Nhà cổ Quân Thắng nằm tại số 77 Trần Phú - một trong những tuyến phố trung tâm và lâu đời nhất của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam).
Theo tài liệu lịch sử và lời kể của hậu duệ gia tộc, ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, thuộc sở hữu của một thương nhân người Hoa giàu có. Ông là một trong những chủ tiệm buôn sầm uất nhất Hội An thời bấy giờ, kinh doanh nhiều mặt hàng như gốm sứ, tơ lụa, hương liệu… và có quan hệ thương mại với nhiều nước trong khu vực.
Không chỉ nổi bật về vị thế xã hội, gia chủ ngôi nhà còn được biết đến là người am hiểu phong thủy, trân trọng văn hóa truyền thống, điều thể hiện rõ qua từng chi tiết trong kiến trúc của ngôi nhà gỗ lim trăm tuổi này.
Hiện nay, nhà cổ Quân Thắng là một trong 22 di tích thuộc tuyến tham quan phố cổ Hội An được bảo tồn và khai thác du lịch. Đến với nhà cổ Quân Thắng, du khách không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính của một công trình gỗ lim hàng trăm năm tuổi, mà còn cảm nhận được nhịp sống thanh bình, thư thả của một Hội An xưa cũ – nơi mà thương cảng không chỉ phồn vinh, mà còn chứa đựng sự tinh tế, trầm lặng của văn hóa phương Đông.
 |
Với kiểu kiến trúc nhà ống hàng buôn – mặt tiền hẹp, chiều sâu kéo dài – nhà cổ Quân Thắng phù hợp cho cả mục đích sinh sống lẫn kinh doanh - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Chất liệu chính của ngôi nhà là gỗ lim quý, một loại gỗ chỉ dành cho những công trình cao cấp nhờ độ bền vượt thời gian và vẻ đẹp sang trọng, ấm cúng - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Con mắt cửa với tấm vải đỏ là nét bài trí đặc trưng của những ngôi nhà cổ ở Hội An, hàm ý ngăn chặn những điều không may mắn - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Toàn bộ ngôi nhà là một tác phẩm nghệ thuật gỗ khổng lồ - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Mỗi chi tiết trong nhà, từ cửa, cột, trần, kèo đến các hoa văn trang trí đều được điêu khắc tinh xảo bởi các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng - cái nôi mộc nghệ nổi tiếng xứ Quảng - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Họa tiết chủ đạo là các loài hoa, chim hạc, tùng – lộc – trúc – mai, biểu trưng cho sự may mắn, phú quý, trường thọ - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Ngôi nhà được chia thành nhiều không gian tách biệt: gian mặt tiền là tiệm buôn, kế đến là phòng khách, nơi tiếp đãi đối tác và khách quý, sân vườn giúp đón sáng và đối lưu không khí, rồi đến nhà dưới và gian bếp - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Tất cả không gian sinh hoạt chính của gia đình đều được bố trí ở tầng 2, đảm bảo sự riêng tư và yên tĩnh - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Cách tổ chức không gian ấy không chỉ phản ánh sự thực dụng thông minh trong thiết kế, mà còn thể hiện quan niệm sống thuận theo thiên nhiên, đề cao sự hài hòa vốn là tư tưởng cốt lõi trong văn hóa Á Đông - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Điều đó khiến nơi đây trở thành “bảo tàng sống” giữa lòng phố cổ, nơi mà mỗi góc tường, mỗi phiến gỗ đều mang theo hơi thở của quá khứ - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Cách tổ chức không gian ấy không chỉ phản ánh sự thực dụng thông minh trong thiết kế, mà còn thể hiện quan niệm sống thuận theo thiên nhiên, đề cao sự hài hòa, vốn là tư tưởng cốt lõi trong văn hóa Á Đông - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Bên trong nhà vẫn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, từ bộ ghế bành chạm rồng, bàn thờ cổ, đèn dầu, gương đồng đến các vật dụng gắn bó với đời sống của tầng lớp thương nhân thế kỷ XVII - XVIII - (Ảnh: Mỹ An). |
 |
Từ một căn nhà buôn khiêm tốn nơi phố cổ, nhà cổ Quân Thắng đã trở thành biểu tượng của một thời kỳ vàng son, nơi văn hóa, nghệ thuật và kinh doanh hòa quyện. Giữa nhịp sống hiện đại, nơi đây vẫn lặng lẽ kể lại câu chuyện về một Hội An cổ kính, phồn thịnh và đầy bản sắc - (Ảnh: Mỹ An). |
Mỹ An