Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, November 17, 2024 10:32:33 AM

Vui xuân này, nhớ tết của những ngày xưa

09/02/2024

Mục lục

           Mỗi dịp Tết đến, cũng là dịp để tổng kết một năm cũ và dự kiến mục tiêu cho năm mới. Lúc sinh thời, Bác Hồ thường có thơ chúc Tết mỗi dịp Tết đến xuân về. Và bài thơ Bài thơ chúc Tết Xuân Bính Thân năm 1956 là một điển hình rõ nét nhằm động viên quân và dân ta hăng hái vươn lên:

 “Thân ái mấy lời chúc Tết
Toàn dân đoàn kết một lòng
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng”

      Trước thềm xuân mới Giáp Thìn, đất nước ta đã bước vào đổi mới đã được 37 năm. Một nhà khoa học chính trị đánh giá: nhìn lại 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng (tháng 2.2021) đã nhận định "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng (đến nay khoảng 5,2 triệu đảng viên).

Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, tính đến tháng 1.2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Theo Tổng cục thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của nước ta đạt khoảng 9,513 triệu tỉ đồng, tương đương 409 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt khoảng 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021…

      Tết Nguyên đán là tiết cổ truyền quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc, là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Có một câu nói rằng: Ở đâu có sự sẻ chia, nơi đó lòng người tỏa sáng. Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; ngày 14/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 830/KH-MTTW-BTT về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Thời gian thăm, tặng quà dự kiến từ ngày 01/01/2024 đến 31/01/2024. Được biết ở Hưng Yên- Phố Hiến- Nơi mấy trăm năm trước đã từng chỉ đứng sau Kinh kỳ; mùa xuân này được Tỉnh Uỷ chỉ đạo và ủng hộ, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội cùng vào cuộc, đồng hành cùng các doanh nhân doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Đã có văn bản chỉ đạo sớm và có lịch cụ thể để tặng quà Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cho một “Xuân nhân ái- Tết sẻ chia”. Xuân Giáp Thìn này nơi ấy nhà nhà, người người đều có Tết, lòng người nơi ấy thật ấm!

Vui xuân này, nhớ lại Tết xưa!

Để tập trung động viên toàn lực cho tiền tuyến lớn chiến thắng kẻ thù xâm lược và hậu phương lớn xây dựng tích lũy cơ sở vật chất kỹ thuật xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta chủ trương thực hiện cơ chế Kế hoạch hóa tập trung; Sau này khi đất nước thống nhất, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ trương đó vẫn được thực hiện và được dân gọi nôm na là Thời bao cấp.

Cái thời “ăn chắc” vì sợ nhất là Đói; “Mặc là phải bền” vì sợ rách hở da thịt ra sẽ bị chê cười; Chính vì vậy “ Đồ nồi đồng cối đá mới được lên ngôi”- mua 1 lần dùng cẩn thận là có thể cả đời. (Mũ cối Tàu, Tông gan gà, đồng hồ SK, chậu thau nhôm Liên Xô...).

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất dù cho ngày thường có phải ăn bo bo, gạo mậu dịch mốc, cơm độn ba phần tư là ngô khoai… Thì ngày Tết trên bàn thờ cũng phải có lọ hoa lay ơn thược dược, có mâm ngũ quả, bánh chưng, chai rượu chanh, hay ít ra cũng vài xị quốc lủi, bánh mứt kẹo, mâm cơm cúng giao thừa, rồi các ngày mồng một đến hết mồng ba cứ phải là mâm cỗ thịnh soạn- Đó là hồn Tết. Tết phải có đĩa bánh, mứt, kẹo để tiếp khách. Phải có cành mai, cành đào, cây quất trưng trong nhà.

Tem phiếu bảo đảm sự công bằng trong hoàn cảnh thiếu thốn. Chế độ tem phiếu này có những điều đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Tết truyền thống người Việt là "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Khoảng trước Tết một tháng, ngành Thương nghiệp đã công bố tiêu chuẩn Tết năm nay có những thứ gì. Ở của hàng lương thực, thực phẩm, những ngày giáp Tết thường đông nghịt những người xếp hàng mua hàng tết. Mà đi mua hàng Tết thời kỳ này thì chỉ có đến cửa hàng Mậu dịch, chứ ra chợ lúc đó chỉ có rau dưa cà… mua hàng Tết ở cửa hàng Mậu dịch là phải như "đi chiến đấu", phải xếp hàng, nhưng có chen lấn, xô đẩy, có khi cả ngày mới mua được suất của mình. Phải đi từ 4-5h sáng. Túi hàng Tết đó khi thì có măng, miến, bóng bì, ít mộc nhĩ, nấm hương, gói mì chính, một túi hạt tiêu nhỏ, bánh đa nem, hộp mứt, gói chè Hồng Đào, bao thuốc Điện Biên, Trường Sơn hay Tam Thanh, Tam Đảo, một chai rượu cam, rượu chanh, gạo nếp, đậu xanh …

Nhưng thứ làm nên cốt của mâm cỗ ngày Tết là thịt và cá thì chốn thôn quê hợp tác xã chúng tôi phải “xếp hàng” ở chỗ khác. Đụng lợn có từ hồi xa xưa, qua thời bao cấp và đến nay vẫn có tính hấp dẫn riêng. Bởi đụng lợn không hẳn chỉ là “mua lợn, thịt lợn và chia thịt lợn” mà ở đó nó thấm đẫm tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng xóm. Tết khi đó có thể có gà, ngan, vịt nuôi tăng gia, nhưng không loại thịt nào có thể thay thế được hương vị ngày Tết của thịt lợn. Ngoài làm nhân để gói bánh trưng, thì các loại thịt khác chỉ ăn một hai bữa là chán, phải đổi bữa, nhưng thịt lợn ngược lại, ăn được suốt mà rất lành, chế biến được nhiều món. Gia đình nào nuôi được lợn đều phải cân nghĩa vụ bán cho nhà nước. Nhà nào nuôi được con lợn có trọng lượng đến 1 tạ là hiếm. Vì vậy, ai bán được vài tạ lợn thì được nhà nước ưu tiên cấp cho cái phiếu mua chiếc đài bán dẫn hiệu Li Đô hoặc Xiêng Mao oai lắm để cả xóm đến nghe đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ có trại chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm của nhà nước mới được giết mổ lợn, bán phân phối theo tem phiếu cho cán bộ, công nhân viên. Còn người dân, dù nuôi được nhiều hay ít thì cũng bị cấm giết mổ; nhà có đám vui đám buồn cũng cấm. Ai vi phạm sẽ bị tịch thu sản phẩm kèm theo mức xử phạt khác của chính quyền. Giáp Tết Hợp tác xã sẽ căn cứ số hộ gia đình và số nhân khẩu mà phân bổ số cân hơi quy ra đầu lợn đụng, mọi người trong xóm phân công nhau mổ thịt, chia cho từng gia đình theo nhân khẩu, đúng đến từng hoa từng lạng. Tất cả phải chia đều, cái tai cái mũi… đã chia mười phần thì phần nào cũng phải có một ít; tôi nhớ cứ tầm hăm ba, hăm nhăm tháng chạp bố tôi sáng ra bảo anh em tôi vác bó rơm và củi đay sang nhà bác Dậu, bác Thìn... góp củi lửa đụng lợn, rồi phụ cùng mọi người làm. Có mải chơi mấy thì nhớ lúc chia phần bốc thăm và lấy đúng phần nhà mình nhé!

Mấy các chú các anh thịt lợn thì được tý tiết đánh tiết canh, phèo phổi nhắm rượu riêng ai cũng biết nhưng chả có ai tị. Khi chia các anh các chú có tý hơi men còn ra oai quát tháo, nhưng mọi người cũng không lấy vậy mà mết lòng.

Cá thì tát ao cá Bác Hồ cũng chia rất công bằng theo hộ gia đình có bao nhiêu nhân khẩu, từ con mè ranh, con trôi, con chép… Thế là có nồi cá kho to ăn trước Tết.

Cả nhà gói bánh chưng Tết

Về gói bánh chưng ngày Tết: trong xã hội hiện đại, đã có nhiều nét truyền thống bị mai một, nhưng có một thứ vẫn được lưu giữ đó là tục gói và dâng cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian. Trước Tết khoảng 3-4 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày29, 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng rửa và lau lá dong, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

       Ăn Tết cũng đặc sắc khác ngày thường: không chỉ ngon miệng, mà phải ngon cả mắt, tức là màu sắc cũng phải bắt mắt, phải có sắc xuân: những thực phẩm cho Tết " Miếng thịt lợn ba chỉ, khổ mỡ dày nửa gang tay, chềnh ềnh, trắng ngộn. Cà chua đỏ hồng. Cà rốt đỏ gạch. Miếng bóng vàng ngậy. Bó hành xanh bóng. Hoa súp lơ trắng ngà... Tất cả chỉ là thịt là rau, là miếng sống miếng chín vẫn ăn cả thôi mà sao vẫn hiển nhiên vẻ đặc sắc khác thường".(1)

     Còn chúc Tết là cả nét văn hoá còn đặc sắc hơn: Một năm mới với nhiều khởi đầu mới như một mùa xuân tươi xanh với chồi non lộc biếc. Năm mới đến, ai cũng có ước mơ, hoài bão riêng mình, mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến. Chính vì thế mà phong tục chúc Tết những ngày đầu năm được hình thành. Mọi người trao những lời hay, ý đẹp để mong bạn bè, người thân đạt được những ý nguyện của mình. Đây là truyền thống văn hóa riêng có của người Việt vào ngày Tết đã được lưu truyền từ ngàn đời nay.

Phong tục chúc Tết được đúc kết trong câu nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Mùng 1 là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ hướng về nội tộc. Con cháu đến chúc Tết ông bà, bố mẹ có sức khỏe, sống lâu, sống thọ, anh em chúc nhau làm ăn phát đạt, gia đình an khang, thịnh vượng. Rồi cùng nhau đi chúc Tết những gia đình trong họ, dành những lời chúc Tết đẹp nhất, ý nghĩa nhất trao cho nhau. Mùng 2 là ngày chúc Tết bên họ mẹ. Bên cạnh những câu hỏi han, thăm nom là những lời chúc mong năm mới có sức khỏe, cuộc sống an bình, con cái mạnh giỏi. Cũng giống như họ nội, cả gia đình sẽ đến thăm, chúc Tết ông bà và các anh chị em gần xa. Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn nên Tết đến, mọi người thường đến chúc Tết những thày cô giáo đã và đang có công dạy dỗ mình. Trẻ nhỏ được bố mẹ dẫn đến chúc Tết thầy cô, trẻ lớn hơn tụm thành từng nhóm đến chúc Tết thầy cô hết sức thành kính và vui vẻ.

                         “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”!

--------------------

(1). Mùa lá rụng trong vườn- Ma Văn Kháng.

Tác giả: Đào Xuân Dũng- Hưng Yên

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng