Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:22:29 PM

Nghi vấn có Gấu ngựa xuất hiện tại khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

10/11/2024

Mục lục

VNHS - Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, (Thanh Hóa), vừa qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ "Điều tra đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gấu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (giai đoạn 2023 - 2025)”, lực lượng chức năng đã phát hiện những dấu vết về việc xuất hiện các thể gấu ngựa tại Khu bảo tồn này.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nằm trong địa phận các huyện Quan Hóa và Mường Lát (Thanh Hóa).

Cụ thể, qua đặt bẫy ảnh, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cá thể gấu ngựa và hàng chục vết cào cấu trên vỏ thân cây trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa. Đây là một loài động vật đã được đưa vào sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN) vì nó đang bị đe dọa tuyệt chủng và cần được bảo tồn.

Nhiệm vụ của đơn vị sẽ đang đánh giá hiện trạng phân bố, đặc điểm sinh thái học, thức ăn và sinh cảnh sống, các mối nguy cơ đe dọa, xây dựng được kế hoạch quản lý, bảo tồn đối với các loài gấu.

Kết quả tính đến hiện tại, cán bộ kiểm lâm đã phát hiện ra loài gấu ngựa với quần thể các con đực, con cái, con nhỏ và ghi nhận 39 vết cào của gấu trên vỏ thân cây và 5 lần ghi nhận cành cây có quả bị gấu bẻ tụm lại như tổ.

Hình ảnh vết cào cấu trên thân cây được lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu ghi nhận.

Ông Đàm Duy Đông, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết: đơn vị đã phối hợp với bên tư vấn, thực hiện hoạt động điều tra thực địa, xác định hiện trạng phân bố quần thể các loài gấu bằng phương pháp điều tra theo 51 tuyến và đặt 115 lượt đặt bẫy ảnh trong các tiểu rừng đặc dụng, nhằm khẳng định sự có mặt hay vắng mặt của các loài gấu tại khu bảo tồn. Đồng thời, xác định tập tính, đặc điểm sinh học, thành phần thức ăn, sinh cảnh sống, yếu tố đe dọa đến môi trường sống và nguy cơ suy giảm quần thể các loài gấu; xây dựng hệ thống bản đồ ghi nhận các điểm, tuyến, vùng phân bố của các loài gấu tại khu bảo tồn… qua đó, xây dựng được kế hoạch hành động để tìm ra các giải pháp bảo tồn các loài gấu quý hiếm, phục vụ việc duy trì nguồn gen lâu dài.

Gấu ngựa, có tên khoa học là Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus, còn được biết đến với tên gọi Gấu đen Tây Tạng, Gấu đen Himalaya, hay gấu đen châu Á.

Được biết đây là loài thú cỡ lớn, nặng 80 -180kg (trong nuôi nhốt có thể 200kg). Gấu ngựa có dáng thân thô béo, trán rộng, tai tròn; chân trước và chân sau có 5 ngón; vuốt khoẻ nhọn và cong; đi bằng bàn; bàn chân sau dài có gót gần giống dấu bàn chân người.

Một cá thể được cho là Gấu ngựa xuất hiện trong bẫy ảnh đặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Bộ lông dài thô mầu đen tuyền, lông hai bên cổ dài tạo thành bờm. Gấu ngựa có chiều dài khoảng 1,30 - 1,90 m. Con đực cân nặng khoảng 110 – 150 kg còn con cái nhẹ hơn, khoảng 65 – 90 kg. Tuổi thọ của gấu khoảng 25 năm. Điểm nổi bật ở loài vật quý hiếm này là ngực có yếm hình chữ V mầu vàng nhạt hoặc trắng bẩn. Đuôi rất ngắn, không thò ra khỏi bộ lông.

Gấu ngựa là những con thú rất hung hăng đối với con người (hơn nhiều so với gấu đen Mỹ), có nhiều ghi chép về các cuộc tấn công gây thương vong của gấu ngựa. Điều này có lẽ chủ yếu là do gấu ngựa sống gần với con người và tấn công khi nó bị giật mình. Không chỉ vậy gấu ngựa là loài ăn tạp, chúng ăn các loại thức ăn như hoa quả, quả mọng, cỏ, hạt, quả hạch, động vật thân mềm, mật ong và thịt (cá, chim, động vật gặm nhấm cũng như các động vật có vú nhỏ hay xác súc vật).

Loài gấu quý hiếm ở Việt Nam là gấu ngựa đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Quần thể gấu trong tự nhiên ở Việt Nam hiện đã suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể gấu, đặc biệt là túi mật sử dụng cho mục đích làm thuốc đông y. Chính vì vậy, Gấu ngựa được đưa vào danh sách trong sách đỏ của IUCN (Hiệp hội bảo tồn thế giới) như là loài dễ bị thương tổn trong số các động vật đang bị đe dọa.

Các hoạt động khai thác mật gấu tồn tại ở Việt Nam thường bất chấp luật pháp ngăn cấm vì rất nhiều nguyên nhân, như quan niệm chích hút và sử dụng mật gấu không phải là một hành động trái đạo đức, hay xuất phát từ truyền thống văn hóa và quan niệm lâu đời về công dụng chữa bệnh của mật gấu.

Để bảo tồn loài gấu quý hiếm này, cơ quan chức năng cần vào cuộc và bản thân mỗi người dân phải ý thức tầm quan trọng của việc bảo tồn các quần thể động vật quý hiếm.

Liên Hương

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng