Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Chúc mừng năm mới 2025
Saturday, February 15, 2025 11:26:45 PM

Hà Tĩnh: Triển khai kế hoạch xét tặng danh hiệu ‘Nghệ nhân’ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

11/02/2025

Mục lục

VNHS - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư.

 

Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại

 

Việc bình xét và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nhằm tôn vinh khích lệ những cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; mẫu mực trong thực hành; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ; truyền dạy được nhiều cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc một trong các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống, để xét chọn, trình Hội đồng cấp tỉnh đề nghị Hội đồng xét tặng cấp Bộ, Hội đồng xét tặng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư.

 

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”- Là phải trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. - Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ. Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

 

Lễ hội cầu ngư những ngày đầu năm là nét văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người dân xã Xuân Liên

 

Đối với tiêu chuẩn xét tặng “Nghệ nhân ưu tú” phải có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

 

So với những lần xét tặng trước đây, Nghị định 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024 có nhiều điểm đổi mới so với Nghị định 62/2014/NĐ-CP. Bên cạnh 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định trước đây gồm: Tiếng nói; Chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Trong Nghị định 93/2023/NĐ-CP có thêm loại hình "nghề thủ công truyền thống".

 

Hà Tĩnh có nhiều di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như: Lễ hội Sỹ - nông - công - thương ở Xuân Thành; Lễ hội đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót; Lễ hội chùa Chân Tiên ở Lộc Hà; Lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng; Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở thị xã Kỳ Anh, dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Ví Phường vải, Trò Kiều, hát Sắc bùa, hò Nam Khê, hò chèo cạn, đi cà kheo… Vì vậy, việc bảo tồn khai thác và phát huy các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, xanh, bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng và Nhà nước đặt ra như một vấn đề cấp thiết. Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

 

Xuân Bắc – Quang Toản

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng