Nghĩ đến Ninh Thuận, người ta lại nghĩ đến những cồn cát trắng ngút ngàn, từng khóm Xương rồng thân lá gai góc vươn cao trên nền trời xanh ngắt, nắng như đổ lửa. Có lẽ vì thế, nơi đây còn được nhiều người biết đến như là “xứ sở cây Xương rồng”.
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Khi gió mùa Tây Nam mang mưa vào đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, thì hệ thống núi ở Tây Nguyên, Bình Thuận đã làm cho những cơn gió mùa ấy không đến được Ninh Thuận. Ở đây có khí hậu khô nóng, nhiều gió, là nơi có lượng mưa trung bình thấp bậc nhất cả nước với mùa khô kéo dài suốt từ tháng 12 năm trước đến tháng 8, tháng 9 năm sau. Chính đặc điểm thời tiết như vậy khiến nhiều loại thực vật khó có điều kiện sinh trưởng và phát triển. Trong khi đó, những cây Xương rồng - một loại thực vật dễ thích nghi, chịu khô hạn, không đòi hỏi nhiều dưỡng chất trong đất và ít bị sâu bệnh lại có thể sinh trưởng và trở thành một loại cây “đặc hữu” gắn liền với vùng đất Ninh Thuận này. Xương rồng mọc ở khắp nơi mà không cần bàn tay chăm sóc: trên bãi đất cằn bỏ hoang, trên đồi cát mênh mông nắng gió, dọc bờ sông vắng hay bên những lối mòn dẫn về miền thôn quê… Tháng 8 này, nếu có dịp ghé qua Ninh Thuận, trên những đồng đất cằn cỗi “nắng có thừa, mưa không tới” này, đâu đâu ta cũng thấy những cây Xương rồng đã ra hoa.
Hoa Xương rồng, ai đã một lần được chiêm ngưỡng sẽ khó quên. Xương rồng truyền thống nở hoa vào mùa hè. Đặc biệt hơn, Xương rồng nở hoa là báo hiệu tiết trời đang chuyển, là sẽ có mưa, mưa dông ngày hè. Mỗi mùa hè, dăm, ba lần Xương rồng ra hoa. Mỗi lần như vậy, dù to hay nhỏ, nhiều ít thế nào cũng có mưa về làm dịu mát ngày hè ở vùng đất “tiểu sa mạc”.
Từ lâu, hoa Xương rồng được xem là biểu tượng sức sống mãnh liệt của người dân Ninh Thuận. Trên những triền cát bỏng, từng khóm Xương rồng thân gai góc vươn cao, quanh năm tích tụ khí thiên của đất trời, vặn thân mình cho ra những cánh hoa sắc màu đỏ lửa tạo nên những dấu son duyên dáng cho vùng đất nắng. Hoa Xương rồng trên cát nắng Ninh Thuận như một nét duyên thầm của cô gái vùng thôn dã, không ai đi qua mà không ngoái lại, tần ngần lặng lẽ, thảng thốt rồi lặng đi trước một kỳ quan của thiên nhiên…
Những năm gần đây, cùng với sự tìm kiếm của những nông dân, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và phát triển cây bông Nha Hố cũng khảo nghiệm các giống Xương rồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ đưa về trồng ở Ninh Thuận. Trong đó thành công nhất là loại Xương rồng Nopal (Xương rồng Tai thỏ) có lá hình elip mỏng dẹt được sử dụng làm thực phẩm chủ yếu ở vùng Mỹ Latinh và một số nước châu Âu. Đây là loại cây rất dễ tính, phù hợp với môi trường có vùng đất khô cằn, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ít bị ảnh hưởng sâu bệnh, mọng nước đạt tới 95% và cho năng suất thu hoạch đạt từ 120-400 tấn/ha. Đặc biệt cây Xương rồng này không có gai và “đa công dụng”: Lá Xương rồng Nopal có vị giống như trái ớt Đà Lạt nên có thể làm rau, chế biến thực phẩm, dược phẩm cho người và thức ăn cho gia súc.
Cây Xương rồng Nopal “đa công dụng” đã mở ra triển vọng cho người dân Ninh Thuận và cả khu vực miền Trung sử dụng những vùng đất hoang hóa ven biển, đất đồi khô hạn để trồng thêm một loại cây đặc sản hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Quả thật, người dân nơi đây không khác gì những cây Xương rồng, luôn dự trữ trong mình một sức sống mãnh liệt, vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên tươi xanh và nở hoa./.
Nguyễn Hữu Mão
Tin tức khác