Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:44:12 PM

Một nền Nông nghiệp xanh đang được định hình

10/11/2024

Mục lục

VNHS – Trên thế giới, tăng trưởng xanh và nông nghiệp xanh đã trở thành xu hướng chủ đạo. Tại Việt Nam, để khuyến khích phát triển mô hình này, nhiều cơ chế, chính sách đã được Đảng và Nhà nước ban hành, như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, khẳng định vai trò quan trọng của nền nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nông nghiệp xanh là nhân tố quan trong của nền kinh tế tuần hoàn

Nông nghiệp xanh là gì?

Nông nghiệp xanh là một phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Nông nghiệp xanh chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả.

Mục tiêu của nền nông nghiệp này là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân. Áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ và giảm sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp xanh giúp giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loài cây, động vật và vi sinh vật, đồng thời bảo vệ, tăng cường đa dạng sinh học trong các khu vực nông nghiệp.

Lợi ích của mô hình Nông nghiệp xanh

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm," đã giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.

Mô hình này còn khuyến khích các hoạt động tái chế, chế biến và gia công nông sản để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo ra việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững là những lợi ích rất quan trọng. Việc tăng cường năng suất cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cung cấp đủ lượng thực phẩm cho dân số đang gia tăng.

Phát triển nông nghiệp xanh là thiết thực bảo vệ môi trường 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 12,07 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, gạo 4,78 tỷ USD, điều 3,63 tỷ USD.

Với việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, mô hình nông nghiệp xanh tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nông dân. Ở nhiều địa phương, nhiều mô hình đang chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp xanh và sinh thái, theo xu hướng thị trường toàn cầu và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế. Sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp.

Các giải pháp trên đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa-tôm và lúa-cá ở Đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ điển hình, giúp giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Nhiều mô hình về Nông nghiệp xanh đang được đưa váo triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những định hướng phát triển Nông nghiệp xanh

Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup 2024, một buổi tập huấn về Nông nghiệp xanh đã được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Chương trình nhằm trang bị cho các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, người dân kiến thức, kỹ năng cần thiết, tư duy hành động để thực hiện và lan tỏa chiến lược nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững.

Cụ thể, các diễn giả sẽ chia sẻ góc nhìn, cách tiếp cận đa chiều, chính sách và giải pháp khả thi gắn với mục tiêu chuyển đổi xanh, bền vững. Cùng với đó là loạt kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng mô hình, lộ trình phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn từ quốc tế lẫn trong nước. Qua đó ĐBSCL sẽ biết cách tối ưu hóa nguồn tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, tăng cường hiệu quả kinh tế.

Ban tổ chức chương trình kỳ vọng sau lớp tập huấn, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, đại biểu tham dự hội thảo sẽ trở thành những "đại sứ nông nghiệp xanh", tích cực tham gia "Nhóm công tác Nông nghiệp xanh Mekong", không chỉ tiên phong ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, mà còn lan tỏa đến cộng đồng, nâng cao ý thức chung trong xã hội cùng hành động.

Cần thêm các chính sách hỗ trợ phát triển Nông nghiệp xanh

Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị COP26 (Tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Gia Khiêm

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng