Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 1:08:05 AM

Bảo tồn và phát triển giá trị đặc sắc từ hoa sen Việt Nam

13/07/2024

Mục lục

VNHS - Chiều 12/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội), Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát triển sen Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP  năm 2024.

Toàn cảnh Hội thảo "Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết Sen Bách Diệp (sen hồ Tây) là giống quý, nhưng đang dần thoái hóa và diện tích cũng bị thu hẹp. Chính vì vậy, năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen Hồ Tây.

Đặc biệt, các nhà khoa học đã sử dụng biện pháp nuôi cấy mô tế bào để tạo ra nguồn giống sen giữ nguyên đặc tính của Sen Bách Diệp, cây giống không bị sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu đã thành công, được đưa ra vườn ươm để tiến hành đánh giá hiệu quả.

Nhằm khôi phục và bảo tồn giống Sen Bách Diệp nổi tiếng của Hồ Tây, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ triển khai việc trồng sen tại một số hồ nhỏ trên địa bàn.

Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống Sen Bách Diệp và vật tư trồng sen. Bước đầu, việc trồng sen tại các hồ ở quận Tây Hồ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng nguồn nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm về sen mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm từ sen được giới thiệu tại hội thảo.

Với tiềm năng giá trị rất lớn từ cây sen, Sở sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy phát triển ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm sen…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp, các nghệ nhân sẽ có những thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Các sản phẩm giá trị gia tăng được sản xuất từ cây sen được trồng tại Làng Sen Nam Đàn, tỉnh Nghệ An 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa Hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười Một hằng năm.

Nhằm khôi phục và bảo tồn giống Sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai mô hình “Sản xuất hoa sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” với quy mô 7ha. Đến nay, mô hình đã đạt được kết quả vượt mong đợi, sen sinh trưởng tốt, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Rất đa dạng các sản phẩm được làm từ cây sen: Trà sen, nước uống đóng họp, bột hạt sen, bột củ sen, bún củ sen, mặt nạ dưỡng da, tinh dầu sen, xôi sen, ngó sen muối chua, bánh sen...

Các sản phẩm được nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nghệ An, Đồng Tháp, Huế sản xuất, những địa phương này có vùng trồng sen lớn nhất của cả nước

Theo thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như Mỹ Đức 188 ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha… Để bảo tồn và phát triển cây sen quý Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới.

Hoa sen là cây trồng đa giá trị, bao gồm cả giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng. Hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may…

Đặc biệt, có sản phẩm lụa tơ sen do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất, đây là sản phẩm độc nhất tại Việt Nam cho đến hiện tại do nghệ nhân nhiều năm tiến hành thử nghiệm sản xuất

Mghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) trình diễn lấy tơ sen 

Sản phẩm lụa làm từ tơ sen.

Sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao, được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.

Hà Nội hiện đã phát triển được rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP; trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.

Cụ thể, các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm.../.

Bài và ảnh Mạnh Tuấn

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng