Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Thursday, November 21, 2024 7:20:38 PM

Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Trạng Nguyên

06/09/2022

Mục lục

Cây Trạng nguyên (Euphorbia pulcherrima Wild.) có xuất xứ từ Mexico và vùng Trung Mỹ, hoa thường có màu đỏ, ngoài ra còn có màu trắng, màu hồng, màu vàng… Cây Trạng nguyên mang ý nghĩa may mắn, đỗ đạt, thành công nên thường được trồng chậu trang trí nội thất hoặc trồng bồn hoa.

Hoa trạng nguyên được lựa chọn để trang trí nhà và các công trình công cộng

            Trạng nguyên có nhiều giống khác nhau được phân loại theo màu hoa: Trạng nguyên đỏ, trạng nguyên vàng, trạng nguyên trắng, trạng nguyên hồng… hiện nay mọi người thích giống trạng nguyên đỏ cờ và trạng nguyên đỏ tươi.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. Chọn cây giống

Tiêu chuẩn cây giống: cây khỏe, sạch sâu, bệnh, đồng đều về kích cỡ, cao 7- 10cm, có 4-5 lá, thân cây màu đỏ tím, lá to, dày xanh đậm.

2. Giá thể trồng

Giá thể phải đảm bảo được độ thoáng, giữ ẩm, giữ phân tốt, pH từ 6- 6,5.

Giá thể thường sử dụng trong sản xuất được phối trộn theo tỷ lệ 1/3 đất phù sa + 1/3 xơ dừa + 1/3 mùn cưa (hoặc trấu hun).

Giá thể được trộn đều và xử lý nấm bệnh bằng thuốc Viben C 50BTN liều lượng 50g/20 lít nước/1 tấn giá thể, ủ trong 7-10 ngày.

 3. Kỹ thuật trồng

            Trồng trạng nguyên phải trồng nổi, cổ rễ cao bằng so với mặt đất, nếu trồng sâu cây phát triển chậm hay bị thối thân.

            Trồng xong tưới đẫm nước, nếu cây bị đổ ngả nghiêng dựng lại và bổ sung giá thể vào gốc cây

4. Bấm ngọn tạo tán

Khi cây có 7- 8 lá tiến hành cắt ngọn để cây bắt đầu phân cành. Trong sản xuất trạng nguyên việc tỉa cành tạo tán là một thao tác kỹ thuật quan trọng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng. Số lượng cành/cây thường được ưa chuộng là: 5, 7 hoặc 9 cành. Khi số lượng cành/cây dưới 3 cành/cây cần tiến hành bấm ngọn để cây phát sinh nhiều chồi mới, sau đó tùy thuộc vào yêu cầu của người mua tiến hành tỉa nhánh và tạo tán cho chậu cây.

5. Kỹ thuật tưới nước

            Trạng nguyên không ưa ẩm quá vì vậy 2 – 3 ngày tưới 1 lần tuỳ theo điều kiện thời tiết. Nên nắp đặt hệ thống dây tưới nhỏ giọt, đảm bảo độ ẩm từ 65-70%.

6. Kỹ thuật bón phân

Sau khi trồng khoảng 20-25 ngày, sử dụng loại phân bón NPK tỷ lệ 1:1:1 để bón cho cây với liều lượng 2kg/ thùng 220 lít nước cho 100 chậu. Định kỳ 1 tháng bón 1 lần

Ngoài phân bón qua rễ, dinh dưỡng cung cấp cho cây chủ yếu được bổ sung qua lá. Cây con từ sau khi trồng đến khi kết thúc giai đoạn định hình tạo tán, định kỳ 1 tuần/lần pha loãng phân bón lá loại 3:1:1 phun lên toàn bộ bề mặt của lá cây, lượng pha 200g/thùng 80 lít nước/ 100 chậu. Khi cây trồng đã tạo được số cành nhánh thích hợp, tiến hành thay thế loại phân 3:1:1 sang loại phân có hàm lượng NPK 1:2:1 lượng pha 200g/thùng 80 lít nước/ 100 chậu. Cuối cùng khi trạng nguyên bắt đầu có hiện tượng phân hóa mầm hoa (lá non mới ra có tía đỏ) tiến hành chuyển sang loại phân có hàm lượng NPK 1:2:2 lượng pha pha 200g/thùng 80 lít nước/ 100 chậu

7. Kỹ thuật điều khiển ra hoa

Trạng nguyên là cây có phản ứng với chu kỳ ánh sáng. Điều kiện đòi hỏi để cây ra hoa là mỗi ngày phải có tối thiểu 12h cây để trong bóng tối.

Với điều kiện miền Bắc, muốn cây ra hoa vào Tết Nguyên Đán thì từ 1/9 âm lịch, dùng nilon đen che kín cây từ 5-7chiều, đến khi trời tối hoàn toàn thì bỏ nilon ra để cây phân hóa mầm hoa. Che liên tục trong vòng 30 ngày, đến khi màu hoa bắt đầu xuất hiện ở chóp lá.

Chú ý trong quá trình điều khiển chỉ cần 5 phút chiều sáng với bóng đèn 60W trong đêm thì quá trình ra hoa sẽ bị chậm lại 2 tuần, tức là việc che sáng mất tác dụng.

8. Chăm sóc khi cây đã ra hoa

Giảm lượng nước tưới sau khi hoa tàn, để cây đi vào thời gian ngủ nghỉ. Suốt thời gian này, cây có thể chịu được nhiệt độ thấp nhưng không thấp quá 100C.

 Khi thời tiết ấm hơn vào cuối mùa xuân, có thể thay chậu cho cây. Trong thời gian thay chậu cần để cây trong bóng râm. Sau khi ra hoa cây thường trơ thân cành,tiến hành cắt tỉa để tạo hình cho cây. Giữ cây thấp lùn và hạn chế phát triển của cây bằng cách bấm ngọn những mầm mới nhú ra cho đến giữa tháng 8.

Sử dụng loại phân bón NPK tỷ lệ 1:1:1 để bón cho cây với liều lượng 2kg/ thùng 220 lít nước cho 100 chậu. Định kỳ 2 tuần một lần trong suốt mùa hè. Cây trạng nguyên rất nhạy cảm với thời tiết lạnh và sương giá nên đưa cây vào nhà khi thời tiết chuyển lạnh.

            Trong mùa hè cây bắt đầu đâm những chồi mới. Khi chồi dài khoảng 7,5 – 12,5 cm, cắt chồi đem giâm vào chậu cát ẩm đã tiệt trùng.

THU HOẠCH VÀ VẬN CHUYỂN

          Khi cụm hoa bắt đầu xuất hiện màu thì có thể đem đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa dùng dây buộc tán hoa vào để tránh ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Bọc giấy báo xung quanh, xếp các chậu khít nhau để giảm va đập khi vận chuyển.

            Trong quá trình sử dụng, tùy thuộc vào thời tiết nhưng thông thường 1 ngày tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới 500ml/chậu. Chỉ tưới nước vào gốc cây, tránh tưới nước lên hoa để đảm bảo tuổi thọ của hoa.

 PHÒNG TRỪ SAU BỆNH HẠI

1. Sâu hại và biện pháp phòng trừ

            - Sâu xanh (Helicoverpa armigera)

+ Triệu chứng: Phá hại nặng trên các bộ phận non.

+ Biện pháp phòng trừ: sử dụng Pegasus 500SC, liều lượng từ 14-20 ml/16 lít nước hoặc Reasgant 3.6EC, liều lượng 10ml/16 lít nước, phun khi có sâu hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

            - Nhện hại (Tetranychus urticae)

+ Triệu chứng: Gây hại nặng trên lá, tạo thành vết chấm màu nâu vàng nhỏ tách riêng nhau. Khi bị hại nặng lá loang nổ màu vàng, nâu, biến dạng cong queo, lá màu nâu vàng, hoa lệch hoặc bị dị dạng, hoa tàn và thối.

+ Biện pháp phòng trừ: Dùng Commite 73EC, liều lượng 15-20ml/16 lít nước, phun khi có nhện hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

            - Bọ trĩ (Stenchaetothrips biformis)

+ Triệu chứng: Bọ trĩ trưởng thành và non đều hút nhựa lá làm cho lá có màu vàng đỏ. Khi mật độ thấp xuất hiện những chấm nhỏ xếp theo hàng dọc trên lá, lá non hầu như bị quăn lại, không hồi phục được.

+ Biện pháp phòng trừ: Trước khi trồng vệ sinh trong và ngoài nhà lưới, nhặt sạch cỏ dại, nhặt bỏ lá già. Khi phát hiện thấy triệu chứng có thể dùng một trong các loại thuốc hoá học sau: TC- nam sao 20EC, liều lượng 14-16ml/16 lít nước hoặc Hapmisu 20EC, liều lượng 20 ml/16 lít nước, phun khi có sâu hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

2. Bệnh hại và biện pháp phòng trừ

            - Bệnh thối gốc (Sclerotium rolfsii)

+ Triệu chứng: Gốc cổ rễ bị thối có màu nâu, vỏ long ra, khi nhổ cây lên rễ trong đất rời ra.

+ Biện pháp phòng trừ: sử dụng Ridomil Gold 68WG 80-90g/16 lít nước, hoặc Anvil 5SC với liều lượng 16-20ml/16 lít nước, phun khi có bệnh hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

            - Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa)

+ Triệu chứng: Vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, mặt dưới lá mô bệnh chuyển màu vàng nhạt, bệnh hại lá là chủ yếu ngoài ra còn hại trên thân, cành hoa làm lá nhanh tàn, thối nụ, hoa nhỏ, xấu.

+ Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc sau: Ridomil Gold 68WG, liều lượng 80-90g/16 lít nước, Score 250EC, liều lượng 10-15 ml/ 16 lít nước, Dupont Kocide 53.8DF, liều lượng 15-16G/16 lít nước, phun khi có bệnh hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

            - Bệnh đốm lá (Cercospora salvia)

+ Triệu chứng: vết bệnh có dạng hình tròn hoặc bất định, màu nâu nhạt hoặc nâu đen rải rác ở mép lá, dọc gân lá, hoặc giữa phiến lá. Vết bệnh bị thối khi gặp thời tiết ẩm ướt, bệnh thường lan từ các lá gốc lên phía trên.

+ Biện pháp phòng trừ: tỉa bớt cành phụ, lá già và lá bệnh ở phần gốc, dùng Ziflo 76WG, liều lượng 90-100g/16 lít nước hoặc Score 250EC, liều lượng 10ml/16 lít nước, phun khi có bệnh hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

            - Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani)

+ Triệu chứng: ở phần cổ rễ sát mặt đất có vết bệnh màu xám nâu, rễ bị thối mềm, cành lá bị héo khô, khi nhổ cây lên rễ bị đứt gốc.

+ Biện phát phòng trừ; xử lý đất trước khi trồng, có thể dùng Anvil 5SC, liều lượng 16-20ml/16 lít nước hoặc Dupont Kocide 53.8DF, liều lượng 15g/16 lít nước, phun khi có bệnh hại hoặc định kỳ 10 ngày/lần.

ThS. Mai Thị Ngoan

Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng