Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 12:58:58 AM

Làng cổ Kon KTu chạm vào giấc mơ du lịch

12/09/2022

Mục lục

Trải qua hàng trăm năm gìn giữ, làng cổ Kon K’Tu vẫn còn nguyên nét mộc mạc, hoang sơ vốn có.Bà con nơi đây mong sẽ phát triển làng quê bằng du lịch, song người dân nơi đây đang lo dự án thủy điện sẽ lấy đi những điều bình dị từ nhiều đời qua.


Căn nhà rông, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na.

Giữ nét hoang sơ, mộc mạc

Nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum (tỉnh Kon tum) khoảng 8km, làng cổ Kon K’Tu (xã Đăk Rơ Wa) nép mình bên dòng sông chảy ngược Đăk Bla thơ mộng. Ngôi làng của người Ba Na này còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Vẫn còn đó là căn nhà rông to lớn, hùng vĩ… nơi sinh hoạt chung của cộng đồng người Ba Na trong làng. Bà con vẫn còn giữ nét mộc mạc, giản dị với chiếc gùi, chai nhựa… trên lưng đi lấy nước ở bể cộng đồng đưa về sử dụng. Quanh đó là những căn nhà đất, nhà sàn đã nhuốm màu thời gian với đàn gà, chú heo… được thả tự do đi loanh quanh kiếm ăn.

Nhấp chén trà đặc, già A Banh (70 tuổi, nguyên Già làng Kon K’Tu) chia sẻ, cái tên Kon K’Tu trong tiếng Ba Na có nghĩa là làng cũ, ngôi làng có từ thời cổ xưa. Kon K’Tu thể hiện tài năng và tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Bởi xưa kia, giữa rừng sâu núi thẳm, nơi đầy rẫy cạm bẫy của thiên nhiên và thú dữ thì ở đâu có người lập làng thì chắc chắn có địa thế phong thủy tốt, không lo thiếu nguồn nước và đói khát.

Ngược dòng thời gian, già A Banh nói, chẳng biết làng Kon K’Tu có từ khi nào, già chỉ nhớ cha ông kể lại làng có lịch sử hơn 300 năm. Trước kia, làng cũ cách làng mới hiện nay khoảng 3km. Năm 1968, để thuận tiện cho việc sinh hoạt, đánh bắt thủy sản, cả làng đã kéo về sát bờ sông rồi xây dựng ngôi làng và sinh sống cho đến nay.

Những ngày sau giải phóng, ngôi làng còn nghèo, hoang sơ. Khi đó, những căn nhà trong làng được lợp bằng tranh với vách đất. Ngày xưa, mọi gia đình đều quan niệm “đông con là đông của” nên nhà nào cũng ngót nghét chục người. Cứ thế, cái nghèo đói bủa vây hết ngày này qua tháng nọ. Không những vậy, hủ tục lạc hậu cũng ám ảnh cả làng trong suốt thời gian dài dẫn đến đói nghèo dai dẳng.

“Trước kia, nếu nam nữ chưa cưới nhau mà có thai sẽ bị phạt 1 con trâu, bò. Anh em họ chưa đủ 3 đời mà yêu nhau thì phạt vạ 1 con heo và bắt 2 người phải ăn cơm trong chuồng heo. Yêu nhau quá không bỏ được thì phải đuổi cả hai ra khỏi làng. Nếu họ không đi, trời sẽ làm sét đánh vào nhà rông, cả làng đều bị phạt…”, già A Banh nói.

Khi hòa bình đã trở lại, chính quyền địa phương sâu sát tuyên truyền đến bà con không nên phạt vạ như trước. Dần dần, những vi phạm thuần phong mĩ tục, đánh nhau sẽ bị phạt một khoản tiền nhỏ để xung vào quỹ của làng. Giờ đây, ngôi làng cổ là nơi sinh sống của 138 hộ dân với hơn 736 nhân khẩu.

Căn nhà sàn bằng vách đất nhuốm màu thời gian.

Phát triển du lịch cộng đồng

Từ nhiều năm nay, làng cổ Kon K’Tu đã được tổ chức và quy hoạch thành một điểm đến du lịch kết nối thông qua các mô hình homestay. Khi đến đây, du khách được sống trong căn nhà sàn truyền thống của người Ba Na, thưởng thức các món đặc sản Tây Nguyên như: Cơm lam, gà nướng, xiên lợn, rượu cần (rượu ghè)… Không những thế, họ còn được trải nghiệm những công việc dân dã, mộc mạc của bà con như chèo thuyền, chài cá…

Những ngày đầu làm du lịch, bà con không khỏi bỡ ngỡ vì thiếu kinh nghiệm và kĩ năng chăm sóc khách hàng. Mong muốn người dân phát triển kinh tế nhờ du lịch, UBND xã Đăk Rơ Wa đã tổ chức đưa 8 hộ gia đình mở dịch vụ homestay đi trải nghiệm thực tế và tập huấn, học hỏi kinh nghiệm tại những tỉnh khác.

Bên cạnh đó, liên kết với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Nhờ vậy, đời sống người dân dần ổn định và phát triển, không còn phải chạy ăn từng ngày. Bà con dần quen giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài và những căn nhà khang trang cũng nhiều hơn qua thời gian.

Bà con tham gia dệt thổ cẩm trong lễ hội tại làng Kon K’Tu.

Dù vừa tốt nghiệp khóa học dịch vụ nhà hàng, thế nhưng A Sơm (25 tuổi) chẳng tìm cách đến các thành phố làm việc như chúng bạn mà quyết định ở tại quê nhà để phát triển du lịch.

A Sơm kể, sau khi tốt nghiệp anh ra Hà Nội xin làm phục vụ nhà hàng nhằm tích luỹ thêm kinh nghiệm về cách thức tổ chức và nhu cầu của du khách. Khi dịch Covid-19 không còn bùng phát mạnh mẽ nữa, A Sơm về làng Kon K’Tu với hy vọng vực dậy du lịch địa phương.

“Thời gian dài vừa qua, dịch Covid-19 đã khiến du lịch nơi này trũng xuống. Chẳng còn những đoàn khách Nam - Bắc hay nước ngoài ghé thăm. Sau khi học hỏi được chút ít kinh nghiệm về du lịch ở các thành phố phát triển mình muốn về làng để giúp du lịch “sống” lại. Không chỉ mình, mà bà con trong làng ai cũng mong muốn có thể đưa làng phát triển nhờ du lịch”, A Sơm chia sẻ.

Là một trong những người tiên phong với khát vọng làm du lịch để phát triển quê nhà, anh A Kâm đã đầu tư 2 căn nhà sàn khang trang. Anh cùng vợ trồng thêm hoa, làm rào tre… quanh nhà để tạo khung cảnh mộc mạc, nhưng không kém phần thu hút khách du lịch.

Anh A Kâm chia sẻ, để phát triển du lịch địa phương, mỗi người dân trong làng đều nuôi heo, gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm. Mỗi khi khách đến, những gia đình làm du lịch sẽ mua thực phẩm của chính bà con trong làng để đảm bảo chất lượng lại tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó luôn có 1 đội cồng chiêng sẵn sàng phục vụ du khách. Với những dịch vụ và sự hỗ trợ lẫn nhau này, bà con có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Nỗi lo thủy điện gần làng du lịch

Người dân sống nhờ vào dòng sông chảy ngược Đăk Bla.

Du lịch trong đà vực dậy, nhưng bà con nơi đây lại vô cùng lo lắng khi một doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát để xây dựng thủy điện trên sông Đăk Bla, chỉ cách làng khoảng 500m.

Bà Y Na cho biết, từ nhiều đời nay dòng sông Đăk Bla đã gắn bó với người dân trong làng. Dòng sông không chỉ hỗ trợ thức ăn, sinh hoạt hàng ngày cho người dân, mà còn mang nét hoang sơ, mộc mạc và thu hút khách du lịch ghé thăm.

Thế nhưng khi nghe thông tin sẽ có dự án thủy điện xây dựng tại địa phương thì bản thân bà và nhiều người dân lo lắng, nhất quyết không đồng tình. Bởi vị trí dự kiến xây dựng thủy điện rất gần làng du lịch Kon K’Tu. Nếu thủy điện được triển khai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển du lịch của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em, du khách.

Với bà Y Na và nhiều hộ dân khác, dòng sông Đăk Bla là nơi người dân lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Bãi cát vàng trải dài và những thác đá mang nét đẹp hoang sơ là nơi lũ trẻ nô đùa. Đặc biệt, du khách đến đây rất thích được trải nghiệm chèo thuyền ngắm cảnh, bắt cá trên sông.

“Nếu thủy điện được xây dựng gần làng đồng nghĩa với việc dòng sông bị thay đổi dòng chảy. Khi đó, cảnh quan và sinh vật sẽ không còn nguyên sơ như hiện nay. Những thói quen tắm, giặt và bắt cá dưới dòng sông của bà con sẽ chẳng còn. Không những thế, sẽ chẳng du khách nào thiết tha đến tham quan, du lịch ở một dòng sông trơ đáy”, già A Banh nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum, cho biết, làng Kon K’Tu trở nên đẹp và thơ mộng hơn nhờ có nhánh sông Đăk Bla chảy qua. Từ đó, nơi đây cũng là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch gần xa với những trải nghiệm, ẩm thực độc đáo.

Theo ông Bình, với du lịch, điều cần thiết nhất chính là tài nguyên tự nhiên, văn hóa tại địa phương. Do đó, việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch cần có bước đi thận trọng và phù hợp; Đồng thời phải mang tính bền vững, khai thác nhưng không làm cạn kiệt tài nguyên, mất cảnh quan và cơ hội tạo việc làm cho người dân.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng