Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Tuesday, December 17, 2024 1:30:06 PM

Chiến lược và tầm nhìn phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam - Điểm đến tiềm năng của ngành bán dẫn toàn cầu

15/12/2024

Mục lục

Việt Nam đang trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. Sự phát triển và tiềm năng của công nghiệp bán dẫn tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Dự kiến, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025…

Ảnh minh hoạ

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu...Được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và sự phát triển vượt bậc của công nghệ mới… Gần đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững. Cùng đó, Việt Nam đang tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói nhờ sự hiện diện của các nhà máy từ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Hana Micron…Thế nhưng, hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thực tế đã mở rộng, bao phủ cả ba giai đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, dù phần lớn các hoạt động này hiện vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc cho rằng, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng trong thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), đóng gói và thử nghiệm và có sức sáng tạo lớn. Qua đó, nguồn nhân lực Việt Nam đã được đào tạo và nghiên cứu trong nhiều khâu như: thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng. Nhiều nhà nghiên cứu, kỹ sư, lao động đã phát triển trong lĩnh vực Analog IC, IC Verification, GaN, HEMT (bóng bán dẫn có độ linh động điện tử cao), MEMS/NEMS Sensor. Chất lượng sinh viên đầu vào tốt cùng với đội ngũ cựu sinh viên đông đảo, có vị trí trong các doanh nghiệp vi mạch...

Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Intel, SamSung, Amkor… với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong đó, nhiều tập đoàn, công ty công nghệ của Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT, CMC đang chuẩn bị và tiến dần vào thị trường bán dẫn. TS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho công nghệ bán dẫn phát triển ở Việt Nam”.

Được biết, 20 năm trước, khi ngành bán dẫn Việt Nam còn “lờ mờ”, một ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn từ Nhật Bản là Renesas đã chọn Việt Nam để thành lập trung tâm thiết kế lớn. Một trong những yếu tố tạo ra sự hấp dẫn của Việt Nam với giới công nghệ bán dẫn là thành tích xuất sắc của người Việt Nam trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là toán học và khoa học. Điều này giúp Việt Nam hiện nay trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới, một thực tế mà rất ít người biết đến. Tỷ phú Jensen Huang, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó “siêu năng lực” lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), TC ĐT VNHSO cho thấy tính đến nay, Việt Nam có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 18,23 tỷ USD, tăng trưởng 11,5%, ngang với mức tăng trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư; công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên. Các công ty thiết kế bán dẫn hàng đầu như: Global Unichip Corporation (GUC) và Faraday Technology của Đài Loan (Trung Quốc); Microchip, Marvell, Synopsys, Qorvo…của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam. Trong các cuộc làm việc với phía Việt Nam, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Điển hình, vào ngày 05/12/2024 gần đây, Việt Nam và Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới NVIDIA đã ký kết hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) thông báo, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và tiến bộ công nghệ, thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023. Với Việt Nam, thị trường bán dẫn dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028. Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) đánh giá Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Cụ thể, ngày 21/09/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Ngay sau đó, Việt Nam đã hành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể.

Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo công thức C = SET + 1. Trong đó, C là chíp bán dẫn, S là phát triển các loại chíp bán dẫn chuyên dụng (trong đó có chíp AI chuyên dụng, chíp IoT, chíp cho thiết bị điện tử), E là công nghiệp điện tử, T là mục tiêu trở thành một trung tâm toàn cầu về nhân lực cho ngành bán dẫn, +1 là chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài để làm phong phú chuỗi cung về công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, 10 địa phương đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai chiến lược, bao gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Trị, Lai Châu, Phú Thọ, Gia Lai và Bình Phước. Việt Nam đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn khi đang là điểm sáng thu hút trong cuộc chuyển dịch đầu tư của các nhà sản xuất công nghiệp. Nhưng để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới, đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ John Neuffer nhận định, Việt Nam nên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi về thuế quan, có các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn - yếu tố cực kỳ quan trọng đối với ngành bán dẫn, để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Neuffer cho rằng Việt Nam cũng nên có cơ chế “một cửa” để hợp lý hóa và rút ngắn quy trình, qua đó giúp các công ty nước ngoài dễ dàng hơn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát huy những thế mạnh vốn có của mình như nguồn nhân lực chăm chỉ, tận tâm.

Vào tháng 1-2024, ông Jose Fernandez - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường trong chuyến thăm Việt Nam, ông nhận định: “Có nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có được khả năng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc”. Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ. Đây sẽ là một “huy hiệu” của sự tự tin.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. Tăng cường tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa. Ngoài ra, cũng cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn…

ThS. Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện IMRIC, GĐ Trung tâm CBT

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng