Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 1:04:38 AM

Làm mất cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nghìn tỷ

08/06/2024

Mục lục

VNHS – Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km, có tổng mức vốn đầu tư ban đầu (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được đưa vào vận hành phục vụ chở khách từ 6/11/2021. Tổng chiều dài của toàn tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô là 13,05 km, hoàn toàn chạy trên cao và có 12 nhà ga đảm nhận việc tiếp đón và phục vụ hành khách đi tàu (trung bình hơn 1 km có một nhà ga), trong đó hai ga đóng vai trò quan trọng,làm nhiệm vụ ga đầu tuyến là Cát Linh và Yên Nghĩa.

Hiện nay theo lịch trình chạy tàu, hàng ngày các đoàn tàu chở khách hoạt động liên tục trong khung giờ từ 5h30 đến 22h, với tuần suất 10 phút/chuyến tàu dừng đón, trả khách tại các ga.

Hiện nay tàu Cát Linh - Hà Đông đang chạy với tần xuất 10 phút/chuyến

Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro - đơn vị quản lý, vận hành đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông): sau gần 3 năm vận hành, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách. “Trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp thì nay nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1-2km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị,” – vị đại diện này cho biết.

Với việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô, tàu Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, việc vận hành tuyến đường sắt đô thị này giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông.

Cùng với việc vận hành tuyến đường sắt này, cảnh quan môi trường cũng được chú ý khi hàng loạt cây xanh đã được các đơn vị chức năng tổ chức phân bổ trồng dọc theo tuyến, mang lại một diện mạo mới cho hạ tầng giap thông thủ đô, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và tăng mỹ quan đô thị.

Cây xanh được trồng dọc theo tuyến đường sắt trên cao

Tuy nhiên, trái ngược với những mảng xanh của các loại cây trồng dọc theo toàn tuyến, điều đáng ngạc nhiên là ngay tại chân các nhà ga không hiểu vì lý do gì lại hoàn toàn bỏ trống. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người dân tập kết rác thải với đủ mọi chủng loại gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm nhếch nhác cảnh quan đô thị, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách đi tàu và những người tham gia gao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên Việt Nam hương sắc, qua khảo sát trực tiếp tại 12 vị trí chân ga (khu vực mặt đất, nơi tiếp xúc với các tuyến đường giao thông) trên toàn tuyến nằm trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, ngoại trừ 2 ga đầu tuyến là Cát Linh và Yên Nghĩa là cảnh quan môi trường còn tương đối sạch sẽ và không bị ảnh hưởng, các ga còn lại thì hầu hết đều bị rác thải các loại bủa vây và bốc mùi hôi thối khó chịu.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận sự nhếch nhác do rác thải bủa vây tại chân các nhà ga trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông:

Một điểm tập kết rác thải ngay đầu khu vực ga Cát Linh
Tờ rơi quảng cáo dán la liệt trên các trụ đường
​​
Chân ga Thái Hà vừa là nơi tập kết rác, vừa là nơi để xe
Mặc dù có hàng rào sắt nhưng chân ga đường Láng vẫn đầy rác thải
Rác thải rắn dưới chân ga Thượng Đình​​​​​​
Chân ga Phùng Khoang cũng không kém phần bừa bộn
Đủ loại rác thải dưới chân ga Văn Quán
Bên trên ga rất sạch sẽ khang trang
Nhưng dưới chân ga ngập tràn các loại rác
Một trong số rất nhiều điểm tập kết rác dọc theo tuyến đường sắt này
Không chỉ tập kết rác, chân ga còn là nơi bán hàng, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông
Một đống rác đang bốc mùi xú uế khó chịu ngay dưới chân ga Văn Khê

 

Một hố ga mất nắp đậy, được che chắn bằng một tấm kính phế liệu trông rất nguy hiểm

Để cảnh quan đô thị Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp tương xứng với một đô thị văn minh hiện đại, đồng thời tăng thêm giá trị thẩm mỹ, giảm thiểu được vấn nạn ô nhiễm môi trường và góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, rất mong các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội và UBND các quận nơi có tuyến đường sắt đi qua đồng loạt vào cuộc để xóa bỏ những điểm đen về ô nhiễm môi trường, làm cho môi trường sinh thái của Thủ đô được trong lành hơn, nâng cao vị thế của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

Quỳnh Hương

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng