Mục lục
Việt Nam có hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn với lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc, giúp Việt Nam hiện thực hoá một cách nhanh nhất mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển toàn cầu bền vững, chuyển đổi xanh và hướng tới netzero…Việt Nam phát triển du lịch nông thôn theo phương châm "mỗi người dân là một đại sứ du lịch"; "mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc".
Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Nam mới đây.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ vừa triển khai Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2025, nhận được nhiều đóng góp của các địa phương trong cả nước, tạo sự thống nhất, cùng phát triển du lịch để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn có dư địa rất lớn. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, có khả năng thu hút du khách, tạo sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, để phát triển một cách bền vững thì phải bắt đầu từ văn hóa bản địa, giữ cho được bản sắc văn hóa từng làng. Từ đó hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch của làng nghề truyền thống du lịch ẩm thực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng chính nét bình dị của những người nông dân một nắng, hai sương, lam lũ… đã làm lay động tình cảm của du khách quốc tế, khiến du khách để muốn trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch nông thôn. Nhấn mạnh thêm: "Đó chính là chiều sâu văn hóa, mong muốn được kết nối, đoàn kết, hợp tác với các quốc gia để cùng phát triển. Vì vậy, mà sản phẩm du lịch nông thôn đã thu hút được rất nhiều khách quốc tế đến thăm".
Có thể thấy, Phát triển du lịch nông thôn giúp thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đồng thời bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng việc phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững. Trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Phó thủ tướng Lê Thành Long đến dự và phát biểu chỉ đạo
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, “Chương trình Du lịch vì sự Phát triển Nông thôn” mà tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc đang mở rộng triển khai hết sức ý nghĩa. Điều này, phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn.
Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”. Việt Nam có nhiều địa phương đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn…Trong đó, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững.
Du khách thích thú check in tại Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt
Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế. Ngoài ra, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi. Cùng với đó, luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Du khách nước ngoài trải nghiệm trồng lúa tại Ba Vì, Hà Nội
Phó thủ tướng Lê Thành Long, nhấn mạnh: “Đến yêu cầu cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn; thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong phát triển du lịch nông thôn. Mặt khác, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.
“Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”; “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; “mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc”, Phó thủ tướng Lê Thành Long phát biểu.
Đặng Hưởng – Thanh Hải