Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, November 3, 2024 5:39:46 PM

Du lịch nông nghiệp với vô vàn trải nghiệm thú vị

05/06/2024

Mục lục

VNHS - Du lịch nông nghiệp là một trong các dòng sản phẩm chủ đạo của ngành du lịch nước ta. Việc gắn các dịch vụ giải trí với hoạt động canh tác, sản xuất sẽ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu yêu thích công việc làm nông hoặc đơn giản là muốn gần gũi hơn với thiên nhiên thì các hoạt động này hoàn toàn phù hợp với bạn.

Xu hướng du lịch bùng nổ trong tương lai

Hình thức du lịch này dựa trên các hoạt động sản xuất nông nghiệp để phát triển những dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí hoặc giáo dục của du khách. Khi đến các địa điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động thú vị như tìm hiểu về động thực vật, tham quan, tự tay thu hoạch trái cây hay trồng cây,…

Hoạt động này không chỉ mang lại giá trị to lớn về mặt sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần phát triển và quảng bá du lịch địa phương. Từ đó giúp giải quyết đầu ra cho nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại nông nghiệp. Sự phát triển của loại hình du lịch này sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Với những ý nghĩa này, xu hướng du lịch xanh, với tiêu chí an toàn và bền vững, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Du khách thích thú với những trải nghiệm về du lịch nông nghiệp

Theo thông tin từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức cho phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, đó là cần chi phí nhiều cho thiết kế và phát triển sản phẩm. Nguồn lực cần cho đào tạo, nâng cao năng lực lớn nhưng các chính sách hỗ trợ còn dàn trải. Chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp...

Sản phẩm du lịch tốt sẽ thu hút được sự quan tâm của du khách

Đề cập các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, các chuyên gia khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường; cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể...

Tuy nhiên, bất cập từ chính sách của loại hình du lịch này đang là rào cản cho sự phát triển mô hình du lịch nông thôn. Do chưa công nhận được điểm du lịch nông thôn nên các cơ quan thực hiện Chương trình của cả cấp Trung ương (các Bộ) và địa phương (UBND tỉnh, thành phố) đều đang khó khăn trong triển khai hướng dẫn về cơ chế, định mức chi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn theo nội dung hỗ trợ của Chương trình mặc dù đã được quy định nội dung chi tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Mô hình du lịch nông thôn rất cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời

Mô hình/loại hình du lịch nông thôn cần sớm được công nhận

Hiện nay, Luật Du lịch đã ghi nhận các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhưng hình thức du lịch nông thôn - loại hình du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề chưa được quy định rõ ràng. Loại hình này đang được lồng ghép, ẩn chứa trong các quy định chung về du lịch của luật này.

Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phần lớn được diễn ra tại các khu vực nông thôn dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người được sử dụng cho mục đích du lịch nhưng loại hình du lịch nông nghiệp hoặc loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng trong các quy định về tài nguyên du lịch nói chung.

Ninh Bình được coi là một trong số các địa phương quan tâm phát triển du lịch nông thôn

Tại Chương trình phát triển du lịch nông thôn của Thủ tướng Chính phủ nêu trên đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là “mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”, tuy nhiên do pháp luật về du lịch hiện nay chưa có quy định về loại hình du lịch này cũng như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nhất là các tiêu chí về quy mô, diện tích, sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng để các tỉnh, thành phố tổ chức công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp, làng nghề.

Do đó, để tháo gỡ rào cản pháp lý này, bên cạnh việc bổ sung loại hình du lịch nông thôn, có tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp để công nhận điểm du lịch nông thôn thì hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn cần được quan tâm, triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trường Minh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng