Triễn lãm Bonsai và Suiseki Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 tại Manila, Philipine 70 Năm chiến thắng Điện Biên Phủ Xuất nhập khẩu các sản phẩm nông thủy hải sản từ các thị trường Australia, Trung Quốc, Việt Nam, EU, USA Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Vinhomes - Nơi hạnh phúc ngập tràn Toyota Việt Nam Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Tổng Công ty Viễn thông Viettel - Viettel Telecom Vinfast - Oto Việt - Mãnh liệt tinh thần Việt Nam Tổng công ty Viễn Thông MobiFone

Hoa và hương hoa trong cuộc sống

25/08/2022

Từ ngàn xưa, cỏ cây hoa lá đã trở thành máu thịt của con người Việt Nam. Cái gì đẹp đều gọi là hoa “người ta là hoa của đất”. Nhiều người đã lấy tên hoa đặt tên cho con gái, mong cho con mình đẹp như hoa, nhưng phải là một thứ hoa hương sắc vẹn toàn.

Ở một số nước Á Đông, người ta còn dùng hương hoa để chữa bệnh và dùng hoa để bày tỏ tấm lòng thành kính đối với người đã khuất. Ngày lễ ngày Tết mà thiếu hoa thì thật là tẻ nhạt. Tết với hoa như duyên tao ngộ. Thơ ca, âm nhạc và hoa làm cho cuộc sống con người hài hòa hơn, tốt đẹp hơn. Con người thưởng thức hoa không những ở sắc màu và hương thơm mà còn ở giá trị tinh thần và những tình cảm sâu lắng nhất mà con người muốn gửi gắm cho hoa. Hoa đã đi vào tâm hồn con người bằng mọi nẻo đường: tình yêu, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ. Những kẻ xa quê, mỗi lần thấy mai hé nụ là mỗi lần nhớ Tết và nhớ về quê mẹ. Những lúc ấy, dù vui hay buồn, chỉ cần một chút hương mai hoặc một cánh mai nhẹ nhàng rơi vào tà áo hay mái tóc cũng cảm thấy lòng xao xuyến bâng khuâng...

Thung lũng hoa Hồ Tây
Thung lũng hoa Hồ Tây

     Hoa như thiếu nữ tuổi trăng tròn, tinh mơ và diễm lệ. Hoa đem lại niềm vui và hy vọng cho mọi người, là niềm cảm hứng vô tận của thi nhân. Hoa và hương hoa sẽ làm tăng sự cao sang và giúp cho con người nẩy nở nhân cách để vươn tới cái đẹp, cái đáng yêu. Nhà văn Sơn Nam cho biết ông cha mình xưa kia thường qua nhà hàng xóm xin hoa đem về trưng tết, ít ai mua hoa bao giờ.

  Ngày nay, hoa đã đi vào cuộc sống. Chính nhờ sự giàu có của hoa, sắc màu và hương hoa đã làm cho cuộc sống con người phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Hoa dùng để mừng thọ, mừng sinh nhật, tiếp khách, tặng cho người thân hoặc tiễn đưa người quá cố. Các nhà khoa học cho rằng các mùi thơm tỏa ra từ hoa lá cỏ cây có tác dụng làm an thần và hạn chế được các loài vi khuẩn. Hoa làm cho con người sảng khoái và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng .

Vườn hoa ở Đà Lạt
Vườn hoa ở Đà Lạt

  Mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng, một thứ ngôn ngữ diệu kỳ và vô cùng tinh tế, đủ sức lay động lòng người và giúp con người xích lại gần hơn. Hoa có thể nói hộ cho tình yêu mà đôi khi ngôn ngữ đời thường không sao nói hết được. Hoa còn là sứ giả của tình yêu, của thiện chí và hoà bình. Trong buổi lễ khai mạc 100 năm du lịch Sapa, Ban Tổ chức đã cử 100 cô gái trẻ đẹp mang 100 bó hoa rừng, sản phẩm của quê hương Lào Cai để tặng cho các đại biểu. Tất cả những hành động đó thật là văn hoá và đáng trân trọng. Có lẽ vì hoa và hương hoa đã làm cho chất lượng cuộc sống nâng lên nên Ông Okakura Kakuzo, tác giả cuốn Trà đạo đã bày tỏ tình yêu của mình đối với hoa: “Thiếu hoa làm sao ta có thể sống được…”.

Vườn hồng cổ Sapa
Vườn hồng cổ ở Sapa
 

  Tuỳ theo phong tục, tập quán, hoàn cảnh địa lý và lịch sử, mỗi dân tộc, mỗi vùng văn hoá - tộc người đều có một loài hoa tiêu biểu. Người phương Tây rất chuộng hoa hồng. Liên Xô coi hoa hồng là nữ hoàng của các loài hoa. Ở phương Đông, người Trung Quốc gọi lan là “Sơn lâm mỹ nhân”, và có lúc lại tôn vinh hoa mẫu đơn. Nước Nhật còn gọi là “Xứ sở hoa anh đào” và trong quốc huy của người Nhật lại có hình hoa cúc. Trong nền văn hoá dân tộc nước ta thường đề cập đến hoa nhài, hoa lan hoặc cúc, sen, mai, đào… trong đó mai vàng được coi là sứ giả của mùa xuân phương Nam và đào là biểu tượng của mùa xuân Thăng Long - Hà Nội. Mới đây, nhiều người đã bình chọn hoa sen là loài hoa tiêu biểu cho tâm hồn Việt Nam. Còn ở Tây Bắc, hoa Ban lại là hoa của tình yêu đối với người con gái Thái. Phụ nữ Thái có câu hát “Mỗi mùa hoa Ban về lại trẻ ra không già”. Lịch sử nước ta cũng còn ghi lại nhiều vườn ngự uyển nổi tiếng dưới đời Lý, Lê, Trần…

Hoa  ban Tây Bắc
Hoa ban Tây Bắc

  Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về là trăm hoa đua nở. Hoa theo dòng người vào các phố phường, hoa làm rạng rỡ mọi nơi. Nhà thơ Lưu Trong Lư cho rằng: không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa và ở đâu có hoa là ở đó có tấm lòng thơm thảo. Nhà thơ Chế Lan Viên khi viết về hoa có nhắc lại lời của cố TBT Lê Duẩn: “Người ta cần xem hát xem hoa, xem hát xem hoa làm cho tình cảm con người trong sáng hơn, có văn hoá hơn”.

 Con người trong những lúc sung sướng hoặc đau khổ cũng đều thích gần gũi với hoa vì hoa là biểu tượng của cái đẹp, của những tình cảm sâu lắng nhất. Cho nên ngày Tết dù giàu hay nghèo, trong nhà cũng có một bình hoa để dâng lên tổ tiên. Đặc biệt là Tết ở miền Nam thì không thể thiếu hoa mai. Hoa mai là linh hồn của ngày Tết phương Nam trong lúc xuân về.

Hoa Mai
Hoa mai

  Ông cha ta rất tinh tế và thâm trầm trong cách chọn hoa và thưởng hoa. Đối với các cụ, hoa dù rực rỡ tới đâu mà thiếu hương như “Phù dung sớm nở tối tàn” cũng đều bị xếp vào loại “hữu sắc vô hương”. Về màu sắc và hương hoa, các cụ cũng không thích những cái lộ liễu non nớt, hời hợt mà lai thích những gì ý nhị, sâu lắng, kín đáo, có mùi hương thanh khiết, nhẹ nhàng. Ngày nay, đa số người chơi hoa, cắm hoa, tặng hoa đều có xu hướng chọn màu sắc. Tuỳ theo sở thích và nhu cầu người ta có thể chọn nhiều loại hoa khác nhau, nhiều màu sắc khác nhau từ những thứ “hương đồng cỏ nội” cho tới những loại cao sang, quý giá đắt tiền.

Hoa đào
Hoa đào

  Người phương Đông coi việc trồng hoa, ngắm hoa và thưởng hoa là một thái độ đạo đức vì nó giúp con người hướng tới cái đẹp, cái tốt lành. Cái đẹp của hoa mà chúng ta thưởng thức hôm nay trước hết là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Không dễ có một dân tộc nào yêu hoa và sành điệu về hoa như dân tộc mình.

Hoài Phương 

0 Bình luận

Tin tức khác

TextFooter
Thông báo
Đóng