Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:44:26 PM

Không chỉ là cây bonsai, cây trắc bách diệp còn là cây thuốc

10/11/2024

Mục lục

VNHS - Trắc bách diệp là một loại cây cảnh khá được ưa chuộng từ trước đến nay. Ngoài tác dụng làm cây cảnh trưng bày trong nhà hay ngoài trời, loài cây này còn được sử dụng để chữa bệnh trong Đông y.

Cây trắc bách diệp được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như trắc bách, trắc bá, bách tử nhân, bách thật, bá thực, trắc bá tử, ... Ngoài ra, lá và hạt của cây khi dùng trong thuốc Đông y được gọi là trắc bá diệp và bá tử nhân.

Cây trắc bách diệp (Platycladus orientalis) là giống thực vật hạt trần họ Hoàng đàn. Nguồn gốc của cây này xuất phát từ Ấn Độ rồi du nhập sang Trung Quốc, Nga, ... các nước Đông Nam Á.

Cây trắc bách diệp trồng làm bonsai ngoài trời có thể cao từ 2 đến 3 mét

1. Đặc điểm sinh học cây trắc bách diệp

Trắc bách diệp là cây thân gỗ bụi, cao 30 - 40cm nếu là cây tiểu cảnh, 2 - 3m nếu là cây cảnh và 6 - 8m khi sống ngoài thiên nhiên. Thân cây có lớp vỏ màu nâu xám, gồm rất nhiều cành, nhánh.

Lá cây có dạng kim, màu xanh tươi, mọc dày quanh thân. Thân và lá của loại cây này đều thơm bởi bên trong chứa rất nhiều tinh dầu. Khi trồng làm cảnh, rất hiếm khi cây ra hoa. Tuy nhiên, khi sống ngoài thiên nhiên với điều kiện sinh trưởng tốt, cây sẽ ra hoa thuôn dài, hình nón, màu xám hoặc xanh ngọc.

2. Thành phần hóa học và công dụng của dược liệu cây trắc bách diệp

2.1. Thành phần hóa học của dược liệu

Thành phần hóa học của cây trắc bách diệp chủ yếu gồm: Thujene, thujone, fenchome, vitamin C, pinene, caryophyllene, tannin, aromadendrin, amentoflavone, quercetin, hinoki flavone, myricetin, ...

2.2. Thu hái và chế biến

Có thể hái lá cây quanh năm, nhưng thời điểm lá cây cho dược tính cao nhất là vào khoảng tháng 9 - 11. Khi thu hái sẽ hái nguyên cành sau đó cắt bỏ cành to và phơi nơi khô mát để cất dùng dần.

Hạt cây trắc bách diệp chủ yếu thu hoạch vào mùa thu và đông. Sau khi thu hoạch được mang đi phơi khô, xát bỏ lớp vảy ngoài rồi tiếp tục phơi khô.

Lá và quả của cây trắc bách diệp có nhiều dược tính và là vị thuốc trong Đông y

2.3. Công dụng của dược liệu cây trắc bách diệp

- Cầm máu: Nghiên cứu được thực hiện trên thỏ và chuột nhắt cho thấy: nước sắc cây trắc bách diệp rút ngắn thời gian chảy máu của cả hai loài động vật này.

- Giảm ho: Dịch chiết cồn và phần lắng lại của rượu và nước sắc từ cây có tác dụng giảm ho tốt.

- Long đờm: Sử dụng dịch chiết xuất cồn từ dược liệu cây trắc bách diệp có thể làm long đờm.

- Giảm cơn hen: Lắng phần nước sắc có cồn từ cây trắc bách diệp và rượu để sử dụng trên chuột nhắt và chuột Hà Lan cho kết quả giãn cơ trơn của khí quản. Tuy nhiên, kết quả này không rõ rệt khi được áp dụng với chuột Hà lan gây hen bằng Histamin.

- An thần: Thành phần Pentobarbital sodium trong cây trắc bách diệp có khả năng tăng cường gây mê, làm giảm sự hoạt động của súc vật được mang đi thực nghiệm.

- Ảnh hưởng lên hệ tuần hoàn: Sử dụng nước sắc từ trắc bách diệp và rượu đã được loại bỏ cặn đem thụt dạ dày hoặc tiêm tĩnh mạch mèo cho kết quả huyết áp hạ nhẹ. Làm như vậy với tai thỏ cho kết quả giãn mạch.

- Kháng khuẩn: Cây trắc bách diệp có thể ức chế khả năng hoạt động của trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn B, tụ cầu vàng, bạch hầu, trực khuẩn lao, virus ban phòng và virus cúm 68-1.

Trắc bách diệp có thể trồng làm tiểu cảnh trong nhà

3. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng dược liệu cây trắc bách diệp

3.1. Chữa viêm bàng quang cấp

- Thành phần: 16g mỗi vị: mộc thông, củ kim cang, hạn liên thảo, nghiệt bì, thuộc bài; 12g mỗi vị: hòe hoa, liên kiều, đỗ phụ.

- Cách thực hiện: sắc tất cả dược liệu để lấy nước uống trong 1 ngày. Hôm sau lại tiếp tục làm như vậy cho đến khi triệu chứng của bệnh khỏi hẳn.

3.2. Cầm máu

- Thành phần: 30 - 50g cành và lá cây trắc bách diệp

- Cách thực hiện: sao vàng dược liệu đã chuẩn bị rồi cho vào ấm để sắc với 1 lít nước. Khi nước sôi thì giảm nhiệt, đun đến khi lượng nước còn một nửa thì chắt và chia thành 2 lần uống vào sáng và chiều.

3.3. Chữa ho ra máu (Có thể lựa chọn 1 trong 2 bài thuốc):

- Bài thứ nhất

+ Thành phần: 15g mỗi vị: ngải diệp, cây trắc bách diệpi; 6g can khương.

+ Cách thực hiện: sao cháy đen dược liệu cây trắc bách diệp và sao vàng can khương sau đó đem sắc lấy nước uống, duy trì liên tục 5 - 7 ngày.

- Bài thứ hai

+ Thành phần: 10g lá hồng trúc, 10g cây rẻ quạt, 10g lá cây trắc bách diệp, 10g lá thài lài tía.

+ Cách thực hiện: đem dược liệu sắc uống như bài thuốc thứ nhất.

Không chỉ là cây bonsai, trắc bách diệp còn là cây thuốc trong Đông y

3.4. Chữa rụng tóc do bị viêm da tiết bã

- Thành phần: 60g lá cây trắc bách diệp tươi, rượu trắng 40 độ.

- Cách thực hiện: ngâm lá cây với một lượng vừa đủ rượu đã được chuẩn bị trong 7 ngày rồi lấy ra dùng, thoa trực tiếp lên vùng da đầu bị bệnh.

3.5. Chữa ho kéo dài

- Thành phần: 10g lá cây trắc bách diệp, 10g rễ tầm gửi sống trên thân cây dâu, 10g rễ dâu, 10g rễ chanh.

- Cách thực hiện: sao vàng toàn bộ dược liệu lấy nước uống trong 7 ngày liên tục. Thời gian này cần uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, dùng nước muối ấm súc miệng hàng ngày và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

3.6. Chữa đi ngoài ra máu do bệnh trĩ

- Thành phần: lấy một lượng dược liệu khô bằng nhau gồm: hoa kinh giới, chỉ xác, hòe mễ, cây trắc bách diệp.

- Cách thực hiện: tán nhỏ toàn bộ dược liệu, mỗi ngày hãm 20g với nước sôi và uống như uống trà vào 30 trước bữa ăn.

Bị trĩ đi ngoài ra máu có thể sắc nước cây trắc bách diệp và các dược liệu khác để uống

3.7. Chữa chảy máu chân răng

- Thành phần: 20g thạch cao, 16g thiên môn, 16g địa hoàng, 12g a giao, 12g thượng thảo và 12g lá cây trắc bách diệp

- Cách thực hiện: sắc toàn bộ dược liệu lấy nước uống trong ngày.

3.8. Chữa viêm thận, viêm bể thận cấp

- Thành phần: 4 quả đại táo, 125g rau đắng đất,  63g cây trắc bách diệp và 4g cam thảo.

- Cách thực hiện: đem sắc toàn bộ dược liệu cùng 1.5 lít nước đến khi còn khoảng 500ml nước thì chắt chia thành 3 lần uống trong ngày.

Cây trắc bách diệp được sử dụng trong các bài thuốc Đông y để trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe khuyến cáo khi dùng thảo dược này, người bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc Đông y để biết cách sử dụng an toàn.

Duy Minh (st)

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng