Mục lục
1. GIỚI THIỆU VỀ CÂY HOA GIẤY
Hoa giấy là một loài thực vật thuộc chi thực vật có hoa, có tên khoa học là Bougainvillea. Hoa giấy có xuất xứ từ Nam Mỹ. Hiện nay đã phân bố ra nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
1.1 Đặc điểm sinh trưởng
Hoa giấy là loài cây ưa sáng, có dạng thân gỗ leo và có gai. Chiều cao thân cây có thể đạt đến 12m. Lá đơn, mọc cách có dạng hình trứng, lá có màu xanh hoặc cẩm thạch tùy theo loại cây.
Hoa của cây hoa giấy rất đa dạng. Có thể là hoa đơn hoặc hoa kép, với đủ các loại màu sắc khác nhau như: Tím, đỏ, vàng, cam, trắng, hồng,…. Với thời gian nở hoa quanh năm, lâu tàn nên hoa giấy luôn chiếm được niềm ưu ái của những người chơi hoa.
1.2 Thời vụ trồng
Là một loài cây dễ sống nên có thể trồng hoa giấy vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đảm bảo thời tiết không quá khô hanh hay đất ẩm ướt.
2. Chuẩn bị vật tư
2.1 Đất trồng
Cây hoa giấy không đòi hỏi quá cao về đất trồng, cây có thể sống kể cả trên giá thể là đất sỏi đá hay cát. Tuy nhiên, để gốc hoa giấy phát triển tốt nên lựa chọn loại đất sạch, có thành phần dinh dưỡng phù hợp và thoát nước tốt, có thể trộn đất thịt, phân hữu cơ và trấu hoặc xơ dừa theo tỉ lệ 3:1:1 để làm giá thể trồng cây.
2.2 Vị trí trồng
Hoa giấy là một loại cây ưa sáng vì thế nên trồng hoa giấy ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, lúc mới trồng hay lúc vừa mới sang chậu nên đưa cây vào chỗ râm để cây hạn chế thoát hơi nước và không bị héo. Sau khi cây đã sinh trưởng ổn định thì có thể đưa cây ra lại ngoài ánh nắng. Không nên trồng hoa giấy ở vị trí thoát nước kém, dễ ngập nước. Chính điều này sẽ khiến cây phát triển chậm hoặc thậm chí là thối rễ và chết.
2.3 Chuẩn bị chậu
Thông thường có thể chọn chậu nhựa, sứ, hay xi măng đều được. Chậu có chiều cao ít nhất 20cm và chiều rộng có thể dựa vào kích thước thân và tán cây sao cho chậu cây nhìn cân đối.
3/ Các loại hoa giấy phổ biến hiện nay
Ở nước ta hiện nay đã du nhập nhiều giống hoa giấy với màu sắc và đặc điểm khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là 3 giống hoa giấy sau:
– Hoa giấy Mỹ: Nổi bật với đặc tính có hoa màu đậm và lâu rụng, đặc biệt là không rụng vào mùa mưa. Loại hoa giấy này là lựa chọn của nhiều người cho vị trí cây cảnh ở ban công hay tầng thượng.
– Hoa giấy Thái: Là loại hoa giấy tương đối thông dụng, với nhiều màu sắc, thân cổ thụ, phát triển nhanh là loại cây được người chơi bonsai ưa thích.
– Hoa giấy Cẩm thạch: Là một loại cây nổi bật với màu sắc lá xanh ngọc với viền vàng kem được rất nhiều người tìm kiếm và sưu tầm. Tuy nhiên đây cũng là loài cây tương đối khó để chăm sóc.
Hiện nay là loài hoa giấy được ghép từ nhiều giống khác nhau và hoa giấy ngũ sắc. Nhiều người chọn loại giống này bởi vì cho nhiều sắc hoa sặc sỡ và kích thích thị giác của người nhìn.
Cành giâm dài 20-25cm
* Lựa chọn cành giâm:
- Hoa giấy rất dễ nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành. Trừ các phần ngọn cây, ngọn cành non hơn màu bánh tẻ, còn lại các đoạn thân khác trên cây đều có thể giâm cho ra rễ. Để giâm giống đạt tỷ lệ sống cao, cần chọn những đoạn cành ≥3 năm tuổi, dài 20-25 cm, đường kính 1-2 cm, có từ 3-4 đốt gai (mắt ngủ). Kết hợp thêm thuốc kích ra rễ, tỷ lệ các cành sống sau giâm sẽ đạt trên 90%.
Giâm cành thành công.
- Các vết cắt phân cành giâm phải thật phẳng, mịn, không bầm giập. Nên dùng dao sắc gọt quanh gốc cành, loại bỏ bớt một phần nhỏ vỏ bì bị giập xước, giúp tăng tỷ lệ ra rễ. Các cành giống sau cắt cần được xếp gốc, ngọn cùng chiều, nhằm tránh nhầm lẫn khi giâm cành. Với cành giống có đường kính ≥3cm phải cắt vát 2 bên gốc cành tạo ra một hình nêm dài 3-4 cm, để tăng khả năng thấm thuốc kích rễ, tăng tỷ lệ sống. Các cành hoa giấy sau giâm ra rễ nhú mầm, chuyển trồng lên chậu nhựa.
