Hoàng Huy sinh ra tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ anh một mình nuôi hai anh em, cuộc sống thiếu thốn kéo dài suốt nhiều năm.
“Mẹ một mình nuôi 2 anh em. Ấn tượng nhất của những ngày đó là khổ và đói. Mà đói thật! Đến mức, những bữa ăn ngon lúc đó giờ còn nhớ. Mẹ đã cố gắng lắm rồi nhưng quả thực là không gồng gánh nổi”, Huy nhớ lại.
Sau khi học hết lớp 5, vì không đủ điều kiện để tiếp tục nuôi ăn học, mẹ Huy quyết định gửi anh vào trại trẻ mồ côi để anh có thể được ăn no và đến trường. Tại đây, Huy được học đến lớp 12. Còn ở nhà, người em trai được mẹ tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng.
Sau khi học xong THPT, Huy cùng những người trong huyện lên rừng tìm trầm ở khu vực Đông Gia Lai, đặc biệt là huyện Kông Chro. “Hễ nhắm rừng nào hơi hướng có trầm là đi. Em đã từng ở suốt 3 năm trong vùng rừng của huyện Kông Chro.
“Mọi người đi rồi về, còn em ở lại luôn. Lúc ấy, người bạn gần gũi nhất của em là con chó mang theo. Ở suốt, sục sạo khắp rừng tìm trầm. Tóc dài đến chấm thắt lưng, như người rừng ấy”, anh kể.
Ba năm giữa rừng sâu là những tháng ngày nhiều khó khăn. Có những trận ốm kéo dài không người thân chăm sóc, Huy phải tự mình chống chọi. Tuy vậy, cũng có lúc anh trúng “lộc rừng”, kiếm được tiền từ trầm hương quý giá.
Gây dựng trang trại chim màu từ năm 22 tuổi
![]() |
Anh Hoàng Huy hiện sở hữu trang trại chim màu lớn nhất Tây Nguyên. Ảnh: Báo Gia Lai. |
Năm 22 tuổi, Huy chọn An Khê làm quê hương thứ hai, lập gia đình và bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Vốn yêu thích chim từ nhỏ, anh nhanh chóng bắt nhịp với phong trào chơi chim cảnh, đặc biệt là chim màu đang phát triển tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Huy bắt đầu chơi chim từ khi còn nhỏ nên phần nào nắm được tập tính của một số loài. Năm 2016, anh tiếp cận với chim màu và đến năm 2020 bắt đầu xây dựng mô hình nuôi chim màu sinh sản với mục tiêu kinh doanh lâu dài.
Cặp chim chào mào bạch tạng đầu tiên anh mua với giá hơn 150 triệu đồng. Dần dần số lượng chim màu tăng lên. Lúc cao điểm, anh có cả trăm cặp chim sinh sản, đưa ra thị trường hàng trăm cặp chim mỗi năm.
Chim màu là những cá thể có màu lông khác biệt so với bình thường. Trong số đó, chào mào bạch tạng, hắc chào mào và hoàng mào là những loại được giới chơi chim đặc biệt săn tìm. “Giờ thì giá cũng đã hạ do các trang trại bên Thái Lan mở nhiều hơn với quy mô lớn. Mỗi cặp chim màu tại trang trại của em hiện có giá dao động trong khoảng 3,8–4 triệu đồng. Con nào đặc biệt thì có giá cao hơn”, anh cho biết.
Trong một tổ chim gồm ba con, chỉ có một con là hoàng mào – dòng chim có màu lông đặc biệt, thường được giới chơi chim định giá rất cao. Hiện nay, giá của loại chim hoàng mào dao động từ 10 đến 150 triệu đồng mỗi con, tùy vào đặc điểm nổi bật và nguồn gốc.
![]() |
Cặp chim chào mào bạch tạng quý hiếm tại trang trại của anh Huy. Đây là dòng chim đột biến có màu lông trắng và mắt đỏ. Ảnh: Báo Gia Lai. |
Chim màu tại trại của anh Huy được nuôi để bán trong nước và cả xuất cho người chơi ở các nước Đông Nam Á. Cá biệt, một số Việt kiều từ Mỹ và các nước khác cũng tìm mua chim màu từ trang trại.
Các cặp chim sinh sản được nuôi tách biệt, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng như cám, hoa quả và mồi tươi. Mỗi chuồng được thiết kế sinh cảnh gần giống tự nhiên, đảm bảo yên tĩnh để chim dễ bắt cặp và sinh sản.
Sau khi chim non nở, các cá thể này được tách ra khỏi bố mẹ để chăm sóc riêng, giúp chim mau phục hồi sức khỏe và rút ngắn thời gian đẻ lứa tiếp theo. Trung bình mỗi cặp chim sinh sản từ 5 đến 6 lứa mỗi năm, mỗi lứa khoảng 2 đến 3 con, nếu được chăm sóc tốt.
Việc mua bán, trao đổi chim ngoài các mối quen còn được anh thực hiện qua Facebook, TikTok. Anh cũng hợp tác trao đổi giống với các trại khác để đa dạng nguồn gen và tránh hiện tượng lai cận huyết.
![]() |
Một cá thể hắc chào mào (toàn thân màu đen) hiếm gặp tại trang trại của anh Huy. Ảnh: Báo Gia Lai. |
Trang trại lớn nhất Tây Nguyên
Trang trại của vợ chồng Huy nằm tại phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cũ (nay là phường An Bình, tỉnh Gia Lai mới), rộng hàng nghìn mét vuông. Đây được xem là cơ sở nuôi chim màu có quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên tính đến thời điểm hiện tại.
Ngoài nuôi chim màu để bán, Hoàng Huy còn phát triển thêm mảng nuôi chào mào để tham gia các cuộc thi chim cảnh. Theo anh, các cuộc thi dành cho chim màu hiện chưa phổ biến rộng rãi, chủ yếu mới được tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng.
Trong quá trình tham dự các cuộc thi chim, Huy đã giành được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ. Riêng phần thưởng bằng hiện vật, anh từng được tặng hàng chục chiếc xe máy. Toàn bộ số xe này được anh mang về quê để trao tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thay vì giữ lại cho cá nhân.
Huy cho biết hiện vẫn duy trì các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, nhất là với các em học sinh có hoàn cảnh tương tự như mình ngày trước.