Người trồng cây vải này là cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848). Theo ghi chép, trong một lần đi buôn hoa quả từ Hải Dương (cũ) sang Hải Phòng, cụ Cơm được ăn thử một loại vải ngon tại đám cưới của người Hoa Kiều. Cụ mang ba hạt vải về gieo trồng, nhưng chỉ một cây sống và phát triển thành cây vải tổ ngày nay, cho ra trái có hương vị đặc biệt. Từ cây này, cụ Cơm đã chiết cành, nhân giống rộng rãi cho người dân trong vùng và nhiều nơi khác.
![]() |
Với người dân Thanh Hà, cây vải tổ là báu vật và là biểu tượng cho giống vải thiều nổi tiếng nơi đây. Gia đình cụ Cơm, đặc biệt là ông Hoàng Văn Liệm cháu đời thứ 5, luôn chăm sóc cây cẩn thận. Ông cho biết, quả của cây nhỏ, vỏ đỏ, cùi dày, giòn và ngọt. Để cây khỏe, gia đình cho cây ra trái một năm rồi nghỉ một năm.
Cây vải tổ có thân cây to, nhiều rêu phong, rễ nổi lên mặt đất. Gần đó còn có một cây vải con 185 năm tuổi và một cây vải cháu 90 năm tuổi. Ông Liệm vẫn tiếp tục chiết cành để nhân giống và chia sẻ cho những ai muốn trồng giống vải quý này.
![]() |
![]() |
Cây vải trứng gần 200 tuổi ở Hưng Yên
Tại thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cũng có một cây vải cổ thụ gần 200 năm tuổi. Đây là cây vải tổ của giống vải trứng Hưng Yên - loại vải có quả to gần bằng trứng gà, ngọt và mọng nước. Năm 2020, cây được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là cây vải tổ của giống vải trứng Hưng Yên.
Cây vải này do cụ Nguyễn Văn Ngự mang về trồng trước cửa nhà. Sau này, con trai cụ là ông Diện tiếp tục nhân giống, người dân gọi giống vải này là “vải ông Diện”. Theo ông Nguyễn Văn Vì, người trong dòng họ, cây hợp đất nên cho quả to, mã đẹp, vị ngọt đặc biệt. Nhiều cây được chiết từ cây vải tổ này đến nay cũng đã hơn 80 năm tuổi.
![]() |
Để bảo tồn giống vải trứng quý, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho các đơn vị chuyên môn chăm sóc, bảo vệ cây. Nhờ chất lượng tốt, cây vải tổ khi được nhân giống rộng rãi cho năng suất ổn định, giúp thay đổi diện mạo vùng nông thôn Phù Cừ. Người dân địa phương còn thành lập hợp tác xã để gìn giữ và phát triển giống cây này.
Dù từng bị bão Yagi làm gãy nhiều cành, cây vải tổ ở Hưng Yên vẫn phát triển tốt. Ngoài giá trị nông nghiệp, cây còn thu hút nhiều du khách và thương lái đến tham quan, tìm hiểu giống vải quý.