Với niềm đam mê nông nghiệp sạch và quyết tâm theo đuổi hướng đi mới, bà Phạm Thị Dung (phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) đã đầu tư gần 7 tỷ đồng để cải tạo một quả đồi cằn cỗi, trồng thành công giống nho hạ đen và phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp.
Khởi đầu từ đam mê và một quyết định táo bạo
Không phải người bản địa, bà Dung quê ở Vĩnh Phúc, lên Lạng Sơn lập nghiệp từ năm 1989 bằng nghề buôn bán. Cơ duyên với cây nho đến từ những chuyến tham quan các vườn nho rộng lớn ở Trung Quốc. Cảnh sắc trù phú của những vườn nho trĩu quả cùng khí hậu vùng cao đã tạo cảm hứng để bà bắt đầu một dự án nông nghiệp tại địa phương.
Đầu năm 2019, bà quyết định chọn giống nho hạ đen – một loại nho được đánh giá cao về chất lượng – để trồng trên diện tích hơn 1ha đất đồi. Không lựa chọn đất bằng phẳng, dễ canh tác, bà chọn cải tạo một đồi hoang, lắp đặt hệ thống tưới tự động và mái che kiên cố nhằm ứng phó với thời tiết lạnh và sương muối vào mùa đông.
“Chúng tôi đã trồng 5.000 gốc nho hạ đen, đầu tư hệ thống bảo vệ bài bản để đảm bảo cây trồng phát triển ổn định trong điều kiện khí hậu đặc thù của Lạng Sơn”, bà Dung chia sẻ.
![]() |
Bà Dung bên vườn nho hạ đen. |
Khó khăn ban đầu và hướng đi nông nghiệp sạch
Trồng nho tại vùng núi phía Bắc, nơi mùa đông lạnh và có sương muối, không phải điều dễ dàng. Ngoài ra, vị trí vườn gần hồ Lục Khoang cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Tuy nhiên, bà Dung lựa chọn hướng đi không sử dụng hóa chất, ưu tiên phương pháp hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng nho và an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Một nhân viên tại vườn cho biết, để phòng trừ sâu bệnh, họ sử dụng hỗn hợp sinh học tự làm từ tỏi, ớt, thuốc lào ngâm với rượu. Phương pháp này tuy thủ công nhưng hiệu quả, giúp bảo vệ cây mà không cần dùng đến thuốc trừ sâu hóa học.
Kết quả, vườn nho phát triển tốt, cho trái đều, đen bóng và mọng nước. Trung bình mỗi năm, vườn cho hai vụ thu hoạch vào khoảng tháng 6–7 và 11–12, cung cấp nho cho thị trường và phục vụ du khách đến tham quan.
Kết hợp du lịch sinh thái
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, gia đình bà Dung đã mở cửa vườn nho để đón khách. Du khách đến đây có thể tham quan, tự tay hái nho và mua tại chỗ với giá niêm yết từ 150.000–200.000 đồng/kg.
Vườn nho nằm gần hồ Lục Khoang, cách trung tâm TP Lạng Sơn khoảng 5km, tạo nên cảnh quan hữu tình, thích hợp cho hoạt động trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần. Ngoài chụp ảnh, khách còn có thể tham gia bơi lội tại hồ liền kề. Hiện các hoạt động tham quan vẫn đang được miễn phí.
Bà Hoàng Thị Linh, một du khách đến từ phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn), chia sẻ: “Đây là lần thứ hai trong năm tôi cùng gia đình tới vườn nho hạ đen. Khung cảnh đồi thông, hồ nước và vườn nho kết hợp tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. Chúng tôi cũng yên tâm khi mua nho hữu cơ về sử dụng”.
Tạo sinh kế cho địa phương
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình trồng nho còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại phường Tam Thanh. Vườn nho hạ đen đã trở thành điểm đến được nhiều người dân địa phương và du khách biết đến, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch nông nghiệp tại Lạng Sơn.
Từ một đồi hoang ít người chú ý, bà Phạm Thị Dung đã biến nơi đây thành một mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp sạch và phát triển du lịch, mở ra hướng đi mới cho những người làm nông nghiệp tại khu vực miền núi. Vườn nho bên hồ Lục Khoang được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trên bản đồ du lịch nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Nho hạ đen là giống nho không hạt, có múi dày, quả chín đen bóng, vị ngọt đậm, không hạt hoặc rất ít hạt Giống nho này được thuần hóa từ Trung Quốc (vùng Quảng Tây, Hải Nam…) và đã được Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng & Chuyển giao Công nghệ Nông‑lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang trồng thử nghiệm thành công từ năm 2017 Nho hạ đen thích hợp với khí hậu miền Bắc Việt Nam, có thể trồng ở nhiều loại đất với pH khoảng 6–7, chịu được nhiệt độ từ –20 °C đến 45 °C.Ttuy nhiên để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất, cây cần được trồng trong môi trường có nhiệt độ lý tưởng từ 25–30 °C, nhiều ánh nắng trực tiếp và ít mưa. Nho ra hoa và thu hoạch sau khoảng 95–120 ngày, cho năng suất cao (khoảng 16–18 tấn/ha/vụ hai vụ/năm). |