Trong các ngày 27-28/5/2023, tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố và Khu du lịch Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ hội Cá cảnh TP. Hồ Chí Minh năm 2023. Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và Hội Ngành nghề nông nghiệp Thành phố đồng chủ trì, Chi hội Cá cảnh, Chi hội Cá bảy màu là hai đơn vị tổ chức các sự kiện triển lãm & hội thi cá cảnh.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội năm nay thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên, người yêu thích cá cảnh trong nước và quốc tế. Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ năm 2022, hoạt động trưng bày, hội thi cá cảnh của TP đã có sự phục hồi, phát triển nhanh chóng. Quy mô triển lãm, số lượng cá cảnh và các bộ môn thi năm sau lớn hơn năm trước. Số lượng hội viên đăng ký tham gia ngày một đông. Ban tổ chức đã phải bố trí hàng chục ngàn hồ cho các chủng loại cá cảnh, nhiều không gia trưng bày cá cảnh quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, các gian hàng giới thiệu phụ kiện bể cá, thức ăn, vi sinh sử lý môi trường nước... Đến dự Lễ hội năm nay, ngoài các hội viên, giới yêu cá cảnh trong nước, Lễ hội đã thu hút nhiều du khách thăm quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh, vật tư ngành cá cảnh, nhiều chuyên gia, nghệ nhân của Việt nam và các quốc gia trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng cá cảnh tham gia trưng bày, hội thi, Ban tổ chức còn chú ý đổi mới hình thức tổ chức, gắn các hoạt động cộng đồng trong Lễ hội, tạo những hiệu ứng tích cực cho phong trào sản xuất, kinh doanh cá cảnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển nông nghiệp TP gắn với du lịch dịch vụ theo định hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị của TP.
Tham dự Lễ hội cá cảnh TP năm 2023 có gần 2.000 mẫu cá từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ: Thái Lan, Singapor, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Triển lãm quy tụ nhiều dòng cá cảnh độc, lạ, đẹp như cá Vàng, cá La hán, cá Xiêm, cá Rồng, cá Dĩa, cá Rồng, cá Sam... Các thể loại cá dự thi gồm: cá Vàng, cá La Hán, cá Bảy Màu, cá Xiêm, cá Dĩa, cá Rồng, chia làm 04 bảng tương ứng với 04 loại cá.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, sinh vật cảnh, cây cảnh, hoa cảnh, cá cảnh là các sản phẩm của ngành nông nghiệp có tính chuyên biệt, nhiều tiềm năng, phù hợp xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị nói chung và TP. HCM. Nhận thấy tiềm năng đó, từ năm 2004, TP đã có định hướng phát triển, gắn với cơ cấu nông nghiệp đô thị. Ngày 25/2/2004, UBND TP đã ban hành quyết định số 718/QĐ-UB phê duyệt chương trình phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh trên địa bàn TP giai đoạn 2004 - 2010. Nhờ đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp TP đã tập trung chỉ đạo, hưỡng dẫn thực hiện, tham mưu cho Thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh và cá cảnh. Đến nay, bước đầu đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Lễ hội cá cảnh những năm gần đây là một minh chứng, kết quả từ chủ trương đúng đắn của TP. Lễ hội cá cảnh còn là hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá cảnh, khẳng định sản phẩm cá cảnh là sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, từng bước trở thành sản phẩm chủ lực của Thành phố HCM.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp TP cho biết: Cá cảnh là ngành sản xuất tiềm năng của TP HCM. Hiện TP có tổng diện tích nuôi cá cảnh là 90ha, gần 300 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh cá cảnh. Thị trường xuất khẩu cá cảnh của TP rộng lớn, khoảng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu chiếm khoảng 50 - 60%, thị trường châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi khoảng 40 – 50%. Trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá cảnh đạt gần 5 triệu con (giảm 11% so với cùng kỳ 2022), tương ứng giá trị khoảng 5 triệu USD. Chi hội cá cảnh, Chi hội cá bảy màu là các đơn vị trực thuộc Hội Ngành nghề nông nghiệp TP. Thời gian gần đây, các Chi hội này đã tích cực vận động phát triển hội viên, đổi mới hoạt động, phát triển phong trào ngày càng rộng. Lễ hội cá cảnh được tổ chức hằng năm đã và đang mang lại những giá trị tinh thần, hiệu quả kinh tế hữu ích cho hội viên, nhân dân thành phố, góp phần thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế.
