Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Thursday, November 21, 2024 3:47:14 PM

Chơi Đá Cảnh - Không phải ai cũng rành

22/07/2022

Mục lục

Chơi đá, Hán tự gọi là ngoạn thạch, đòi hỏi nghệ thuật rất công phu, là một thú chơi tao nhã có từ lâu đời, biến hóa và tích hợp nhiều bộ môn khác nhau nhằm đúc kết đa dạng các mặt văn hóa, nghệ thuật, một cách hài hòa, trác tuyệt.

Cổ nhân cho rằng, đá có dạng thức đẹp, trang nhã, sắc màu sống động là kết tụ linh khí của vũ trụ tạo nên. Với nguồn đá phong phú, đa dạng hiện nay, đã đáp ứng cho người chơi đá thỏa mãn phần nào cái diệu nghĩa triết lý thâm trầm, tịch tịnh. Người chơi đá còn phải khổ công phơi nắng, hứng sương nhằm tạo cho đá tăng sắc đẹp, đôi lúc tưới cho đá khỏi bị khô cằn, không bị phong hóa, giữ gìn cho đá có sắc màu nguyên thuỷ.

Trong Đề khoản bức vẽ Tắc Thiên Thạch Phổ có đoạn trích dịch:

Đá tựa hồ đoàn trải vạn niên

Tới nay chán kẻ đến tham thiền

Mười năm nếu được tâm như đá

Ngồi rách hồ đoàn, ngộ Đại thiên

Đá vốn vô ngôn, nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, tựa hồ quả núi hùng vĩ, kiên định, thể hiện cái linh khí của đất trời, cái lãng mạn hào phóng của hóa công, biểu hiện đường nét trầm tịnh và cương ngạnh, kiên trinh và phác thực. Quan niệm rằng đá là vô ngôn, nhưng ngôn vô bất tận. Thật diệu kỳ thay ! lý thú thay ! Vâng, chơi đá đúng là một thú tiêu nhàn một diệu dược, một phẩm trợ đạo thân, dắt ta về tánh bản nhiên tự tại.

Khi có dịp luận bàn cùng các bậc tiền bối trong làng sưu tập đá cảnh, họ bảo với nhau chơi đá không như chơi cây cảnh, cứ trồng và nuôi dưỡng là đạt ý đồ tạo dáng, hoặc như bonsai cố dụng công cũng có thể gặt hái được kết quả theo mong muốn. Còn chơi đá khẳng định phải có nhân duyên mới truy tìm được cục đá như ý, vì đây là món quà vô giá của thiên nhiên mà con người không thể tạo tác được. Thiệu Ông đời Tống, có làm bài thơ ngũ ngôn:

“Nhơn bất thiện thưởng hoa – chỉ ái hoa chi mạo

Nhân hoặc thiện thưởng hoa – chỉ ái hoa chi diệu”

(Người không biết ngắm hoa, chỉ yêu vẻ đẹp của hoa.

Người biết thưởng thức hoa, yêu cái thần diệu của hoa).

Bài thơ trên, ngụ ý chỉ thần diệu của hoa, hơn hẳn sắc màu bên ngoài của hoa, tức nội dung quan trọng hơn hình thức. áp dụng vào thú chơi đá, người ngoạn thạch luôn quan tâm cái nội hàm của cục đá hơn hẳn cái hình sắc bề ngoài của cục đá. Ví dụ vẻ đẹp bên ngoài của con người là xác thân, phần bên trong của con người mới là “hồn phách”.

Ở nước ta, đá là đối tượng được phụng thờ rất sớm. Qua Việt Điện U Linh (thế kỷ XIII) ta được biết, Tục thờ đá là tín ngưỡng có từ thời An Vương Dương: Thần Cao Lỗ là một Thạch Thần. Đến khi đạo Phật du nhạp vào nước ta dung nạp rộng rãi nền văn hóa với tín ngưỡng tứ pháp: Vân - Vũ - Lôi - Điện thì đối tượng phụng thờ vẫn ghi đậm tục thờ đá: Thạch Quang Phật. Việc thờ đá vẫn còn duy trì đến nay, cho dù trải qua nhiều tác động biến thiên của lịch sử.

Truyền thuyết dân gian đã phổ biến khá rộng rãi trong quảng đại chúng về chuyện người hóa đá, điển hình chuyện Hòn Vọng Phu, Hòn Phụ Tử, Nàng Tô Thị hay như Núi Bà Đội Om ở Miền Thất Sơn An Giang.

Bằng vào tư duy sáng tạo tuyệt vời của con người đã làm đá trở nên có hồn, bằng vào trí tưởng qua hình dạng của đá mà đặt tên, cụ thể như Núi Két – Núi Tượng, Núi Thiên Bút, Núi Thiên ấn, Hòn Trống Mái, Hang Đá Dựng, Thạch Động, Hang Thạch Sanh Hà Tiên. Bằng vào phương pháp trông mặt đặt tên chứng tỏ cổ nhân đã quan tâm đến hình dạng của núi đòi và đặc điểm tạo hình của đá để định danh là một trong những cách ngoạn thạch mang tính giản đơn.

Gần đây, Bình Định là nơi cung cấp đá cho những người chơi đá cảnh trong nước rất dồi dào, các loại đá được chuộng, gồm sáp vàng (hoàng lạp), huyền vũ, vỏ lê, vỏ dưa, (kim qua), hóa thạch, trầm tích, mai rùa (qui giáp) vân thạch (đá có vân).

Tóm lại, đá tự thân hàm chứa tính tịch tịnh, do đó, người chơi đá phần lớn không thích loại sắc đá lộng lẫy. Màu đá được ưa thích là màu đen của hắc thạch, màu vàng của hoàng thạch, màu đỏ của hồng thạch. Nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên của đá, độc đáo là giữ nguyên hình dạng của đá. Sự gia công đục đẽo làm thay đổi đá theo ý muốn của mình là đi ngược nguyên lý tối hậu của thú chơi đá, biến đá thành sản phẩm nhân tạo, mất đi chất nhiên tính là hành động can thiệp thô bạo, không thể chấp nhận.

Phạm Chi

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng