Mục lục
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho phép Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật và Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh tổ chức sự kiện: Triển lãm - Hội thi - Hội chợ SVC tỉnh Quảng Ngãi mở rộng năm 2023. Sự kiện sẽ được khai mạc chiều ngày 18 tháng 4 và bế mạc chiều ngày 26 tháng 4 năm 2023.
Mục đích của sự kiện là:Triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có nội dung sản xuất và kinh doanh SVC trên phạm vi toàn tỉnh. Tạo thị trường mua bán, tiêu thụ các sản phẩm SVC, sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh; tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần cho nhân dân. Kết nối định hình gắn hoạt động SVC với hoạt động văn hóa nông thôn, du lịch sinh thái cộng đồng và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy việc bảo tồn, kiến tạo các không gian văn hóa, sinh thái.
Tuyên truyền các chủ trương chính sách của tỉnh, quảng bá văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh thông qua các hoạt động phối hợp. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là SVC và một số sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị có thế mạnh của tỉnh. Tạo điểm vui chơi giải trí, thưởng ngoạn cho nhân dân trong dịp Kỷ niệm 48 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Gây quỹ ủng hộ làm các chương trình thiện nguyện. Tôn vinh các tác phẩm SVC xuất sắc và nghệ nhân SVC có tay nghề cao.
Yêu cầu đặt ra cho sự kiện là: Phải có chất lượng cao, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Có quy mô rộng (tập hợp được các tổ chức thành viên, các nghệ nhân, chủ nhà vườn trong tỉnh; mời được 5 - 7 tỉnh bạn tham gia; có sự phối hợp của nhiều ngành, địa phương, nhiều nội dung). Có trưng bày và Hội thi các bộ môn SVC (cây cảnh, hoa, đá, chim, cá, gỗ lũa - gỗ mỹ nghệ). Đảm bảo an toàn, trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh theo quy định. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cải tiến đổi mới nội dung và hình thức hấp dẫn, thu hút đông người tham dự.
Nội đung chính của triển lãm, bao gồm: Cây cảnh: Huy động khoảng 1000 cây cảnh, bao gồm bonsai cỡ tiểu - trung - đại, đảm bảo khép kín không gian quảng trường thành phố Quảng Ngãi. Tổ chức triển lãm theo đơn vị tỉnh, huyện thị, Hội, nhà vườn... Tập trung khu trung tâm bố trí trưng bày các sản phẩm dự thi. Chọn 20-30 cây cảnh lớn (trên 1,5m) đẹp, bố trí 02 hàng dẫn vào khu trung tâm. Đá cảnh - đá phong thủy: Huy động khoảng 500 tác phẩm đá cảnh các loại, kể cả non bộ, tiểu cảnh, bố trí theo câu lạc bộ trong khu vực cho Hội Đá cảnh. Sản phẩm đăng ký dự thi được tập trung về khu trung tâm. Hoa cảnh: Huy động khoảng 200 sản phẩm hoa các loại, bố trí trưng bày trong khu vực cho Hội Hoa, các tác phẩm hoa đăng ký dự thi được đưa về khu trung tâm. Gỗ lũa, gỗ mỹ nghệ: Trưng bày khu vực riêng theo yêu cầu. Chim cảnh: Trưng bày và Hội thi ở một không gian riêng (Sân trường THCS Nghĩa Chánh). Cá cảnh các loại: Bố trí diện tích theo khả năng đăng ký, và gần khu trung tâm.
Hội thi: Thi cây Bonsai: Cả 03 hạng: Tiểu, Trung, Đại. Tùy số lượng tác phẩm dự thi, Tiểu ban chuyên lo thi đề xuất số lượng giải thưởng Vàng - Bạc - Đồng - Khuyến khích và mức thưởng; Ban Giám khảo xây dựng Điều lệ và công khai trước ngày Khai mạc. Mời một số nghệ nhân ngoài tỉnh tham gia Ban giám khảo. Có cơ chế huy động đóng góp kinh phí khen thưởng và có phần góp vào quỹ thiện nguyện. Riêng cây cảnh ngoại cỡ (trên 1,5m) Hội đồng nghệ nhân (nghệ nhân trong và ngoài tỉnh) bình chọn qua hình thức bỏ phiếu kín chọn top 10 tặng danh hiệu Sản phẩm SVC Xuất sắc tại sự kiện Triển lãm - Hội thi - Hội chợ SVC tỉnh Quảng Ngãi mở rộng năm 2023 (17/4/2023 - 28/4/2023); và chọn top 5 tặng danh hiệu Xuất sắc nhất. Tác phẩm được tặng danh hiệu Xuất sắc và Xuất sắc nhất được cấp giấy chứng nhận và được tặng biểu trưng bằng pha lê có ghi ảnh cây và tên chủ nhân.
Thi đá cảnh: Giao Hội Đá cảnh - Đá phong thủy tỉnh chủ trì, có Kế hoạch cụ thể, được thông qua Thường trực Ban Tổ chức, chỉ thi đá các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Suiseki (đá nguyên bản) phân 02 loại: dạng khối tạo hình (hình dáng bên ngoài của khối) và kiến trúc vân mạch (hoa văn). Có cơ chế huy động đóng góp kinh phí để đáp ứng các giải thưởng và có phần góp vào chương trình thiện nguyện. Thi Tiếng hót chim chào mào: Quy mô Đấu trường 100, mời Hiệp hội Chim Chào Mào miền Nam tham gia, có cơ chế huy động tài chính đáp ứng yêu cầu khen thưởng và có phần góp vào chương trình thiện nguyện. Thi hoa lan: do Hội Hoa lan tỉnh chủ trì, có kế hoạch cụ thể, thông qua Thường trực Ban Tổ chức, có cơ chế huy động kinh phí đáp ứng yêu cầu khen thưởng và có phần góp vào quỹ làm chương trình thiện nguyện. Thi gian hàng: Ban Tổ chức xếp loại gian hàng theo 03 loại A, B, C được cấp Giấy chứng nhận. Gian hàng đẹp được xét thưởng. Thi tay nghề xét cấp danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh.
Hình thức tổ chức: Phát động cuộc thi rộng rãi, người đăng ký thi chấp nhận Điều lệ của Ban Tổ chức, dùng cây phôi của người đăng ký thi được ghi ảnh trước ngày thi ít nhất 60 ngày, tác phẩm dự thi được chấm tập trung và được trưng bày tại nơi công bố (sản phẩm xuất sắc được đặc cách công nhận Nghệ nhân SVC cấp tỉnh). Các tác phẩm đạt giải kể cả cây, đá, hoa, chim được tặng giải Vàng - Bạc - Đồng - Khuyến khích, giấy khen, giấy chứng nhận biểu trưng và được xét thưởng (giải thưởng nhiều hay ít tùy vào khả năng chung tay đóng góp của các tổ chức và cá nhân).
Hội chợ: Huy động rộng rãi các doanh nghiệp, nhà vườn trong và ngoài tỉnh, bố trí 40 - 50 gian hàng kể cả cây, hoa, đá, cá cảnh, vật tư dụng cụ làm nghề SVC. Chọn vị trí thuận lợi mua - bán. Nhà vườn trong tỉnh được xét ưu tiên. Hội thảo diễn đàn với chủ đề: “SVC thiết thực góp phần phát triển kinh tế - văn hóa xã hội Quảng Ngãi”. Nội dung tập trung đề xuất: “Quảng Ngãi làm gì để đưa ngành SVC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, thể hiện được vai trò là 1/7 ngành nghề chính ở nông thôn theo Nghị định 52 của Chính phủ”.
Tại sự kiện còn có các chương trình: Đấu giá sản phẩm SVC, gồm một số tác phẩm SVC xuất sắc có giá trị cao và các sản phẩm của các đơn vị, địa phương, cá nhân tặng cho Ban Tổ chức sự kiện. Tổ chức trong buổi tiệc khai mạc. Tổ chức chương trình thiện nguyện bằng hình thức trao quà khuyến học khuyến tài với chương trình “Hội Sinh vật cảnh đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó”. Trao quà trong buổi lễ Tổng kết bế mạc. Quy mô số lượng quà tùy thuộc nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tổ chức đêm giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các tổ chức Hội SVC kết hợp Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân, Nhà vườn SVC tiêu biểu các cấp. Phát động trong toàn Hội hưởng ứng chương trình trồng mới cây xanh theo phát động của tỉnh, với chỉ tiêu mỗi Hội viên trồng mới ít nhất một cây và tích cực tham gia phong trào trồng cây xanh ở địa phương.
Ban Tổ chức sự kiện khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động SVC trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu, đặc sản, văn hóa truyền thống tại nơi tổ chức sự kiện.
Huỳnh Minh Giữ
Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh Quảng Ngãi