Trong không khí rộn ràng của Festival Huế 2025, sự kiện "Triển lãm cây kiểng, phong lan, đá cảnh ba miền và các hoạt động trình diễn, trải nghiệm sản phẩm làng nghề Huế, nghệ thuật thưởng trà, ẩm thực" chính thức khai mạc từ ngày 26/4 đến 2/5/2025, tại khu vực Hoàng cung Huế. Đây không chỉ là một cuộc hội ngộ nghệ thuật sinh vật cảnh ba miền, mà còn là dịp đặc biệt tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo tồn di sản cố đô.
Lễ rước và cung tiến cây vào Đại Nội
Mở đầu chuỗi hoạt động là lễ rước cây và cung tiến phong lan, cây kiểng diễn ra lúc 6h sáng ngày 26/4/2025 tại sân Thế Miếu. Trong ánh bình minh của đất cố đô, những đoàn nghệ nhân áo dài chỉnh tề, tay nâng niu các tác phẩm cây kiểng, phong lan quý hiếm, trang trọng tiến vào Đại Nội.
 |
Các tác phẩm cây kiểng, phong lan quý hiếm được đặt trên các kiệu khiêng vác vai cẩn thận tiến vào Đại Nội. |
 |
Một tác phẩm hoa phong lan trên đường tiến vào Đại Nội tại sự kiện rước cây sáng nay. |
Hình ảnh hàng trăm tác phẩm được cung tiến – từ những chậu địa lan xứ lạnh tinh tế, giò lan rừng phóng khoáng, cho đến những dáng thế bonsai công phu, uốn lượn theo triết lý phương Đông – như một cuộc dâng hiến vẻ đẹp của thiên nhiên cho không gian linh thiêng của hoàng cung xưa. Lễ cung tiến không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với di sản văn hóa Huế mà còn mở đầu cho triển lãm bằng một nghi thức thiêng liêng, trang trọng, gợi nhắc về những giá trị trường tồn giữa đất trời và lòng người.
 |
Lễ cung tiến không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với di sản văn hóa Huế mà còn mở đầu cho triển lãm bằng một nghi thức thiêng liêng. |
Hội tụ tinh hoa ba miền
Ngay sau lễ cung tiến, triển lãm chính thức khai mạc tại Phủ Nội Vụ, với sự hiện diện của lãnh đạo thành phố, các nghệ nhân, du khách và đông đảo người yêu nghệ thuật sinh vật cảnh. Sự kiện quy tụ hơn 600 nghệ nhân và hàng ngàn tác phẩm đến từ ba miền Bắc – Trung – Nam. Từ các chi hội sinh vật cảnh ở Lào Cai, Hà Nội, đến các nhà vườn ở An Giang, Cần Thơ, mỗi vùng miền mang theo những vẻ đẹp riêng, tạo nên một bức tranh đa sắc giữa lòng Hoàng cung.
 |
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, PCT kiêm Tổng thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (áo trắng, thứ 3 từ trái sang) cùng các vị khách quý và ban tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm. |
Tại vườn Thiệu Phương, không gian hoa phong lan tràn ngập hương sắc với đủ các loài quý: hồ điệp, phi điệp, địa lan, giả hạc... Đan xen là khu vực vườn Cơ Hạ, nơi các tác phẩm cây kiểng, đá cảnh được sắp đặt khéo léo, tôn vinh bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân. Phủ Nội Vụ thì rộn ràng sắc màu với trưng bày sản phẩm làng nghề Huế như gốm Phước Tích, nón bài thơ, tranh thêu, cùng các hoạt động trải nghiệm ẩm thực cung đình đặc sắc.
 |
Hình ảnh một số tác phẩm được cung tiến vào Đại Nội sáng nay |
Hoạt động phong phú, trải nghiệm đậm chất Huế
Ngoài thưởng lãm, chương trình còn có các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như: Trình diễn tay nghề tạo tác cây kiểng vào 9h ngày 27/4 tại vườn Cơ Hạ, nơi du khách được chứng kiến trực tiếp quá trình tạo dáng, uốn thế bonsai tinh xảo. Giới thiệu nghệ thuật thưởng trà tại vườn Thiệu Phương, tái hiện không gian trà đạo thanh tịnh, đậm tinh thần phương Đông.
 |
Lễ rước cây kiểng và hoa phong lan diễn ra từ 6h sáng với nhiều nghi lễ trang nghiêm. |
Giao lưu văn nghệ với các câu lạc bộ sinh vật cảnh trên toàn quốc, mở màn từ chiều 25/4 tại Xuân Hòa - Thủy Vân, tạo bầu không khí giao lưu sôi nổi trước thềm triển lãm.
Đặc biệt, từ 26/4 đến 1/5, vườn Thiệu Phương và Phủ Nội Vụ sẽ mở cửa miễn phí từ 18h00 đến 21h30, cho phép du khách và người dân thưởng lãm vẻ đẹp lung linh huyền ảo của hoa, cây kiểng dưới ánh đèn nghệ thuật giữa không gian cổ kính Đại Nội.
 |
Triển lãm còn có sự tham gia của 25 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2024 đến từ mọi miền của tổ quốc. |
Nghĩa cử đẹp từ những nghệ nhân
Điểm sáng của chương trình năm nay là hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa: nhiều nghệ nhân không chỉ tham gia trưng bày mà còn tài trợ thêm kinh phí và đóng góp các tác phẩm quý để tổ chức đấu giá gây quỹ. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được ủng hộ cho Quỹ “Xoá nhà tạm” và Quỹ “Bảo tồn Di sản Huế”. Hành động này càng thắp sáng ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho Festival, biến những giá trị nghệ thuật thành hành động thiết thực vì cộng đồng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: "Sự kiện không chỉ tôn vinh tài năng nghệ thuật của các nghệ nhân mà còn hướng đến việc gắn kết nghệ thuật sinh vật cảnh với việc bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch sinh thái bền vững và bảo vệ môi trường."
 |
Dự Festival Huế 2025, đoàn công tác Hội Sinh vật cảnh Việt Nam có buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về sinh vật cảnh với CLB Bonsai TP Huế trong không khí chân tình, ấm áp vào chiều 25/4 tại An Bình Garden. |
Festival Huế 2025, với chuỗi sự kiện phong phú, đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của Huế như thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, nơi ký ức và hiện tại cùng thăng hoa trong từng nhịp sống, từng nhành cây, cánh hoa khoe sắc trong lòng Hoàng cung cổ kính.
Bích Bông