6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 15.000 tấn gừng, nghệ và các loại gia vị khác, thu về gần 39 triệu USD. Mặc dù sản lượng giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch lại tăng 18,2%, cho thấy giá trị sản phẩm đã được cải thiện đáng kể.
Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nhóm mặt hàng này. Theo báo cáo của Zion Market Research, quốc gia Nam Á này là nhà sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng gia vị hàng đầu thế giới, với quy mô thị trường ước đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2022.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong năm 2024, tổng lượng gia vị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 30.000 tấn, tương ứng kim ngạch gần 60 triệu USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Đáng chú ý, danh mục xuất khẩu chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị thay vì chỉ tập trung vào số lượng.
Nếu như Trung Quốc và Bangladesh từng là hai thị trường xuất khẩu chính trong năm 2023, thì sang năm 2024, các thị trường như Ấn Độ, Indonesia và Pakistan lại ghi nhận nhu cầu gia tăng đối với gừng Việt Nam.
Hiện có khoảng 110 doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu mặt hàng này. Một số đơn vị dẫn đầu là Synthiet Việt Nam, Expo Commodities và Phúc Lợi.
![]() |
Ngoài hiệu quả kinh tế, cây gừng còn góp phần cải tạo đất, chống xói mòn và hỗ trợ tăng độ phủ xanh. |
Gừng - cây gia vị phù hợp xu hướng nông nghiệp sinh thái
Gừng đang được nhiều địa phương lựa chọn trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, không đòi hỏi nhiều phân bón hóa học và có thể canh tác luân canh, gừng phù hợp với điều kiện của nhiều vùng trung du, miền núi.
Ngoài hiệu quả kinh tế, cây gừng còn góp phần cải tạo đất, chống xói mòn và hỗ trợ tăng độ phủ xanh. Tại Lâm Đồng, mô hình trồng gừng hữu cơ dưới tán rừng ở huyện Bảo Lâm đang phát huy hiệu quả khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tại Cao Bằng, mô hình trồng xen gừng trâu với cây lâm nghiệp đang mang lại năng suất cao, đạt 20–22 tấn mỗi hecta. Một mô hình khác tại Bắc Mê (Tuyên Quang) cho năng suất từ 35 đến 40 tấn/ha, giúp người dân đạt thu nhập 90–100 triệu đồng mỗi vụ.
Gừng cũng là loại cây chịu hạn tốt, sinh trưởng được trên nhiều loại đất khác nhau. Phụ phẩm sau chế biến như xơ và bã gừng còn có thể tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu cho ngành dược.
Trước xu hướng tiêu dùng tăng tại nhiều quốc gia châu Á và châu Âu, việc tổ chức vùng nguyên liệu gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp đang giúp nông dân ổn định đầu ra, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, phát triển cây gừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn là một phần trong định hướng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu