Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh Lạng Sơn gieo trồng gần 44.800 ha cây trồng các loại. Trong đó, cơ cấu chủ yếu là lúa 32.000 ha, ngô 6.000 ha, rau đậu các loại 3.000 ha… Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ.
Chủ động từ phía cơ sở kinh doanh
Bà Trần Kim Chi, chủ cửa hàng VTNN tại phường Kỳ Lừa, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Để phục vụ bà con, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ các loại giống, phân bón đảm bảo chất lượng, chủng loại đa dạng, có tem nhãn, nguồn gốc rõ ràng và hạn sử dụng. Chúng tôi cũng niêm yết giá cụ thể ngay tại cửa hàng để bà con dễ theo dõi. Hiện cửa hàng đã nhập khoảng 30 tấn giống và 200 tấn phân bón các loại. Giá phân bón năm nay tăng nhẹ khoảng 5% so với năm trước".
Không chỉ riêng cửa hàng của bà Chi, nhiều cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nguồn vật tư phục vụ sản xuất, đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hầu hết các cơ sở đều được cấp chứng chỉ kinh doanh đúng ngành nghề, hàng hóa nằm trong danh mục cho phép.
Theo thống kê từ Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh VTNN, trong đó hơn 640 cơ sở bán phân bón, hơn 380 cơ sở bán thuốc BVTV và hơn 180 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Chia sẻ từ bà Hoàng Thị Hằng (xã Cao Lộc): “Gia đình tôi canh tác 3 sào lúa và 3 sào rau màu nên nhu cầu phân bón rất lớn. Thị trường phân bón và thuốc BVTV hiện khá phong phú nên tôi thường mua tại các cửa hàng có biển hiệu rõ ràng, được cấp phép đầy đủ và có niêm yết giá công khai để dễ lựa chọn”.
Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý
Ông Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Sở Công Thương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng QLTT đã kiểm tra 9 vụ, xử phạt hành chính cả 9 vụ với tổng số tiền 15,5 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 9,5 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm: buôn bán giống cây trồng hết hạn sử dụng, không bảo quản phân bón đúng quy định, kinh doanh hàng nhập lậu… Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn sản xuất.
Cùng với lực lượng QLTT, từ đầu tháng 6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra VTNN theo Quyết định số 431/QĐ-SNNMT ngày 11/6/2025. Tính đến nay, đã có 20 cơ sở kinh doanh được kiểm tra, bao gồm các đơn vị kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và giống cây trồng. Qua kiểm tra cho thấy, đa số cơ sở đáp ứng tốt các điều kiện kinh doanh, có hóa đơn chứng từ rõ ràng, không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: chưa sắp xếp hàng hóa hợp lý, chưa cập nhật bảng niêm yết giá, thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy…
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Trưởng phòng Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh: “Chất lượng VTNN có vai trò then chốt đối với năng suất, chất lượng nông sản. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu Sở triển khai kế hoạch kiểm tra 20 cơ sở và lấy mẫu kiểm nghiệm gồm 10 mẫu phân bón, 10 mẫu thuốc BVTV trong quý III/2025. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh và người tiêu dùng, kiên quyết xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Bà con nông dân cũng được khuyến cáo chỉ nên mua vật tư tại các đại lý ủy quyền, cơ sở uy tín, sử dụng đúng hướng dẫn và bảo quản cẩn thận, tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, đã hết hạn sử dụng. Ngoài ra, nên ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học an toàn, thân thiện môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Một số mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh VTNN tại Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 6/9/2023 của Chính phủ - Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi buôn bán giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính mà không có thông tin tự công bố lưu hành giống cây trồng hợp lệ theo quy định của pháp luật về trồng trọt… - Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. - Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón… - Phạt tiền từ 1 triệu đến 25 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, chưa được công nhận phân bón lưu hành… |