Mục lục
Tulip (Tulipa.L) có nguồn gốc từ Châu Âu, được trồng nhiều ở Hà Lan. Tulip là cây ôn đới thích hợp với điều kiện lạnh, không ưa nóng. Ở Việt Nam, hoa tulip trước đây chỉ mới được trồng ở Đà Lạt, trong những năm gần đây, tulip đã được đưa vào trồng trong vụ đông ở miền Bắc. Tulip là một trong những loại hoa có hình dáng, màu sắc đẹp, được nhiều người ưa thích.
Các giống hoa tulip trồng ở Việt Nam đều có nguồn gốc nhập nội, chỉ có một số giống tulip mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tùy theo các giống mà thời gian sinh trưởng khác nhau, sau đây là thời gian sinh trưởng của một số giống phổ biến:
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Thời vụ trồng
- Đối với vùng núi cao (Đà lạt, Sa Pa): Trồng vụ Đông và Thu Đông
- Đối với vùng Đồng bằng Sông Hồng: Trồng vụ Đông
2. Chuẩn bị nhà che
Sử dụng nhà có mái che nilon, hệ thống bao quanh có thể hạn chế được mưa, nắng, nóng, gió rét, đảm bảo nhiệt độ khoảng 10- 250C.
3. Chọn củ giống
Đảm bảo được độ đồng đều, không bị dập nát, không trầy xước, sạch bệnh, đã bật mầm. Kích thước 10/12 cm, 12/14 cm. Trước khi trồng bóc sạch lớp vỏ cứng bên ngoài, sau đó cho củ vào ngâm trong thùng đã pha sẵn thuốc xử lý nấm (Ridomil gold 68WG, pha 100 gam với 16 lít nước hoặc Daconil 500SC, pha 15ml với 10 lít nước) khoảng 15 phút thì vớt ra đem trồng.
4. Chọn chậu trồng
Tùy mục đích sử dụng để chọn chậu trồng cho phù hợp về kích thước, chất liệu: Chậu có kích thước 17 x 21 cm trồng 5 củ, chậu có kích thước 13 x 15 cm trồng 3 củ.
5. Chuẩn bị giá thể
Giá thể đảm bảo độ tơi, xốp, thoát nước. Sử dụng một số vật liệu làm giá thể trồng Tulip (xơ dừa, trấu hun, mùn cưa, phân chuồng hoai mục).
Tỷ lệ phối trộn: ½ xơ dừa + ¼ trấu hun + ¼ phân chuống hoai mục
Hoặc: ½ xơ dừa + ¼ mùn cưa + ¼ phân chuống hoai mục
½ Mùn cưa + ¼ trấu hun + ¼ phân chuống hoai mục
Sử dụng dung dịch Mancozed 2%, Daconil 75WP, liều lượng 20g/20lít nước tưới đều vào giá thể. 40-50 lít dung dịch/1 m3 giá thể.
6. Kỹ thuật trồng, xử lý sau trồng
- Cho giá thể vào 1/3 chậu, đặt củ, (số lượng củ/ chậu phụ thuộc vào kích thước chậu, mục đích sử dụng), lấp đầy giá thể, tưới đẫm nước lần đầu, sau đó duy trì ẩm độ giá thể ở 70-75%.
- Ngay sau trồng đưa vào kho lạnh, nhiệt độ 8-100C, sau 5 ngày nhiệt độ 12-140C, sau 7-10 ngày đưa ra ngoài vườn sản xuất.
7. Kỹ thuật bón phân thúc
Sử dụng các loại phân tổng hợp cho tulip có thành phần vi lượng chứa Ca, Mg, Mn(Bình điền, đầu trâu...). Lượng phân bón tính cho 1.000 m2 (tương đương 55.000 củ). Hòa tan tưới trên gốc.
- Giai đoạn sau trồng 7-10 ngày: 14 kg NPK (20-20-15 + TE) + 0,8 kg supe lân
- Giai đoạn sau trồng 15-20 ngày: 8.5 kg NPK (13-13-13 + TE)
- Giai đoạn sau trồng 25-30 ngày: 5.5 kg NPK (16-8-16 + TE)
Ngoài ra, có thể phun bổ sung một số phân bón lá như: Đầu trâu 502 liều lượng 16-20g/bình 16 lít nước (sau trồng 10-15 ngày). Đầu trâu 702 liều lượng 16-20g/bình 16 lít nước giai đoạn lên ngồng (sau trồng 20-25 ngày).
8. Kỹ thuật điều khiển sinh trưởng cho tulip
- Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thời tiết tại thời điểm trồng, thời điểm cần thu hoạch mà có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp như sau:
- Để tăng tốc độ sinh trưởng, phát dục: Đưa vào điều kiện nhiệt độ cao hơn, nhưng không vượt quá 250C, kéo dài thời gian chiếu sáng và tăng thêm cường độ ánh sáng bằng thắp điện.
- Để giảm tốc độ sinh trưởng, phát dục: Đưa vào điều kiện nhiệt độ thấp hơn, nhưng không thấp quá 50C, che giảm ánh sáng bằng lưới đen.
THU HOẠCH, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN
1. Thu hoạch
Thu hoạch vào thời diểm khi nụ phình to và chuyển có màu. Có thể cắt cành, nhổ cây, để chậu.
2. Bảo quản và vận chuyển
- Bảo quản để hãm hoa: bao nụ hoa, đóng vào hộp caton để trong kho lạnh nhiệt độ 5-10oC trong thời gian 5 – 7 ngày.
- Bảo quản vận chuyển: Bao giấy cho từng bó/chậu hoa và cho vào thùng caton có đục lỗ để thông khí. Nếu vận chuyển xa nên dùng xe lạnh giữ ở mức 5-10oC.
PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
1. Sâu hại: Tulip rất ít bị sâu hại, một số loại sâu hại chính là:
- Sâu đục rễ, củ (Anoplophora chinensis Forster)
+ Triệu chứng: Sâu ký sinh mặt ngoài rễ, củ, hút dịch rễ, làm lá vàng, cây chết khô ở giai đoạn sinh trưởng, thối củ ở thời kỳ cất trữ củ.
+ Biện pháp phòng trừ: Không bón quá nhiều phân đạm; Dùng thuốc phòng trừ Basudin 10H rắc vào đất với liều lượng 1kg/ sào Bắc Bộ
- Sâu khoang ăn lá (Spodoptera litura)
+ Triệu chứng: Gây hại trong thời kỳ cây sinh trưởng, lá bị sâu ăn chất lượng hoa giảm, bị nặng bông không trổ thoát được.
+ Biện pháp phòng trừ: Sử dụng Pegasus 500SC từ 14-20 ml/16 lít nước hoặc Reasgant 3.6EC với liều lượng 10ml/16 lít nước. Phun khi cây có sâu hại.
2. Bệnh hại
- Bệnh thối gốc, thối củ (Rhizoctonia solanacearum)
- Triệu chứng: Gốc cây bị mềm, thối, có màu xanh tối, màu tro đen, rồi lan lên phía trên, lá bị vàng, nếu bệnh nặng, thân bị cong queo, dòn, gãy
- Biện pháp phòng trừ: Khử trùng, tiêu độc đất; dùng thuốc sát khuẩn phun vào giá thể trước khi trồng; giữ cho đất thoát nước tốt, không được để đất ẩm ướt lâu; che nắng để giảm nhiệt độ đất và giữ ẩm. Sử dụng một số loại thuốc: Daconil 75WP liều lượng 25-30g/bình16L, Ridomil Gold 68WG liều lượng 50-80 g/bình16L, Dupont Kocide 53.8DF liều lượng 15-16G/bình16L, phun hoặc tưới gốc cho cây. Phun khi cây bị bệnh hoặc định kỳ 7 ngày/lần.
- Bệnh teo nụ hoa (Flower blasting)
- Triệu chứng: Tất cả các bộ phận của hoa có màu xanh nhạt hoặc trắng và trở nên khô đi.
- Nguyên nhân:
+ Củ giống được bảo quản thời gian dài, sau đó được trồng khi có chênh lệch nhiệt độ quá cao
+ Những giống có kích thước hoa lớn thường bị teo nụ hoa nhiều hơn, kích cỡ củ nhỏ có nguy cơ bị teo nụ cao hơn củ lớn.
+ Độ ẩm tương đối cao, ngạt rễ.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tránh nồng độ etylen quá cao 0.1ppm trong quá trình bảo quản củ, loại bỏ những củ bị nhiễm nấm Fusarium để tránh sản sinh khí etylen
+ Bổ sung giai đoạn xử lý lạnh trung gian khi đem củ giống ra trồng
ThS. Mai Thị Ngoan
Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh