại cây gai góc, sống trên các vùng đất cát khô cằn xương rồng như nghĩa địa, bờ rào, bãi cát, hay chỉ được trồng làm cây cảnh. Gần đây, với sự hiểu biết về dinh dưỡng, nhiều địa phương đã trồng xương rồng và đã có nhiều cách chế chế biến ra những món “đặc sản”, “thực phẩm chức năng” quý giá từ loại cây này.
Thành phần dinh dưỡng của xương rồng với nhiều công dụng khác còn có nhiều chất muối khoáng như calci, magnesi, kali, mangan, sắt, đồng và đặc biệt có rất nhiều chất chống oxy hoá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam, ngoài tỉnh Phú Yên thì một số địa phương như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận…nhiều bà nội trợ cũng đã biết chế biến xương rồng bằng cách xào, nấu canh, làm lẩu …cho ra cả chục món ăn ngon, hợp khẩu vị, có nơi còn phong danh “đặc sản” địa phương. Tin rằng, thông qua câu chuyện khởi nghiệp từ cây xương rồng của chị Minh về giá trị kinh tế xanh từ cây xương rồng tai thỏ trở thành sản phẩm dinh dưỡng góp phần phát triển kinh tế của địa phương mà còn để canh tác tại những nơi vùng đất khô hạn. Bên cạnh cung cấp thức ăn cho gia súc, rau xanh và thuốc chữa bệnh cho người, xương rồng còn che phủ đất cát, chống xói mòn, rửa trôi và góp phần cải thiện nguồn nước ngầm quý hiếm…
Minh Quyền – Mỹ Huyền