Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Thursday, November 21, 2024 10:56:28 PM

Nghề nuôi cá chọi khó hay dễ

10/11/2022

Mục lục

Tuổi thơ, chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần sở hữu cho mình một chú cá lia thia (cá chọi) rồi nhỉ?  Với tôi, mùa nước lên là lúc thích mua cá chọi về chơi nhất, ngoài việc để làm cảnh thì cũng để giải tỏa tinh thần sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tôi nuôi cá và nhân giống thành công loại cá chọi (loại cá Xiêm) sau 2 năm mày mò tìm hiểu. Cứ nghĩ rằng đơn giản nhưng không ngờ, nhân giống thành công loại cá này lại mất khá nhiều thời gian và công sức, còn phải phụ thuộc vào thời tiết, môi trường và nguồn thức ăn tự nhiên… Ở miền tây Nam Bộ thường chia hai mùa là mùa nắng và mùa mưa. Cá chọi khi nhân giống thì tốt nhất nên vào mùa mưa sẽ dễ dàng nuôi và thời tiết cũng phù hợp, nguồn thức ăn cũng phong phú, mặc dù với mùa nắng cũng nhân giống được nhưng nhiệt độ nắng nóng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến con non, nguồn thức ăn tự nhiên như trứng nước, bobo phải mua loại sấy khô để cho cá bột ăn nên so về tính chất và chất lượng một cá trưởng thành sẽ không tốt bằng.

Cá lia thia trong tự nhiên tại Việt Nam

Với nghề nuôi và ép cá chọi này, kì công nhất phải kể đến việc chọn giống và tính toán thời điểm khi bắt tay vào nhân giống. Phải chọn cá trống có thể trạng tốt và đặc biệt phải “chiến”, con cá trống nào mà chọi thắng từ một trận trở lên thì càng quá tuyệt để đem nhân giống. Với cá mái, chúng ta chọn cá sức khỏe tốt, không quá to và đặc biệt phải dưỡng kỹ trước khi cho cá mái vào “ở chung” với cá trống khoảng hai tuần, khi dưỡng kỹ thì chất lượng trứng khi sinh sản sẽ đảm bảo hơn và con non ra đời cũng khỏe và to hơn.

Với nghề nuôi và ép cá chọi này, kì công nhất phải kể đến việc chọn giống và tính toán thời điểm khi bắt tay vào nhân giống

Cá chọi trước khi sinh sản sẽ làm ổ bọt, sau đó thì việc thụ tinh và nuôi con sẽ thuộc về cá trống, giai đoạn đầu này rất khó khăn vì nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp sẽ ảnh hưởng đến việc trứng bị hỏng và rơi xuống đáy hồ, bởi vậy nên để một phần nhỏ lá bàng khô vào nước để màu nước chuyển thành xanh nõn chuối và làm thế để độ PH trong nước ở mức độ an toàn. Cá bột sau khi nở thì trong tuần đầu tiên phải chăm thật kỹ về nguồn dinh dưỡng hỗ trợ, chúng ta có thể cho ăn “con mẻ” (con này thường có nhiều trong hũ cơm mẻ, người miền Tây hay dùng loại cơm này để nấu canh chua), với kích thước của con mẻ khá nhỏ nên cá lia thia non có thể ăn được. Thường thì sau ba tuần chăm sóc thì cá có thể ăn được loăng quoăng loại nhỏ, cá sẽ phát triển và lên màu từ từ, sau ba tuần thì có thể bắt cá trống ra khỏi hồ để bắt đầu dưỡng sức và chuẩn bị nhân giống tiếp (nếu cần). Chúng ta chăm kỹ, để ý nước và nguồn dinh dưỡng cung cấp sao cho cá không bị  “đẹt”, một bầy cá lia thia sau hơn tháng chăm sóc kỹ sẽ cho từ khoảng 300 đến 600 con. Sau 2 tháng chăm sóc thì chúng ta có thể chọn những con trống trong bầy ra cho vào riêng từng hũ, nuôi thúc nhanh phát triển để cung cấp cho khách hàng.

Nghề nuôi cá chọi tuy vậy mà vất vả, bởi không có nghề gì là dễ dàng, nhưng được cái là mỗi khi nhìn ngắm bầy cá bơi tung tăng trong hồ mà thấy lòng mình thư giãn. Mỗi con cá là mỗi màu sắc và tính tình riêng, có con thì hiếu chiến, có con thì trầm tĩnh, cũng có con “hiền như cục đất”!

Với xã hội ngày càng hiện đại thì những thú vui tao nhã như nuôi cá chọi có lẽ cũng giúp tinh thần con người trở nên nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng sau những giờ làm việc vất vả. Nghề nuôi cá chọi tuy khó, nhưng nếu có đam mê thì không gì là không thể!

Nguyễn Hoài Vân 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng