Mục lục
Thời gian thấm thoát thoi đưa! Vậy là Tạp chí Việt Nam Hương Sắc - cơ quan truyền thông của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã bước sang tuổi 30 (10/1993 – 10/2022).
Gần ba thập kỉ qua Tạp chí Việt Nam Hương Sắc là diễn đàn về văn hóa nghệ thuật và khoa học kĩ thuật Sinh-Vật-Cảnh, là nơi để các nhà nghiên cứu và nghệ nhân Sinh-Vật-Cảnh lưu truyền lại một thú chơi văn hóa tinh thần của ông cha ta từ bao đời nay hầu như chưa có sử sách nào ghi chép lại.
Tạp chí Việt Nam Hương Sắc (VNHS) ra đời trong bối cảnh Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam vừa thành lập được 4 năm, tổ chức Hội cơ sở mới phát triển ở vài thành phố và thị xã, cấp huyện trở xuống hầu như chưa có, vì vậy hội viên cả nước cũng chỉ có vài ngàn người. Hội lại chủ trương tự lập tự cường, không thu phí hội viên và Ban lãnh đạo Hội đều là cán bộ hưu trí nên không thể có tiền để ra báo. Cuối cùng Ban trị sự Hội SVC (tức Ban thường vụ Hội ngày nay) đề nghị ông Trần Lâm - nguyên chủ nhiệm ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam đứng ra lo liệu để tờ báo Hội có thể ra đời.
Lúc đầu chưa biết lấy kinh phí đâu để ra Tạp chí. Sau nhờ ông Ngô Luân - Tổng thư kí Hội *- giới thiệu đến gặp ông Phạm Văn Thiết là giám đốc công ty in Tiến Bộ giúp đỡ. Ông Thiết đồng ý giúp đỡ bằng cách in Tạp chí không phải trả tiền ngay. Ông Trần Lâm với tư cách cá nhân viết giấy vay 100 triệu nhưng chỉ nhận 10 triệu tiền mặt để mua sắm văn phòng, trả nhuận bút dần v.v.
Sau 10 tháng ra Tạp chí, nhà in cho biết số tiền nợ đã lên đến 100 triệu. Tổng biên tập Trần Lâm vô cùng lo lắng, bàn riêng với Tổng thư kí Hội Ngô Luân và Phó chủ tịch hội đồng trị sự Lê Đình để đi đến quyết định không thể khác là phải tạm ngừng chi lương cho đến khi nào báo trả hết nợ và có lãi, đồng thời hạ tiền nhuận bút, tiết kiệm chi tiêu v.v.
Quyết định này khiến nhiều người thôi việc, từ 12 người chỉ còn lại 3 người gồm: Tổng biên tập Trần Lâm; phó chủ tịch hội đồng trị sự kiêm thường trực ban biên tập Lê Đình; cô Kiều Oanh nhân viên văn phòng kiêm kế toán, vì cô vừa tốt nghiệp phổ thông là vào làm việc cho VNHS nên không có thu nhập nào khác, do vậy là người duy nhất được tiếp tục trả lương 200đ/tháng – Vâng, đúng là hai trăm đồng.
Trong lúc cực kì khó khăn, bỗng Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm tòa soạn, sau đó vp chính phủ thông báo sẽ tài trợ cho báo 50 triệu đồng và một chiếc ô-tô con đã qua xử dụng, nhưng cả lãnh đạo Hội và Tạp chí không giám nhận ô-tô vì tự xét thấy chưa đủ khả năng trả lương lái xe và nuôi xe.
May mắn sao, phó chủ tịch hội đồng trị sự Lê Đình, ông Lê Châu - trưởng cơ quan đại diện VNHS tại Miền Trung và Tây Nguyên, ông Lê VănThư - đại diện VNHS tại Miền Nam đã có một số doanh nghiệp thân thiết nhiệt tình giúp đỡ, tài trợ cho Tạp chí thông qua những trang quảng cáo trên VNHS. Cũng còn do các vị chủ chốt trong tòa soạn mỗi lần đi công tác địa phương đã không ngại khó mang theo vài vali tạp chí để giới thiệu ở nhiều tỉnh thành; huyện; xã trong cả nước, do đó xây dựng được mạng lưới phát hành, quảng cáo rộng lớn và vô cùng hữu hiệụ nên tài chính dần ổn định, thanh toán được hết nợ và bắt đầu có lãi để có thể trả lương, tăng biên chế và tiếp tục bán tạp chí dưới giá thành sản xuất một vạn số mỗi tháng. Đến khi Trung tâm bảo tồn SVC của Hội doanh thu sút kém, không thể đóng góp toàn bộ kinh phí cần chi tiêu rất lớn của Hội được nữa thì Tạp chí đã nhận trách nhiệm gánh vác thay.
Tuy nhiên sau khoảng 10 năm, khi mạng xã hội phát triển, mọi người xem mạng, ít đọc báo khiến Báo chí nói chung đều gặp khó khăn, nhiều tờ báo phải đình bản nhưng Tạp chí VNHS vẫn gắng sức tồn tại. Đó là kì tích của một tờ báo Hội quần chúng ! Có được kì tích đó chính là nhờ công lao của các vị lão thành cách mạng, các vị cán bộ từ trung ương đến địa phương dù đã hưu trí nhưng vẫn muốn cống hiến sức mình với dân với đất nước; chính là nhờ đông đảo các vị cộng tác viên là những nhà văn hóa, khoa học, nhà văn, nhà báo, các vị nghệ nhân đã nhiệt tình nghiên cứu viết bài vô cùng thiết thực và bổ ích; cũng chính là nhờ đông đảo độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là những độc giả là hội viên Hội SVC Việt Nam đã tin yêu và cổ vũ mọi người đọc báo của Hội mình; cũng không thể không kể tới tấm lòng rộng mở của các mạnh thường quân, các nhà doanh nghiệp đã đồng hành cùng Tạp chí thời kỳ khó khăn nhất, tiêu biểu như hãng hàng không quốc giaViệt Nam không những tài trợ thông qua những trang quảng cáo mà còn đặt mua dài hạn mỗi kì ra báo hàng ngàn cuốn VNHS đặt trên túi ghế máy bay để khách trong và ngoài đọc; cũng không thể quên Maison Việt Nam tại Pari đã phát hành VNHS tại pháp v.v.
Tất cả những công ơn to lớn ấy không sao kể xiết, Việt Nam Hương Sắc mãi mãi ghi ơn và xin hứa sẽ phấn đấu hết sức mình để Tạp chí ngày càng phát triển, ngày càng hữu ích như quí vị độc giả hằng mong đợi.
Tạp chí Việt Nam Hương sắc