- Giá thể giâm cành và kỹ thuật giâm cành: Lấy cát mịn ven sông, mang về phơi 2-3 nắng to cho tiệt trùng và sạch nấm bệnh hoặc có thể dùng mụn dừa, trấu, cát, và đất sạch trộn lại với tỷ lệ 4-1-1-1, để làm giá thể giâm cành-. Sau trải đều thành lớp dày 15-20cm ở nơi thoáng mát và thoát nước. Pha loãng thuốc giâm cành theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhúng từng bó gốc cành giống vào dung dịch thuốc khoảng 1 phút. Nhấc ra, chờ cho bó cành giống se nước mới tiến hành cắm từng gốc đoạn cành vào nền giá thể (đã chuẩn bị trước). Khoảng cách giâm 5 x 5 cm/1 cành. Tưới nước giữ ẩm thường xuyên giá thể và cành giống. Sau giâm 20-30 ngày, cây nhú rễ, bật mầm thì chuyển trồng lên chậu.
4. Cách trồng hoa giấy bằng giâm cành
- Thời điểm tốt nhất để có thể giâm cành là vào mùa xuân khi thời tiết dịu nhẹ. Có thể thực hiện cách trồng hoa giấy bằng cành giâm theo các bước sau:
Bước 1: Ngâm cành hom đã chuẩn bị ở trên vào dung dịch kích rễ trong 5-10 phút.
Bước 2: Cắm cành hom vào giá thể, độ sâu khoảng từ 7-10 cm và vun đất lại.
Lưu ý: Giá thể có thể là cát, đất hoặc xơ dừa; phải cắm gốc hom xuống đất, không được làm ngược lại.
Bước 3: Cắm cọc cố định gốc hom sao cho không bị lung lay.
Bước 4: Tưới nước và giữ hom ở nơi râm mát.
Sau 2 – 4 tuần hom sẽ bắt đầu ra rễ và có thể trồng vào chậu.
- Chọn chậu trồng và giá thể trồng: Nên chọn loại chậu nhựa giấy chuyên dùng màu đen để dễ xếp xe vận chuyển đi tiêu thụ xa. Kích thước chậu, 30 x 35cm, có lỗ thoát nước đáy. Giá thể trồng theo tỷ lệ khối lượng gồm, 70% đất ải + 15% trấu + 13% phân hữu cơ + 2% vôi bột.
Đặt chậu hoa giấy trên bạt nông nghiệp
Trộn đều giá thể và ủ kín 3-4 tháng mới đem đóng chậu trồng cây giống. Chú ý, bứng nhẹ cành giống, bới đất trồng sâu khoảng 4-5 cm vào giữa chậu, rồi nén chặt. Sau đó đặt từng chậu cach nhau 60 x 60 cm trên nền đã trải bạt nông nghiệp, giúp thoát nước nhanh, tránh úng ngập cục bộ, tránh phân bón thấm xuống đất gây ô nhiễm các mạch nước ngầm. Hoa giấy là cây ưa nắng nhưng không chịu được độ ẩm quá cao. Chỉ tưới nước khi thấy giá thể trong chậu khô.
Thời vụ giâm cành: Từ xa xưa nhà nông đã có câu, “Tiết tháng 2 trồng cán mai cũng sống”. Kinh nghiệm sản xuất đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, thời vụ cho giâm cành nhân giống cây hoa giấy tốt nhất là vào tháng 2 dương lịch (sau tiết Lập xuân).
5. Ánh sáng
Cây hoa giấy là loài cây ưa nắng 100%
Cây hoa giấy là loài cây ưa nắng và phát triển tốt nhất khi trồng ở vị trí đầy đủ ánh nắng mặt trời. Cần đảm bảo cây tắm nắng ít nhất 6 giờ mỗi ngày để phát triển tốt nhất.
5.1. Tưới nước
Giai đoạn 1: Cây vừa mới trồng vào chậu
Ở giai đoạn này, hệ rễ của cây vẫn còn yếu, nên hạn chế tưới đẫm cho cây, tránh cho cây bị úng và thối rễ. Nên tưới 2 lần/ngày vào buổi sớm và chiều muộn với lượng nước tưới vừa đủ.
Giai đoạn 2: Cây đang trong giai đoạn sinh trưởng
Ở giai đoạn này, mọi cơ quan của cây hoa giấy đã ổn định, nên tưới nhiều nước hơn để cây có thể sinh trưởng mạnh, ra nhiều chồi và lá.
Giai đoạn 3: Cây chuẩn bị ra hoa
Ở giai đoạn này, cây chuyển từ sinh trưởng sang phát triển bằng cách giảm lượng nước tưới xuống. Có thể tưới còn 50% nước trong 1 tuần, sau đó ngừng tưới. Khi thấy lá bắt đầu có dấu hiệu héo và chồi hoa mọc lên thì có thể tăng dần lượng nước tưới 50% và sau đó là 100% sau 7 ngày.
