Mùi bánh, khói bếp và hương vị quê nhà
Với anh Thái Thành Nhân, một chàng trai 30 tuổi, hiện đang là biên tập viên mảng sách tiếng Anh tại TP.HCM, Tết Đoan Ngọ không chỉ là một ngày lễ dân gian trong năm, mà còn là dịp để hồi tưởng về quê hương, về tuổi thơ, về ký ức gắn liền với bếp lửa và những món ăn mang đậm hồn cốt gia đình.
Anh Nhân sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vùng đất hiền hòa với hàng dừa xanh ngắt và những con đường đan nhỏ len lỏi giữa vườn cây trái. Đặc biệt, bên ngoại anh là người gốc Hoa (Quảng Đông), gia đình ông cố di cư sang Việt Nam từ trước năm 1945, nên trong nhà vẫn giữ được nhiều nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hoa xen lẫn với phong tục Việt.
 |
Anh Thành Nhân trong một lần về thăm quê. |
Trong khi nhiều gia đình thuần Việt thường đổ bánh xèo vào mùng 5/5 âm lịch, thì gia đình anh lại gói và hấp một loại bánh đặc biệt gần giống bánh ú, bánh tét nhưng to hơn nhiều. Mỗi sáng Đoan Ngọ, thức dậy trong làn khói bếp thơm lừng mùi nếp, mùi lá chuối, lá tre hòa quyện với hương hạt sen và thịt ba rọi béo ngậy, là một trải nghiệm không thể nào quên.
 |
Mỗi sáng ngày Tết sáng Đoan Ngọ, cả gia đình anh Nhân sẽ thức dậy sớm để làm món bánh ú bá trạng. |
 |
Chiếc bánh nếp dẻo, vị đậm hơn khi ăn nguội, chấm với đường và nước tương. |
 |
Đó là một món ăn vừa gói cả hương vị tuổi thơ, vừa gói luôn tinh thần gìn giữ truyền thống của cả một gia đình. |
 |
Cơm rượu cũng là món ăn phổ biến ở Bến Tre trong ngày Tết Đoan Ngọ. |
 |
Bánh xèo đặc trưng của miền Tây. |
"Món bánh này ngon nhất khi ăn nguội – nếp dẻo lại, vị đậm hơn, đặc biệt khi ăn với tí đường và nước tương thì hương vị bùng lên rất đặc biệt,” anh chia sẻ. Ngoài nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng từ nếp, đậu xanh, hạt sen đến thịt ba rọi ngon (nhà anh gần khu lò heo nên rất tiện), thì lửa củi cũng phải canh thật đều, để bánh vừa chín tới, không nhão không sống. Đó là một món ăn vừa gói cả hương vị tuổi thơ, vừa gói luôn tinh thần gìn giữ truyền thống của cả một gia đình.
Trái cây, nấm mối và những khát khao tuổi nhỏ
Mùng 5/5 cũng là lúc trái cây bắt đầu vào mùa chín rộ. Ký ức về những buổi sáng tháng 5 đầy nắng, những thúng chôm chôm đỏ au, những trái măng cụt, bòn bon căng mọng được biếu về nhà ngoại, luôn sống động trong tâm trí anh Nhân. Ở Mỹ Thạnh, vườn trái cây không nhiều như bên Chợ Lách vùng trồng cây ăn trái trứ danh của Bến Tre. Hồi nhỏ, anh chỉ biết thèm thuồng mỗi khi nghe người lớn rủ nhau “bao xe lôi đi vườn”, bởi trẻ con thường không được đi theo.
 |
Tháng 5 cũng là khoảng thời điểm những trái măng cụt sắp chín rộ. |
 |
Anh Nhân thích đi thăm vườn sầu riêng của những người hàng xóm để chơi, chụp hình. |
 |
Tháng 5 là khoảng thời điểm vườn chôm chôm chín rộ. |
 |
Người dân thu hoạch chôm chôm đi bán. |
 |
Trái bòn bon cũng đang vào mùa. |
“Đến lúc học đại học mới có dịp lần đầu được đi thăm vườn. Quên luôn lối về. Vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng bạt ngàn hai bên đường đan nhỏ. Người dân quê mình thì cởi mở, vui vẻ lắm. Mình mạnh dạn xin vô vườn chơi, chụp hình. Có lúc đi với bạn, còn được hái chôm chôm ngay tại cành hay xin mua sầu riêng chín rụng trong đêm lúc 12 giờ khuya", anh kể.
 |
Rặng dừa mang theo ký ức tuổi thơ của anh Nhân. |
 |
Anh Nhân nhớ những buổi chiều tắm sông cùng những người anh em, bạn bè. |
Hương vị ngọt lành của trái cây, cái mộc mạc chân chất của người miền Tây đã in sâu trong anh từ những chuyến đi như thế. Không thể không nhắc tới nấm mối - món quà quý của thiên nhiên mỗi mùa Đoan Ngọ. “Lần đầu tiên thấy nấm mối là lúc mình mới 5 tuổi. Sau một trận mưa đầu mùa, mẹ mình ra vườn rồi chạy về nhà gọi ba ra nhổ nấm. Nhìn mấy tai nấm ú nần, búp đen đen, cuống trắng trắng, còn dính đất mà thương vô cùng,” anh kể. Nấm mối dùng kho, nướng, xào hay nấu cháo đều ngon, nhưng không phải ai cũng ăn được nếu cơ thể yếu thì dễ bị “trúng thực”, anh nói.
 |
Nấm mối món là quà quý của thiên nhiên mỗi mùa Đoan Ngọ. |
Ở bên nội, gia đình thuần Việt thì mùng 5/5 Âm lịch là ngày mọi người trong gia đình anh Nhân đổ bánh xèo. Những ngày đó, nhà luôn đông vui, người xay bột, người chụm lửa, người tráng bánh, người lặt rau… Mỗi chiếc bánh là sự kết hợp của tép bạc, thịt ba rọi, nấm mối xào sơ, giá và củ sắn. Bánh xèo cuốn với các loại rau dân dã như cải bẹ xanh, lá cách, lá cát lồi, chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt, đậm đà mà đầy ắp tình thân.
 |
Mùng 5/5 Âm lịch là ngày mọi người trong gia đình anh Nhân đổ bánh xèo. |
“Làm bánh xèo không phải chỉ để ăn, mà là để tụ họp. Vì không ai có thể làm bánh xèo một mình. Phải có người này, người kia cùng vào bếp thì mới vui, mới ra được cái hồn Tết Đoan Ngọ,” anh nói thêm.
Giữ lửa truyền thống giữa thời hiện đại
Ở thời đại ngày nay, khi đồ ăn khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng tìm thấy trong vài cú nhấp chuột, những món ăn truyền thống như bánh Tết, nấm mối, bánh xèo hay cơm rượu tưởng như dần trở nên xa vời. Nhưng với Nhân, niềm tin vào việc giữ gìn giá trị ẩm thực dân tộc vẫn còn nguyên vẹn.
“Dù hiện đại đến đâu, mình tin rằng ai cũng có một phần tình yêu dành cho quê hương. Chỉ cần cha mẹ, ông bà tiếp tục truyền lại những món ăn ấy, và bản thân chúng ta giữ lửa, chỉ cần chút điều chỉnh nguyên liệu, khẩu vị cho phù hợp thì những món ăn này sẽ không bao giờ mất đi. Chúng sẽ được truyền qua từng thế hệ, như một phần của dòng máu quê hương,” anh chia sẻ với niềm tin sâu sắc.
Với chàng biên tập viên trẻ ấy, Tết Đoan Ngọ không chỉ là một ngày lễ, mà là một mùa ký ức - nơi anh tìm lại tuổi thơ, tìm lại tình thân và tìm thấy mình trong những hương vị rất đỗi bình dị nhưng khó phai của quê hương xứ Dừa.
Khải Minh