Mục lục
VNHS – Sự tích tụ của rác thải sinh hoạt gây ra sự suy thoái môi trường. Nếu không được xử lý đúng sẽ làm ô nhiễm đất, giảm chất lượng đất và suy thoái đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và hệ sinh thái địa phương. Quá trình phân huỷ của rác thải sinh hoạt tạo ra các khí như methane và carbon dioxide…Tác động lớn đến sức khỏe con người.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều với thành phần phức tạp, đang tạo ra áp lực cho môi trường. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: công nghệ xử lý một số nơi còn lạc hậu, vẫn còn công nghệ chôn lấp; phương tiện trang thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đồng bộ.
Rác thải sinh hoạt đã trở thành một trong những vấn đề lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Sự gia tăng dân số cùng với việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng rác thải sinh hoạt. Vì vậy, ảnh hưởng của rác thải đến môi trường hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng là rất nghiêm trọng và đang được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt.
Nhiều địa phương vẫn chưa có khu xử lý rác thải hoặc có nhưng không đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn, theo đó vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường do vứt rác bừa bãi tại các cầu cống, dọc các trục đường giao thông, ven sông, ven suối; đốt hoặc chôn lấp rác tại các điểm tập kết, trung chuyển…tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những vấn đề quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh rất bức bách.
Theo số liệu điều tra, khảo sát hiện trạng rác thải trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2022, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 718 tấn/ ngày. Điều đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt sau đó chôn lấp hoặc đốt càng khiến việc xử lý rác thải thêm khó khăn.
Theo ghi nhận của PV, tại bãi rác thải sinh hoạt thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Đây là bãi rác duy nhất thu gom, xử lý rác cho tất cả 12 xã thị trấn trên địa bàn, do xử lý bằng hình thức tạm thời chôn lấp và tập kết lộ thiên, hiện nay lượng rác của cả huyện dồn về tồn đọng gây quá tải rất lớn bốc mùi hôi thối, nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước.
Theo Trưởng phòng TNMT huyện Lộc Hà – Ông Phan Tiến Dũng cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện chưa có nhà máy xử lý rác thải, toàn bộ rác sinh hoạt được các hợp tác xã VSMT các xã thu gom và vận chuyển lên khu xử lý tập trung của huyện tại xã Hồng Lộc. Theo số liệu khảo sát hiện trạng rác thải trên huyện Lộc Hà mỗi ngày là bình quân 45 tấn/ngày, dẫn đến bãi rác Hồng Lộc quá tải.
“Huyện đã chỉ đạo đơn vị quản lý và vận hành bãi rác thực hiện việc san ủi, lấp đất để tạo khoảng trống cho việc tiếp tục thu gom xử lý rác mới. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ đáp ứng một thời gian ngắn, còn về lâu dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, ông Dũng cho biết thêm”.
Tại huyện Nghi Xuân hiện có hai điểm tập kết, xử lý rác ở xã Cương Gián và xã Xuân Thành. Riêng bãi tập kết, xử lý rác ở xã Xuân Thành bắt đầu hoạt động đến nay gần 10 năm với hình thức chôn lấp và tập kết lộ thiên. Đến năm 2017, vì lượng rác quá tải nên được đầu tư xây dựng thêm lò đốt. Tuy nhiên, lò đốt chỉ có công suất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu xử lý với lượng rác thải ngày càng gia tăng. Dẫn đến lượng rác quá tải chất cao thành núi, về mùa mưa lũ nước thải tràn ra môi trường gấm xuống đất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự diễn ra ở nhiều địa phương khác như Thạch Hà. Chứng kiến những hình ảnh rác buộc phải đổ trên lề đường, nhiều chỗ phân hủy bốc mùi hôi thối. Do thiếu phương tiện thu gom đưa đi xử lý nên cảnh tượng người dân đốt rác ngay bên lề đường không còn xa lạ.
Một người dân cho hay, hiện tại bãi rác tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà bãi rác này tồn tại từ lâu không được thu gom đã quá tải, rác ở đây chủ yếu là đốt bốc mùi hôi thối, khi gió lớn. nước từ bãi rác chảy ra ruộng gây ô nhiễm,
Trước thực trạng vấn nạn rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhiều bãi rác được xử lý tạm thời bằng cách chôn lấp. Để giải quyết tình thế, huyện Đức Thọ đã tổ chức vận chuyển rác đến nhà máy xử lý của Công ty Phú Hà ở huyện Kỳ Anh để xử lý nhưng đây cũng chỉ là nỗ lực tạm thời, không thể duy trì thường xuyên và lâu dài.
Theo tìm hiểu của PV, giá hợp đồng xử lý rác thải hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tấn. Trong khi mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Thọ từ 35 - 45 tấn, đồng nghĩa huyện phải chi ngân sách hàng chục triệu đồng mỗi ngày nếu muốn vận chuyển xử lý.
Một thực tế đã cho thấy đây là giải pháp không khả thi về lâu dài, bởi lẽ đang tạo áp lực rất lớn và không thể duy trì thường xuyên do chi phí phát sinh quá lớn. Hệ quả, nhiều địa phương phải chấp nhận tình trạng rác thải ùn ứ, xử lý tại chỗ bằng cách đốt khiến cho môi trường càng ô nhiễm, nỗi lo của người dân mỗi ngày lớn dần lên”.
Với giải pháp tạm thời là tiếp tục chôn lấp, xử lý mùi, giảm bớt ô nhiễm môi trường và chờ đầu tư xây dựng nhà máy, khu xử lý, phân loại rác để giảm áp lực lên môi trường
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý rác thải phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, với các quy định pháp luật hiện hành; tiến đến phân loại rác thải tại nguồn theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020; mở rộng mạng lưới, phạm vi thu gom rác, từng bước đưa công tác quản lý rác thải vào đúng khuôn khổ quy định pháp luật.
Dương Bằng - Xuân Bắc