5.2. Bón phân
Vì cây hoa giấy được trồng trong chậu, nên buộc phải bổ sung dinh dưỡng ngay cho cây sau mỗi đợt hoa. Thực tế, hoàn toàn có thể bón phân hữu cơ hoặc phân hóa học. Tuy nhiên hãy sử dụng phân hữu cơ sạch như: phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai,… Phân hữu cơ không chỉ tốt cho cây và đất mà nó còn không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, đặc biệt là nó tốt cho môi trường. Liều lượng và công thức bón phân thay đổi theo từng giai đoạn và mục đích sử dụng cây.
Để cân đối dinh dưỡng cho cây hoa giấy, cần phải bón đạm và kali cân đối ở các giai đoạn. Đặc biệt là giai đoạn lá, không nên bón toàn đạm, nên bổ sung thêm kali (N:K tỉ lệ 2:1 hoặc 3:1). Bổ sung kali giúp cây có thể chống chịu khi gặp mưa đêm, mưa dầm, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị làm hoa. Có thể bón phân cho cây hoa giấy theo các thời kỳ sinh trưởng của cây hoa giấy như sau:
* Phân bón ở các thời kỳ sinh trưởng, phát triển
Đối với cây nguyên liệu được trồng ở chậu hoặc đất nền: tưới phân ure, NPK 30-10-10. Tùy vào tình trạng của từng cây: bón 10-20 gram/cây/lần, 2 tuần/lần. Phương pháp bón: Bón trực tiếp vào xung quanh tán cây hoặc hòa vào nước tưới.
* Phân bón ở giai đoạn xử lý và tập trung nuôi hoa
- Bắt đầu sau khi ghép:
Lần 1: Thúc cây ra lá bón NPK 30-10-10 hoặc 10 kg NPK 20-20-15 + 1 kg ure (bón 10-20 gram/chậu)
Lần 2: Cách lần 1 khoảng 10-14 ngày.
Lần 3: NPK 20-20-15 + super lân + kali (10-20 gram/chậu)
Lần 4: Bắt đầu sau khi lãi lá 7-12 ngày. Bón NPK 20-20-15 hoặc NPK 17-17-17 (10-20 gram/chậu) kết hợp phun các loại phân bón lá (vi lượng + lân, kali cao) nhằm giúp cây ra nụ, thúc nụ và nuôi bông đẹp. Liều lượng phân bón lá theo hướng dẫn.
Các lần sau đó tùy vào điều kiện thực tế quyết định số lần bón phân, dao động 7-10 ngày/lần. Chủ yếu bón các loại phân có hàm lượng kali cao. Phương pháp bón: rãi đều xung quanh chậu cây theo liều lượng đã định sẵn.
Một số loại phân bón lá có thể dùng cho cây hoa giấy để bổ sung dinh dưỡng nuôi cây như: Atonik, siêu ra đọt, siêu bật chồi, các loại phân bón nuôi hoa. Tùy vào tình trạng của cây mà quyết định số lần sử dụng và loại phân bón lá bổ cho cây hoa giấy. Tuy nhiên phải theo liều lượng khuyến cáo. Bên cạnh các loại phân bón lá dưỡng rễ, siêu ra đọt thì cần phun KNO3 (30 gram/8 lít) hoặc những loại phân bón lá có thành phần KNO3 ở những thời điểm giao mùa, những thời đểm bất lợi như có sương hoặc mưa đêm, mưa kéo dài để hạn chế việc rụng lá ngoài ý muốn.
5.3. Cắt tỉa hoa giấy
Khi mầm cây vươn dài hơn 20 cm, tiến bấm ngọn tạo tán. Để lại các cành trên cây dài 20 cm và 3 lá non. Việc bấm ngọn cành cần được tiến hành thường xuyên, để cây sớm đạt được bộ tán xum xuê, tăng giá trị thu hoạch.
Công việc cắt tỉa hoa giấy không chỉ giúp tạo tán hay dáng đẹp cho cây mà còn giúp trẻ hóa những cây già cỗi và kích cây ra hoa. Nên cắt tỉa cho hoa giấy thường xuyên, tỉa những cành dài để chúng ra chồi phụ, ngắt bớt những lá già để cây phân hóa chồi hoa.
Cây hoa giấy thích hợp với việc cắt tỉa thường xuyên. Việc cắt tỉa cành nhằm giúp tạo hình, tạo tán cho cây (hình cây thông hoặc hình mâm xôi) để tăng giá trị của cây. Ngoài ra, cắt tỉa cành giúp cho bộ tán cây thông thoáng, hạn chế được sâu, bệnh phát sinh. Tuy nhiên, cắt tỉa nhiều lần cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây, thông thường mỗi năm cắt tỉa khoảng 2 lần.
Cây hoa giấy thương phẩm
Lưu ý: Dụng cụ cắt phải sạch và tốt hơn hết nên dùng keo liền sẹo để bôi vào những vết thương lớn do việc cắt tỉa tạo ra cho cây để tránh bị nấm mốc xâm nhập.
Chúc các bạn thành công!
Khánh Huyền