Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất yêu và gần gũi với thiên nhiên. Nơi ở của Người, đâu đâu cũng thấy bóng mát của cây cối, hương thơm hoa cỏ, âm thanh của muôn loài. Người trồng cây, nuôi chim, đào ao thả cá. Người sống và làm việc giữa những người bạn thiên nhiên tâm giao thân thiết, giữa những suy nghĩ, lo toan cho vận mệnh nước nhà là những phút “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.
Không ai có thể quên đươc, hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Theo lời kêu gọi của Bác, nhân dân ta từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi đều nô nức hưởng ứng, phát động phong trào Tết trồng cây, làm cho nước non ngày càng thêm tươi thắm. Chúng ta còn nhớ ngày 28-11-1959, Bác đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngày 05/01/1961 (ngày 9 tháng Chạp năm Canh Tý), Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có phong trào trồng cây hai bên đường và trên các bãi đất trống. Bác ôm ghì 2 đồng chí lãnh đạo của xã thật chặt và hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Rồi Bác ôn tồn bảo: “Cây cũng như người, nó phải có khoảng cách để sống và phát triển, các chú cần hướng dẫn nhân dân trồng cây theo kỹ thuật, trồng cây nào tốt cây đó”. Bác viết nhiều bài báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”. Trên báo Hà Đông ra ngày 20/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết: Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây. Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16.2.1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Trong Di chúc của Người viết: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. “ Mùa xuân là Tết trồng cây” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Từ lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều phong trào và hành động cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp BVMT và phát triển đất nước bền vững.
PGS, TS Lê Minh
Tin tức khác