Mục lục
Bạch cập hay liên cập thảo là một trong những loại địa lan ở Việt Nam có hoa lớn, màu sắc đẹp, có hương thơm. Bạch cập không những trồng làm cảnh mà còn là một dược liệu quý trong Đông y. Bộ phận làm thuốc duy nhất là thân rễ (thường được gọi là củ) với các công dụng chính như chữa chảy máu cam, chữa thổ huyết chảy máu dạ dày, loét dạ dày, mụn nhọt, sưng tấy, vết thương ngoài da…
Bạch cập hay Bạch căn, Liên cập thảo, Nhược lan lan hoa, Từ lan , Trúc túc giao... có tên khoa học là Beletia hyacinthina R. Br, thuộc họ Lan (Orchidaceae). Đây là một loại cây thảo, sống lâu năm, mọc hoang và được trồng ở vùng đất ẩm, mát, có thân rễ, có vảy. Lá mọc từ rễ lên, chừng 3 đến 5 lá hình mác dài 28 – 40cm, rộng 2,5 – 5cm, trên có nhiều nếp nhăn dọc. Hoa màu hồng tím mọc thành chùm ở ngọn, nở vào đầu mùa hạ, quả nang hình thoi.
Ở Việt Nam Bạch cập phân bổ rải rác tại vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Đây là một cây thuốc quý ở Việt Nam. Loài này đã được đưa vào Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam để chú ý bảo vệ và nghiên cứu, nhân trồng thêm.
Thành phần hóa học
Theo Trung dược học, trong rễ tươi của bạch cập có:
30% tinh bột
1,5% Glucose
15% tinh dầu, chất nhầy, nước
Theo những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, bạch cập có:
50% chất nhầy
Một ít tinh dầu
Glycogen
Cách thu hái bào chế
Bộ phận duy nhất được sử dụng để làm thuốc của bạch cập là thân rễ. Có thể thu hái quanh năm tuy nhiên thời điểm để thu hái tốt nhất để dược liệu phát huy dược tính tốt nhất là vào mùa đông khi cây đã trồng được 2-3 năm tuổi.
Công dụng theo y học hiện đại
Nghiên cứu cho thấy các hoạt chất chứa trong loại cây có tác dụng kháng khuẩn và cầm máu.
Kháng khuẩn
Biphenanthren được phân lập có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn gây bệnh thông thường.
Cầm máu
Điều trị xuất huyết đường tiêu hóa: Một nghiên cứu ứng dụng Bạch cập trên 70 bệnh nhân, khỏi 68 (tỷ lệ khỏi 97,2%), số ngày điều trị là 4,13 ± 3 ngày. Một nghiên cứu khác trên 100 bệnh nhân, khỏi 90 (tỷ lệ khỏi 90%), số ngày điều trị là 3.51 ± 1.54 ngày. Trong một tài liệu Trung Quốc, người ta đã nghiên cứu trên 300 bệnh nhân bị xuất huyết đường hô hấp trên cũng thu được kết quả tốt.
Công dụng theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Bạch cập có vị đắng, tính bình, quy vào Phế kinh. Dược liệu có tác dụng bổ phế, hóa ứ (tan máu đông), cầm máu, lành vết thương.
Hiện nay, Bạch cập chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm cổ của nhân dân, làm thuốc cầm máu, trong những trường hợp nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu, đau mắt đỏ, dùng ngoài đắp lên những mụn nhọt sưng tấy, bỏng lửa. Ngày dùng từ 4g đến 12g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Chữa nôn ra máu, chảy máu dạ dày
Bạch cập tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo, ngày 10 – 15g.
Bạch cập 2 phần, tam thất 1 phần. Tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo. Mỗi lần 4 – 8g, ngày 2 – 4 lần.
Chảy máu cam
Lấy vị thuốc tán nhỏ, trộn với nước, đắp lên sống mũi và uống 1 – 3g.
Chữa vết thương hở
Bạch cập 20g, Thạch cao 20g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều. Rắc lên vết thương, rất nhanh hàn miệng.
Chữa ung nhọt sưng đau
Tán nhỏ dược liệu, trộn với ít nước, đặt trên giấy bản, đắp.
Chữa vết bỏng lửa
Tán nhỏ dược liệu, hòa vào dầu vừng, bôi.
Chữa sa dạ con
Bạch cập, Ô đầu, mỗi vị bằng nhau, tán nhỏ. Lấy 4g bọc vào bông vô trùng, để sâu vào âm đạo. Khi thấy trong bụng nóng lên thì bỏ ra. Ngày 1 lần.
Bài viết đã cung cấp cái nhìn cụ thể hơn về vị thuốc Bạch cập cũng như công dụng và cách dùng. Tuy nhiên, quý độc giả cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng thuốc để mang lại sự an toàn và hiệu quả tốt nhất.
HV