Mục lục
VNHS – Cứ bước vào mùa chim di cư, tại nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế xuất hiện tình trạng đánh bắt trái phép. Để ngăn chặn tình trạng trên các địa phương và ngành chức năng lại tăng cường tuyên truyền đến người dân, nghiêm cấm hành vi đặt bẫy, mua bán chim hoang dã.
Nạn săn bắt chim trời mùa di cư với nhiều hình thức khác nhau gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã.
Thực hiện theo số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, tại tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cho người dân. Nhờ đó, tình trạng săn bắt động vật hoang dã nói chung, nạn đánh bắt chim trời nói riêng tại Hà Tĩnh giảm rõ rệt.
Từ đầu tháng 8/2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức hơn 15 cuộc kiểm tra, 30 cuộc tuyên truyền, ký cam kết gần 300 bản; tịch thu, thả vào tự nhiên gần 20 cá thể các loài chim mồi còn sống, tiêu hủy hàng nghìn chim mồi giả, gần 10.000 que nhạ. Riêng huyện Nghi Xuân trong tháng 9 đã tổ chức 8 lượt kiểm tra, thu giữ 26 con chim mồi sống, 270 con chim giả làm bằng xốp, 450m2 lưới, hơn 2.300 que nhạ và tháo dỡ 22 lùm bẫy chim.
Hạt kiểm lâm các huyện như Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh tham mưu UBND huyện chỉ đạo phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức tuyên truyền để người dân không lén lút mua bẫy về săn bắt chim. Đồng thời, nắm bắt tình hình hoạt động bẫy, săn bắt, mua bán và tiêu thụ chim tự nhiên, chim di cư trên địa bàn ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Hiện nay so với những năm trước, tình trạng bẫy bắt chim trời đã giảm rõ rệt. Hiện chỉ còn khoảng 20% so với trước đây.
Tại Thừa Thiên – Huế : Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản về việc nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị tiêu thụ thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời. Đồng thời, có hướng dẫn xử phạt về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời.
Ngày 15/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng phối hợp, lực lượng chức năng vừa tổ chức kiểm tra, tháo gỡ hàng loạt bẫy săn bắt chim trời, tại địa bàn huyện Phú Lộc. Lực lượng chức năng phát hiện, tháo gỡ hơn 3.500 que dính nhựa làm bẫy, 300 cò giả bằng xốp dùng để dẫn dụ, săn bắt chim trời để tiến hành tiêu huỷ. Đồng thời, tiến hành giải cứu, thả về tự nhiên 10 cá thể chim cò tự nhiên.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm cho biết, trước mỗi mùa mưa bão, người dân thường đoán trước việc các loài chim di cư sẽ xuất hiện nên có tình trạng một đặt bẫy tại một số điểm nhỏ lẽ nhằm săn bắt chim trời. Do đó, đơn vị phối hợp cùng lực lượng chức năng, địa phương nhằm phối hợp truy quét, ngăn chặn và xử lý.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới.
"Nếu săn bắt chim hoang dã với tần suất gia tăng và số lượng lớn như hiện nay có thể gây ra tình trạng tuyệt chủng ở một số loài chim, mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh"
Nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển buôn bán động vật hoang dã, các loài chim trời lực lượng kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Tuy nhiên, những năm qua với áp lực từ nhiều phía, trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép làm cho tài nguyên rừng, động vật bị ảnh hưởng đáng kể. Việc chung tay của các cơ quan chức năng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết: Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét nhằm tháo gỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Những trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Những năm qua, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức ra quân, xử lý, thu hồi các bẫy chim trái phép, đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ chim hoang dã. Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ người dân… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đặt bẫy và bắt chim trời, ông Tuấn cho biết thêm”.
Xuân Bắc – Quang Toản