Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 12:50:17 PM

Tính cấp thiết của việc xây dựng bộ chỉ số về môi trường rừng

12/11/2024

Mục lục

VNHS- Tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường quốc gia và ứng phó với biển đổi khí hậu. Điều này đã được khẳng định trong các báo cáo của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ chống mất rừng và suy thoái rừng. Các chỉ số môi trường rừng đã được xây dựng và tích hợp vào trong các chương trình phát triển của Liên hợp quốc, của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới. Các chỉ số này được xây dựng nhằm cung cấp thực trạng, thông tin và số liệu cần thiết về tình trạng, chất lượng và sự thay đổi của rừng cũng như ảnh hưởng của chúng đến môi trường, phục vụ cho việc hoạch định chính sách chiến lược quốc gia về môi trường, kinh tế, xã hội cũng như xác định các giải pháp cụ thể chống mất rừng và suy thoái rừng.

Xây dựng bộ chỉ số về môi trường rừng là việc làm rất cần thiết

Trong những năm gần đây, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về môi trường nói chung và về môi trường rừng nói riêng cũng đã được xây dựng khá đồng bộ và đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có các vấn đề quan trọng của môi trường rừng và chỉ số môi trường rừng như: Luật BVMT năm 2020, Luật Lâm nghiệp năm 2017, hàng loạt các Nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các chính sách về môi trường rừng, ứng dụng các chỉ số môi trường, CO2 rừng vào trong thực tiễn

Hơn thế nữa, Việt Nam đã chính thức áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong cả nước từ năm 2010 đến nay, điều này đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập đồng thời nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ, quản lý rừng. Ngành lâm nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận, vận hành theo hướng quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp... Thực tiễn này cho thấy cần thiết phải có bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng để hoạch định các chiến lược phát triển bền vững và tổ chức giám sát thực hiện các chương trình dự án của ngành, cũng như của quốc gia có liên quan.

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nâng cao thêm ý thức bảo vệ rừng của người dân

Qua công tác rà soát các quy định của pháp luật và kinh nghiệm trên thế giới, có thể nhận thấy tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách pháp luật liên quan đến rừng như Luật Bảo vệ Môi trường (2020), Luật Lâm nghiệp (2017), 13 năm kinh nghiệm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như việc ban hành Bộ chỉ số tang trưởng xanh trong đó có một số chi tiết liên quan đến lâm nghiệp. Những yếu tố này đã tạo những tiền đề quan trọng trong việc xây dựng bộ chỉ số môi trường rừng Việt Nam.Vì vậy cần phải phân tích, đánh giá một cách toàn diện những kết quả đã có về bộ chỉ số có liên quan kết hợp với kinh nghiemj trên thế giới để có định hướng cho các chỉ số cụ thể và cấu trúc bộ chỉ số, xây dựng, hướng dẫn cách tính và áp dụng thử để đưa vào thực hiện.

Theo đề xuất của GS. TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam, Bộ chỉ số về môi trường rừng cần có 5 tiêu chí cơ bản, đó là Quản lý rừng; Bảo vệ rừng; Phát triển rừng; Sử dụng rừng và Dịch vụ môi trường rừng. Các tiêu chí này sẽ được phần theo 3 cấp độ lần lượt là cấp tỉnh, cấp vùng và cấp Quốc gia.

Liên quan đến Bộ chỉ số CO2 rừng, GS.TS Võ Đại Hải cũng đề xuất 06 bộ chỉ số phân theo 3 cấp độ quản lý (tỉnh, vùng, quốc gia), cụ thể là các chỉ số sau:

  • Cường độ phát thải khí nhà kính
  • Lượng phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp
  • Lượng CO2 hấp thụ và lưu giữ của rừng
  • Diện tích rừng áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
  • Tổng tín chỉ CO2 rừng tạo ra
  • Tổng tín chỉ CO2 rừng đóng góp cho NDC quốc gia
  • Tín chỉ CO2 rừng đã được giao dịch, thương mại.

Trao đổi về vấn đề này, theo các chuyên gia về môi trường rừng, Bộ chỉ số về môi trường rừng cần nhắc đến vai trò của người dân địa phương đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cũng cần nhắc đến trách nhiệm của chủ rừng trong việc thực hiện mục tiêu NETZẺO mà Việt nam đã cam kết với quốc tế, những đóng góp của môi trường rừng vào tăng trưởng xanh cũng như tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Bảo vệ môi trường rừng là trách nhiệm của mọi công dân

Theo ông Phạm Quốc Chiến – Giám đốc Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ NN& PTNT), bộ chỉ số này cần bổ sung thêm về phần diện tích rừng trồng (ngoài rừng tự nhiên), đồng thời cần tính đến cả diện tích rừng được giao, vị trí, vai trò của người dân địa phương trong việc phát triển và bảo vệ rừng. Ngoài ra cần phải đưa cả diện tích các khu bảo tồn sinh quyển (Ramsa) vào trong bộ tiêu chí này.

 Xây dựng chỉ số môi trường rừng và chỉ số CO2 rừng là việc làm cần thiết để khẳng định vai trò của môi trường rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Các chỉ số này được xây dựng sẽ là công cụ hiệu quả giúp các cơ quan chức năng quản lý, đánh giá chính xác hơn những đóng góp của rừng đối với môi trường và kinh tế, trở thành nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với thách thức môi trường trong tương lai.

Đình Anh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng