Mục lục
(VNHS) - Đây là hậu duệ những Cây Di sản nghìn tuổi của rừng Mã Đà (miền Đông Nam Bộ) được di thực về trồng tại khu vực Đền Hùng (Phú Thọ) nhân dịp Lễ trao Bằng công nhận 162 Cây Di sản Việt Nam.
Sự kiện diễn ra đúng vào dịp cả nước cùng hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mồng 10 tháng 3 Âm lịch). Bởi những cây Kơ nia này, là một phần của chiến khu D – một di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, là mảnh đất hào hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.
Khu rừng già nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại chiến khu D hay còn gọi là rừng Mã Đà, ở xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Rừng Mã Đà thuộc tiểu khu 379, từng là căn cứ cách mạng, trụ sở Bộ tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Khu rừng này hiện vẫn còn vét đường hầm, địa đạo ghi dấu một thời hoạt động kháng chiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các nhà cách mạng…
Tại rừng Mã Đà, sau nhiều lần khảo sát theo đề nghị của địa phương, tổ chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Cây Di sản (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam) đã xét duyệt, bổ sung và công nhận quần thể 162 cây cổ thụ tại Tiểu khu 379 Mã Đà, huyện Đồng Phú là Cây Di sản Việt Nam vào cuối năm 2023, trong đó có quần thể cây Kơ nia gồm 130 cây.
Theo hồ sơ Cây Di sản, trong 162 cây cổ thụ được công nhận thuộc 15 loài, gồm: bằng lăng: 9 cây; bình linh: 4 cây; chiêu liêu: 4 cây; gõ mật: 1 cây; tung: 2 cây; chôm chôm: 1 cây; hoàng linh: 1 cây; ươi: 1 cây; mít rừng: 2 cây; dầu: 1 cây; sộp: 1 cây; xoan đào tía: 1 cây; chò chay: 2 cây; kháo: 2 cây; kơ nia: 130 cây. Trong đó, 117 cây trên 500 tuổi, 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi, 1 cây khoảng 1.230 tuổi.
Sự kiện vinh danh quần thể 162 Cây Di sản của rừng Mã Đà có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng và người dân nơi đây. Tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động trải nghiệm cho cộng đồng, thanh thiếu niên trong tỉnh đến thăm và tìm hiểu sâu hơn về Cây di sản nói chung và quần thể 162 Cây Di sản ở rừng Mã Đà nói riêng.
Nhị Giang