Anh Hồ Văn Lợi (27 tuổi, ở Bến Lức, Long An), cho biết: Mình đã nuôi và kinh doanh cá cảnh bảy màu được gần 3 năm. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ đam mê, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ anh chị, bạn bè đi trước và qua mạng xã hội… mình đã nhận thấy cá cảnh ngày càng có tương lai phát triển. Mình quyết định đầu tư kinh doanh, mua trang thiết bị, vật liệu, tuân thủ các yêu cầu nhiệt độ và môi trường nước. Để cá phát triển tốt, khỏe, đẹp thì cần thức ăn tươi sống như: bo bo, trùn chỉ, artemia. Việc nuôi cá bảy màu cho mình lợi nhuận trên 20 triệu đồng/tháng.
Anh Châu Đình Thuận (35 tuổi, Trưởng ban truyền thông bộ môn cá bảy màu, Chi hội cá cảnh TP.HCM), là người có kinh nghiệm nuôi, kinh doanh cá bảy màu hơn 6 năm, chia sẻ: Mình có hơn 20 dòng cá bảy màu, giá dao động từ 70.000 đồng - 5 triệu đồng/con. Mỗi tháng thu nhập trung bình gần 40 triệu đồng.. Để nuôi cá cảnh hiệu quả, trước tiên phải có niềm đam mê, từ chơi đến kinh doanh cá cảnh cần phải trải qua thời gian, học hỏi kiến thứ, đúc rút kinh nghiệm.
Tham dự và đánh giá về Lễ hội Cá cảnh TP. HCM năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết: Rất phấn khởi khi thấy hoạt động Lễ hội Cá cảnh năm nay được Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, phối hợp với Hội Ngành nghề nông nghiệp TP chủ trì, chỉ đạo, các Chi hội Cá cảnh và Cá bảy màu tổ chức tại hai địa điểm. Hoạt động triển lãm, hội thi năm 2023 có quy mô lớn, chất lượng cao. Sự quan tâm của các cấp chính quyền TP, của đông đảo quần chúng nhân dân, hàng ngàn hồ cá với nhiều chủng loại đặc sắc, hàng chục gian hàng, nhiều hoạt động phụ trợ và các chủng loại cá tham gia dự thi... đã chứng tỏ vị thế, tầm vóc của bộ môn cá cảnh của TP. Qua mỗi dịp triển lãm, hội thi, chúng ta sẽ có những đánh giá toàn diện và chính xác về phong trào, sẽ lựa chọn được những dòng, loại cá cảnh chất lượng tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu lai tạo giống, chăm nuôi, xuất khẩu cá cảnh của TP và các địa phương trong khu vực. Các cơ quan quản lý nhà nước và Hội Ngành nghề nông nghiệp TP cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, khuyến khích hội viên, hộ gia đình, nghệ nhân gắn kết các doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lai tạo giống mới, mở rộng thị trường xuất khẩu... thúc đẩy phong trào cá cảnh của TP phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả; góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, phát huy tốt nhất các lợi thế, tiềm năng phát triển cá cảnh của TP. Bên cạnh tổ chức các triển lãm, hội thi, cần tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá cảnh. Phấn đấu để TP. HCM sớm trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, cung cấp giống cá cảnh chất lượng cao; đưa sản phẩm cá cảnh thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo đà phát triển kinh tế sinh vật cảnh của TP. HCM./.
(Mạnh Nguyên – Hội Sinh vật cảnh Việt Nam)
Tin tức khác