Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Chúc mừng năm mới 2025
Wednesday, January 15, 2025 5:24:42 PM

Giới thiệu danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thông qua triển lãm Tinh hoa Cố đô

15/04/2024

Mục lục

(VNHS) - Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014 – 2024), Ngày 14/4, tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh Ninh Bình và Hội Cổ vật Tràng An-Ninh Bình tổ chức khai mạc Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2024 với chủ đề “Tinh hoa Cố đô”. 

Triển lãm trưng bày hơn 1.000 tác phẩm chủ yếu là cây cảnh nghệ thuật, cổ vật, đá cảnh, đá quý, gỗ lũa, tiểu cảnh của nhiều nghệ nhân tiêu biểu, các nhà vườn nổi tiếng trên cả nước. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, góp phần lan tỏa cái đẹp "chân, thiện, mỹ", mang đậm tính nhân văn và triết lý sâu sắc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Với việc tổ chức triển lãm lần này, tỉnh Ninh Bình mong muốn tạo cơ hội cho các hội, làng nghề, câu lạc bộ, nghệ nhân sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghệ thuật, tay nghề nhằm tạo ra nhiều tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị; mở rộng thị trường giao thương, hợp tác và cùng nhau phát triển. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đất và người vùng đất cố đô tới bạn bè trong nước và quốc tế; quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đến năm 2035 là thành phố Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND TP Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc triển lãm

Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch Ủy ban thành phố Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức triển lãm cho biết, triển lãm sinh vật cảnh lần này có quy mô lớn về số lượng, quy tụ nhiều sản phẩm sinh vật cảnh tinh hoa, chất lượng cao, đa dạng về chủng loại sản phẩm của các hội, làng nghề, câu lạc bộ, nghệ nhân sinh vật cảnh đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhấn mạnh, nghệ thuật cây cảnh là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa, thông qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần sáng tạo, gửi gắm tâm tư, niềm tin, khát vọng có tính nhân văn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Gia Thọ tặng hoa chúc mừng triển lãm

Ông Nguyễn Trung Lạc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: Nhân kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ban tổ chức Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2024 đã gửi thư mời tham gia Triển lãm và trực tiếp đến từng tỉnh, thành, về các huyện, thành phố để lựa chọn, chấm tác phẩm đưa về dự triển lãm.

Đến nay, đã có tác phẩm của Hội Sinh vật cảnh của 11 tỉnh, thành: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình… và một số tỉnh phía Nam nhận lời tham gia Triển lãm. Tại các huyện, thành phố, các câu lạc bộ trực thuộc và gần 30 nhà vườn sinh vật cảnh trong tỉnh cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện để tham gia Triển lãm.

Những năm qua, hoạt động sinh vật cảnh đã dần khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế- xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh. Với 7.200 hội viên sinh hoạt tại 142/145 Hội Sinh vật cảnh xã, phường, thị trấn, 7 câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh và gần 30 nhà vườn, ngành sinh vật cảnh của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trở thành ngành nghề phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định, mở hướng làm giàu cho nhiều gia đình hội viên.

Các đại biểu tham quan những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm

Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, năm 2023 doanh thu từ các hoạt động mua bán, trao đổi cây cảnh, sản phẩm sinh vật cảnh toàn tỉnh đạt trên 43 tỷ đồng; mỗi huyện, thành phố hiện có hơn chục gia đình hội viên có thu nhập cao, làm giàu từ hoạt động sinh vật cảnh.

Để giúp hội viên thực hiện hiệu quả hoạt động đưa các sản phẩm sinh vật cảnh đến gần hơn với công chúng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã quan tâm tổ chức các triển lãm ở các quy mô khác nhau: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp câu lạc bộ; chủ động tham gia các triển lãm sinh vật cảnh tại các tỉnh, thành trong cả nước để giao lưu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sinh vật cảnh Ninh Bình.

Một trong nhiều tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại triển lãm

Ninh Bình được biết đến là một trong những địa phương có những làng nghề nổi tiếng như làng hoa Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), đào phai Đông Sơn (thành phố Tam Điệp)... Nhiều cây cảnh, cây thế, cây bon sai của Ninh Bình được các nghệ nhân trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Ninh Bình còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông xác định là một trong các tỉnh, thành phố trọng điểm trồng cây cảnh của cả nước.

Tác phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người tham quan triển lãm

Thông qua hoạt động triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh, Hội Sinh vật cảnh mong muốn tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, đặc sắc và kết quả phong trào sinh vật cảnh của Ninh Bình đến đông đảo người dân và du khách, để công chúng được chiêm ngưỡng các tác phẩm được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và thẩm mỹ của các nghệ nhân sinh vật cảnh vùng đất Cố đô. Đồng thời giao lưu, tìm hiểu và tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh từ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng cũng như trong các huyện, thành phố của tỉnh.

Triển lãm Sinh vật cảnh cũng nhằm khuyến khích phong trào phát triển kinh tế sinh vật cảnh, giúp người dân và hội viên làm giàu bền vững, tham gia tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần cải thiện môi trường, làm đẹp thôn, xóm, phố, hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình xanh, sạch, đẹp, hiện đại.

Trường Minh

 

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng