Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Chúc mừng năm mới 2025
Wednesday, January 15, 2025 6:24:45 PM

Tìm hiểu về du lịch sinh thái

11/10/2022

Mục lục

Khái niệm du lịch, lữ hành hiện nay được sử dụng nhiều nhưng từ xa xưa, có thể là hàng mấy trăm năm trước đây người Việt Nam chúng ta đã thực hành một cách hoàn hảo, có tiết tấu, có lớp lang mà đến nay ta gọi là du lịch. Trước đây người ta gọi là trẩy hội hoặc du xuân (chơi xuân). Mùa xuân là mùa lễ hội. Xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp, mùa xuân hoa lá tốt tươi, lại là mùa nông nhàn, cho nên các lễ hội phần lớn diễn ra vào mùa xuân, như Hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Hội chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Hội Lim (Bắc Ninh), Hội chùa Hương (Hà Nội)… Tùy theo đặc điểm phát sinh và cấu trúc từng vùng mà tính chất lễ hội khác nhau. Trẩy Hội là hình thức Du Lịch của mọi nhà, mọi người. Ngoài việc đi trẩy hội, người ta còn đi chơi theo mùa vụ, năm tháng.

Lễ Hội Đền Hùng

Thơ cổ có câu:

  " Xuân du phương thảo địa.

   Hạ tẩm hồng liên trì,

  Thu ẩm hoàng hoa tửu,

  Đông ngâm bạch tuyết thi..."

 Nghĩa là mùa xuân đi chơi nơi có thơm, mùa hạ tắm nước ao sen hồng (cũng thơm), mùa thu uống rượu hoa cúc vàng và mùa đông ngâm thơ  cùng tuyết trắng. Đấy là cách thưởng thức du lịch theo mùa, theo chủ đề, có cảnh, có ẩm thực và có văn hóa.

 Nói về du lịch sinh thái thì Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) là lễ hội sinh thái (du lịch sinh thái) đặc sắc nhất với nhiều lý do sau đây:

Thứ nhất, Hương Sơn được xem là đệ nhất động với cảnh đẹp không nơi nào có được. (Phong Nha, Kẻ Bàng ở Quảng Bình mới được phát hiện những năm gần đây). Hương Sơn là nơi sơn thanh thủy tú, nhiều hang động đẹp, mỗi hang động lại có sắc thái và kì tích riêng.

Thứ hai, Lễ hội Chùa Hương là lễ hội dài nhất trong các lễ hội, kéo dài tới 3 tháng, suốt cả mùa xuân.

Thứ ba, Chùa Hương là nơi có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng:

Du khách vãn cảnh Chùa Hương 

  a/ Tài nguyên thiên nhiên phong phú;

   - Động thực vật phong phú

  - Khí hậu ôn hòa, mùa hè không quá nóng, mùa đông không quá lạnh.

  - Địa mạo đặc sắc tạo nên những Đụn tiền, Lẫm gạo, Voi phục.

  - Cảnh quan sinh động với suối Yến, thung Mơ. Suối Yến uốn quanh lượn khúc, in bóng cảnh trời mây. “Quái nhỉ, nước sông trong suốt đó. Người rằng: bến “Đục” khéo vu vơ. (Trần Huy Luyện)

 b/ Tài nguyên nhân văn đặc sắc:

- Hệ thống chùa có lớp lang, đầu tiên là Đền Trình, nơi trình báo nhập cửa đầu tiên rồi mới đến các chùa khác như Thiên Trù, Hinh Bồng, Giải Oan v.v… mỗi chùa ở trên một sườn núi khác nhau, mỗi chùa có một sự tích, một ước vọng khác nhau.

- Người ta đến để cầu tài, cầu lộc, cầu tự.

- Nhiều thơ ca về Chùa Hương để lại dấu ấn văn hóa đặc sắc. Đôi câu đối ở đền Trình được dịch ra như sau: Tướng của núi, thần của dân, lẫm liệt ngàn thu dấu đẹp. Nước là thành, non là trấn, uy nghi một cảnh đền thiêng. Câu đối trên nói lên cảnh uy nghiêm của Hương Sơn, thờ một anh hùng dã sử của bộ tướng thời vua Hùng có công dẹp giặc cứu nước. (Trần Lê Văn 1999).

Ngày xưa khí hậu chưa biến đổi, Hương Sơn là nơi rừng núi âm u, huyền ảo, thơ cổ mô tả là  nơi “mây khách khứa, nguyệt anh tam”, (tiếng cổ anh tam là anh em), tức là rất gần trời, mây vào ra như khách, trăng (nguyệt) gần gũi như anh em. Vì vậy Đền Trình trước  đây (1958) có câu thơ trước cửa Đền là: Mây che, nắng tỏa cõi vàng, đường vào luống những mơ màng bâng khuâng. (Tiếc rằng cảnh ấy ngày nay không còn nữa và người ta đã làm đường ô tô đi thẳng từ bến Đục vào đền Trình song song với suối Yến).

Hương Sơn còn là nơi có nhiều thơ ca nổi tiếng của các tác giả như Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Phạm Hàm, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Tản Đà v.v… Tản Đà đã ví cảnh Hương Sơn như một bức tranh tình (Một bức tranh tình trải mấy thu!)

c/ Sản phẩm du lịch đặc sắc:  đấy là mơ Hương Tích, rau Sắng chùa Hương. Mơ Hương Tích là mơ núi đá, thơm mát, chua nhẹ nhàng. Người Hà Nội xưa thích dùng mơ Hương Tích làm nước giải khát, ô mai, hoặc rượu mơ. Rau Sắng cũng sinh trưởng trên đất núi đá, là rau có nhiều đạm thực vật và vitamin, thơm ngọt lạ lùng và càng nổi tiếng sau bài thơ của Tản Đà:

"Muốn ăn rau Sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.

Mình đi ta ở lại nhà,

Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm!"

Bài thơ sau khi ra đời độ một tuần thì ông nhận được gói bưu phẩm từ bưu điện kèm theo bài thơ họa lại như sau:

"Kính dâng rau Sắng chùa Hương

Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa.

Không đi thì gửi lại nhà

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm"

Bài thơ không đề rõ tên người gửi và không có địa chỉ. Ôi tình bạn các cụ ngày xưa mới tao nhã làm sao, đâu phải cứ giáp mặt mới làm bạn? Đây cũng là nét nhân văn đặc sắc của du lịch Chùa Hương mà không nơi nào có được.

Qua thí dụ trên (trẩy hội Chùa Hương) để chúng ta có thể hiểu sơ bộ thế nào là du lịch sinh thái (khác với Hội Lim là du lịch ca hát, Hội chùa Yên Tử là du lịch tâm linh). Nơi có đầy đủ các yếu tố sinh thái là nơi đến hấp dẫn nhất. Các yếu tố sinh thái đó là: Địa hình, địa mạo, địa chất, thủy văn, khí hậu, thực vật và yếu tố nhân văn (con người). Ở Hương Sơn các yếu tố Sơn, Thủy, Thực vật, Địa hình, Địa Mạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau như hình với bóng không bao giờ tách rời.  Các yếu tố sinh thái đều quan trọng nhưng yếu tố Thực vật là quan trọng nhất vì nó là nhân tố sinh thái có thể làm thay đổi hoàn cảnh sinh thái như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí v.v… làm thay đổi điều kiện tiểu khí hậu. Không ai đi du lịch ở nơi đồi trọc, cát bụi chỉ có nắng và gió, mà thường chọn nơi sơn thanh thủy tú, hoa thảo tốt tươi.

Do thực vật quan trọng như vậy, người ta mở rộng khung cảnh du lịch thành du lịch tự nhiên hay du lịch Rừng là để tạm xa khối bê tông cốt thép khô cứng ở đô thị và giảm bớt áp lực cuộc sống.  

Cuộc sống thời đại công nghiệp luôn hối hả, giao thông phát triển, một bước lên xe, con người ít vận động (nhất là những người làm ở văn phòng), ăn uống nhiều dinh dưỡng nên thường phát sinh các bệnh huyết áp, tim mạch, mất ngủ v.v… Du lịch rừng nhằm giảm áp lực; Màu xanh thực vật có tác dụng tốt với mắt, điều tiết đại não, trong rừng lại có nhiều ion âm, tốt cho đại não, nâng cao lượng oxy trong máu, xúc tiến tuần hoàn máu tốt. Khi xây dựng các khu du lịch rừng cần trồng nhiều loài cây khác nhau, các loài cây đó lại có chỉ số năng lượng cao (chỉ số Bovis), nhiều màu sắc lá và nhiều hương hoa khác nhau, chú ý tránh các loài cây độc hại.

Mở rộng ra, ngoài việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, chúng ta có thể xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng bằng cây xanh, chữa các bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ, huyết áp… kết hợp với ẩm thực từ các nguyên liệu của rừng trồng tại chỗ; luyện tập dưỡng sinh Tâm thể chữa bệnh không dùng thuốc chẳng tốt lắm sao? Qua điền dã chúng tôi biết được người Dao ở Ba Vì (Hà Nội) đã dùng lá cây trà hoa vàng để chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh. Những nghiên cứu gần đây đã cho biết tác dụng nhiều mặt của trà hoa vàng (Tạp chí VNHS số 7 – 2021)

Nước ngoài người ta đã bước đầu xây dựng các bệnh viện cây xanh. Các chuyên gia y học đã căn cứ vào tác dụng trị liệu, diệt khuẩn, giúp bệnh nhân hồi phục bằng hương hoa mà không cần dùng thuốc, như lá cây họ tùng bách có khả năng trị bệnh lao phổi, từ trường của cây trẩu có khả năng hạ huyết áp, từ trường của cây trúc có tác dụng điều hòa tỳ vị, từ trường của cây tùng la hán giúp con người nâng cao tuổi thọ. Những người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh sống trong rừng tùng la hán thì sức khỏe nhanh chóng phục hồi. (Lý Đức Hùng)

GS: Ngô Quang Đê

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng