VNHS – Rác thải nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Các chất độc hại có trong rác thải như hoá chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng sẽ dung hoà vào nước làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và các loại sinh vật sống trong nước, làm giảm đa dạng sinh học.
Ô nhiễm nguồn nước, không khí.
Rác thải sinh hoạt là những chất thải liên quan đến các hoạt động của con người, nguồn tạo thành chủ yếu từ các khu dân cư, các cơ quan…Chất thải rắn sinh hoạt có thành phần bao gồm kim loại, sành sứ, thủy tinh, cao su, chất dẻo, bao bì..Nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt và mọi ngành nghề của đời sống các hoạt động sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và kinh tế của cộng đồng.
Trời mưa, nước mưa từ rác thải theo dòng chảy đi vào các nguồn nước mặt làm ô nhiễm nước mặt hoặc ngấm xuống đất làm ô nhiễm nước ngầm. Thông thường sẽ mang vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, chất hữu cơ…từ rác thải vào nguồn nước. Điều đáng chú ý là các chất ô nhiễm này sẽ có mặt trong nước sinh hoạt hoặc nước canh tác từ đó đi vào cơ thể gây các bệnh nguy hiểm…
Trước thực trạng như vậy, chất lượng nước mặt và nước ngầm ngày càng kém đi, các mẫu nước giếng khoan và nước máy có tỷ lệ ô nhiễm ngày càng cao, đặc biệt là các chỉ tiêu về vi sinh hay amoni, nitrit với hàm lượng gấp nhiều lần cho phép. Môi trường nước ô nhiễm kéo nhiều căn bệnh nguy hiểm, đó là 1 trong những yếu tố do sử dụng nước không đảm bảo chất lượng.
Sự tích tụ lâu ngày của rác thải gây ra sự suy thoái môi trường. Làm ô nhiễm đất, giảm chất lượng đất và suy thoái đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và sinh thái địa phương. Quá trình phân huỷ của rác thải sinh hoạt tạo ra các khí như methane và carbon dioxide… đóng góp vào hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Điều này đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái tổng thể của môi trường, là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong chuỗi thức ăn tự nhiên, làm giảm khả năng chống chọi với dịch bệnh.
Trong thành phần rác thải các loại thực phẩm thường chiếm tỷ lệ cao. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các thành phần hữu cơ phân huỷ, thúc đẩy nhanh quá trình lên men, thối rữa và tạo nên mùi hôi thối khó chịu cho con người. Các chất thải khí phát ra từ các quá trình phân hủy.
Tác động lớn sức khỏe con người
Rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn.
Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn gây hại làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe. Khu tập trung rác là nơi thu hút, phát sinh và phát triển chuột, ruồi, muỗi, gián, các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình.
Những người sống gần bãi rác hoặc tiếp xúc thường xuyên với rác như những người làm công việc thu nhặt các phế liệu từ bãi rác, dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa…
Xác động vật bị thối rữa trong hơi thối có chất amin và các chất dẫn xuất Hydro sunfua (H2S) hình thành từ sự phân huỷ rác thải kích thích sự hô hấp của con người, kích thích nhịp tim đập nhanh gây ảnh hưởng xấu đối với những người mắc bệnh tim mạch.
Các bãi rác công cộng là những nguồn mang dịch bệnh. Các loại vi trùng gây bệnh thực sự phát huy tác dụng khi có các vật chủ trung gian gây bệnh tồn tại trong các bãi rác như những ổ chứa chuột, ruồi, muỗi... và nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho người và gia súc, một số bệnh điển hình do các trung gian truyền bệnh như: Chuột truyền bệnh dịch hạch, bệnh sốt vàng da do xoắn trùng, ruồi, gián truyền bệnh đường tiêu hoá; muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...
Tác hại của rác thải sinh hoạt đối với con người và môi trường là rất dễ nhận thấy. Mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn rác thải sinh hoạt là điều không thể, tuy nhiên mỗi người dân có thể góp phần làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt đối với môi trường và chính cuộc sống của chúng ta bằng cách nâng cao ý thức hơn thông qua những việc làm nhỏ như không vứt rác bừa bãi, hãy tận dụng rác nếu còn có thể (ví dụ như túi nilon, rác hữu cơ…) để góp phần hạn chế thải rác ra môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính mình ngày một tốt hơn.
Bài, ảnh: Dương Bằng - Xuân Bắc
Bài 3: Định hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi sinh.
Tin tức khác