Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 23, 2024 11:36:08 PM

22 sản phẩm OCOP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm 5 sao

26/07/2023

Mục lục

Như vậy, tổng số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là 42 sản phẩm, trong tổng số hơn 9.850 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của cả nước.

Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã lan tỏa ra 63 tỉnh, thành. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ là đặc sản, sản phẩm đặc trưng riêng, mà còn trở thành sứ giả quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người, nơi nó được sinh ra.

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã lan tỏa ra 63 tỉnh, thành

Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng trong nước và các chuyến công tác nước ngoài.

Nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, qua đó từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng sản phẩm trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm, giúp giá bán các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng bình quân trên 12%,. Hơn 60% chủ thể OCOP từ 3 sao trở lên đã có doanh thu tăng 17,6%/năm.

Giá trị từ câu chuyện sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP cũng góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh; đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn; đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống.

Sợi tơ sen mỏng manh, qua bàn tay tỉ mỉ của người nghệ nhân đã trở thành những sản phẩm độc đáo chứa đựng những nét văn hóa Việt. Cũng vì thế, khăn tơ sen từng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng đại diện cho văn hóa dân tộc Việt Nam, khi dự Hội nghị G20 tại Nhật Bản.

Những chiếc khăn được dệt từ tơ sen

"Người dùng tơ sen cảm thấy vinh dự vì lúc nào cũng như có bông hoa sen bên cạnh mình. Tôi đào tạo những lớp học sinh học nghề, đặt tình yêu vào tơ sen để phát triển nghề truyền thống của dân tộc", nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hà Nội, chia sẻ.

Còn hợp tác xã tại vùng biên Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đã chọn cho sản phẩm một cái tên độc đáo: Chè Chốt 468. Bởi rừng chè xanh tốt hôm nay xưa kia là chốt điểm cao 468 - địa danh lịch sử của Hà Giang.

"Chè Chốt 468 được bắt nguồn từ các bác cựu chiến binh, hồi xưa đã đóng quân tại các điểm chốt. Trong thời gian nghỉ ngơi, các bác đã tranh thủ đi hái những ngọn chè, về sao lại điểm đóng quân", anh Lý Đức Dân, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, cho biết.

Mỗi sản phẩm, một câu chuyện, nhưng điểm chung là tìm được nét khác biệt, tạo ra giá trị văn hóa gắn với con người, địa phương. Giữa vô vàn sản phẩm trên thị trường, câu chuyện sản phẩm chính là công cụ hiệu quả để quảng bá cho thương hiệu OCOP.

"Câu chuyện sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, văn hóa, truyền thống, con người của làng xã đó, quyết định ấn tượng hay không với khách mua sản phẩm. Thậm chí khách có thể sẽ mong muốn về tận địa phương để tự mình trải nghiệm", ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng xây dựng Nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP sẽ không chỉ dừng lại ở việc cấp sao cho sản phẩm, mà nó là một hành trình dài chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng. Từng câu chuyện sản phẩm thú vị đang tạo ra sức mạnh mềm chứa đựng dấu ấn, sự tự hào của mỗi vùng đất và cũng là đòn bẩy củng cố vị trí thương hiệu OCOP trong và ngoài nước.

Chương trình OCOP được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2021 - 2025) để nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thẳng thắn nhìn nhận, số lượng sản phẩm tăng nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, xây dựng những sản phẩm không phải lợi thế, thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia chương trình. Đặc biệt công tác quản lý giám sát sản phẩm sau khi được công nhận cần các địa phương quan tâm hơn nữa.

Theo VTV

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng