Mục lục
(VNHS) - Di tích Hoành Sơn Quan (tức cửa Hoành Sơn) được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng. Nằm giữa đỉnh Đèo Ngang giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, theo ghi chép lịch sử xưa thì đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Đây cũng là một trong những điểm di tích lịch sử có cảnh quan thiên nhiên đẹp hùng vĩ thu hút đông đảo du khách đến tham quan bởi nét trầm mặc, cổ kính.
Trên đỉnh Đèo Ngang, nhìn về phía Bắc sẽ thấy vùng đất thuộc xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), quay về phương Nam thì thu vào tầm mắt những nếp nhà của người dân xã Quảng Đông (Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình). Hoành Sơn Quan thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc thành lũy như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử, trở thành một địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng của đất nước Việt Nam. Trên đỉnh Hoành Sơn mây hay ngưng tích lại nên mới có câu “Đèo Ngang hun hút mưa mây nắng ngàn”.
Là một di tích lịch sử hiếm hoi còn tồn tại ở Việt Nam, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được những nét cổ kính đậm chất truyền thống với những cửa ải bằng đá được xây dựng trên núi. Cổng cao hơn 4m, thành đăng dài hơn 30m xây dựng xung quanh cùng với 1.000 bậc ở hai phía núi thành.
Có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, dãy Hoàng Sơn đã lưu trữ rất nhiều vết hằn của chiến tranh cả trong thời cổ cận và hiện đại ở Việt Nam. Dẫu nhiều dấu vết chiến tranh nhưng Hoành Sơn Quan vẫn mang nét thơ mộng với cảnh sách thiên nhiên trong lành và dãy núi vẫn hiên ngang hùng vĩ. Đây chính là địa điểm phù hợp với những du khách vừa muốn ngắm cảnh đẹp, vừa muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
Đèo Ngang trong lịch sử Việt Nam chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng. Có thể kể đến như: Nơi đây diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa Đại Việt và Chăm pa; vào thời nhà Nguyễn, Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn còn gắn liền với sự kiện trấn thủ Thuận Hóa, mở mang bờ cõi. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570-1786), lấy sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ Bắc là Đèo Ngang.
Năm Minh Mạng thứ 14, vua cho xây dựng Hoành Sơn Quang trên đỉnh đèo. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, Đèo Ngang là nơi trọng điểm, chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của quân đội ta trong việc gìn giữ con đường huyết mạch.
Bên cạnh những dấu tích lịch sử, cổng Hoành Sơn Quan nơi những bậc đá rêu phong dường như vẫn còn đâu đó dấu chân của các bậc tiền nhân đã từng Nam Bắc trên đường thiên lý, và cả những bậc mặc khách tao nhân ghé qua, lưu lại hậu thế những câu sấm truyền, những vần thơ trữ tình lãng mạn đậm chất thi ca là nguồn cảm hứng cho bao văn nhân. Trong đó có bài thơ Qua Đèo Ngang nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan: "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/Lác đác bên sông, chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/Dừng chân đứng lại trời non nước/Một mảnh tình riêng, ta với ta".
Nằm cách Hoành Sơn Quan tầm 7km, Vũng Chùa, Đảo Yến có cảnh quan cũng vô cùng hấp dẫn. Khu Đảo Yến, Vũng Chùa được bao quanh bởi núi rừng xanh thơ mộng, trước mặt là vịnh Hòn La nên thơ, bãi biển Vũng Chùa với những bãi cát trắng trải dài, hoang sơ và mộc mạc.
Phóng tầm mắt nhìn về phía Tây, ngọn núi Đèo Ngang như một bức bình phong xanh ngắt, mây ngàn bồng bềnh trên không trung. Nếu có dịp đến đây sau khi thăm quan Hoành Sơn Quan du khách có thể xuôi về chân Đèo Ngang khoảng 4km là sẽ đến Đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh đặc biệt linh thiêng được đông đảo du khách thập phương viếng thăm.
Với khoảng 9km, đảo Hòn La cũng là điểm đến lý tưởng mang vẻ đẹp độc đáo. Nơi đây có nhiều ghềnh đá vôi do sóng biển tác động tạo thành nhiều hình khối lạ mắt. Đảo lại được che chắn bởi Mũi Ông nên vô cùng kín gió và toát lên được vẻ đẹp thiên nhiên vô tận.
Được biết, nhiều đoàn khảo sát khu vực đỉnh núi xác định vẫn còn rất nhiều đoạn lũy cổ, khi nằm bên địa phận Quảng Bình, khi vắt qua tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định xếp Hoành Sơn Quan là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, song tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng di tích này là cửa ngõ phía bắc của tỉnh, nên năm 2002, tỉnh này cũng xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Xuân Bắc – Quốc Chung