Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:55:35 PM

Thêm một cây Đa cổ thụ được công nhận là Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa

23/09/2024

Mục lục

 VNHS - Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 724 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần (1300 – 2024), Hội Sinh vật cảnh Trực Ninh (Nam Định) phối hợp cùng Hội Sinh vật cảnh xã Việt Hùng đã trang trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” đối với cây Đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần (xóm Bắc Sơn, xã Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định).

Cây Đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần
(xóm Bắc Sơn, xã Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định).

Theo lịch sử đền thờ Đức Thánh Trần tại đây ghi lại: Cách đây trên 490 năm, theo nguyện vọng của nhân dân làng Lương Hàn, các cụ cao niên xóm Bắc Sơn đã xin chân hương đền thờ đức Thánh Trần ở Kiếp Bạc – Hải Dương về lập đền thờ từ đời Lê Sơ; lập miếu thờ Quan Thần linh và trồng cây đa ở sân đền làm nơi ngự của các ngài và lấy bóng mát cho nhân dân. Từ đó đến nay đền thờ đức Thánh Trần và cây Đa cổ thụ đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Trận bão ngày 24 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (năm 1929) đền và cây Đa bị đổ, sau cơn bão nhân dân trong làng đoàn kết một lòng, phát tâm công đức, đóng góp tiền của tổ chức xây dựng lại hậu cung đền thờ và trồng cây đa mới. Đến năm Bảo Đại thứ 12 (Năm 1944) như dòng lạc khoản trong đền ghi “Đại Nam Quốc bảo, đại thập, nhị tuế thứ, Đinh Sửu, cửu Nguyệt, nhị thập tứ nhật” thì xây dựng đền thờ như ngày nay.

Cây Đa với bộ rễ gân guốc cùng năm tháng

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đền là nơi tập kết hoạt động của du kích thôn, xã. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền là nơi luyện tập và trực chiến phòng không của dân quân tự vệ xã Việt Hùng.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đền thờ đã bị hư hại và xuống cấp, cây đa cổ thụ cũng không được chăm sóc đầy đủ. Từ khi có đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, phong trào văn hóa mới được khởi sắc, những công trình văn hóa, nơi thờ tự các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc được tu bổ, tôn tạo, cùng với đó là làng xóm được xây dựng theo nếp sống văn hóa mới. Trong những năm qua nhân dân làng Lương Hàn, xóm Bắc Sơn, quý khách thập phương đã đóng góp tiền của, công sức tu tạo đền thờ, mở rộng khuân viên, chăm sóc cây Đa cổ thụ, trồng thêm cây cảnh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp làm cho đền thờ và cây Đa cổ thụ ngày càng đẹp đẽ, tôn nghiêm.

Cành lá sum suê phủ bóng cả một góc sân Đền

Theo đại diện địa phương, tính đến nay, cây Đa cổ thụ đã có 95 năm tuổi, cành lá sum suê xanh tốt tỏa bóng khắp sân Đền. Đây là hình ảnh, là dấu ấn không phai trong ký ức những người con đi xa quê hương. Từ khi Chi hội Sinh vật cảnh xóm Bắc Sơn được thành lập, các thành viên trong chi hội luôn quan tâm chăm sóc, tỉa cành, tạo rễ, diệt trừ sâu bệnh, tạo dáng cho cây, chính vì thế nên cây Đa cổ thụ và các cây cảnh trong khuân viên  đền thờ đức Thánh Trần ngày càng trở nên xanh tươi, trầm mặc, uy nghiêm. Cây đa cổ thụ đã lớn lên trưởng thành theo năm tháng, thực sự gắn bó với mảnh đất quê hương và cũng đã đã được nhân dân qua nhiều thế hệ vun trồng, chăm sóc và bảo vệ. Cây phát triển vươn cành, rộng tán giữa đất trời quê hương tươi đẹp, tiếp thêm sức sống cho vùng quê hương đổi mới hôm nay.

Cây Đa đã được Hội SVC Việt Nam công nhận là "Cây cổ thụ có giá trị văn hóa - lịch sử" 

Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thi đua khen thưởng; tháng 2 năm 2024 lãnh đạo, Ban công tác mặt trận cơ sở, Hội sinh vật cảnh xã Việt Hùng đã lập hồ sơ, tờ trình đề nghị các cấp thẩm tra, xét duyệt cây Đa cổ thụ trong đền thờ đức Thánh Trần xóm Bắc Sơn là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa”.

Trên cơ sở đó, ngày 25.04.2024, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có Quyết định số 27/QĐ công nhận cây Đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần (xóm Bắc Sơn, xã Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định) là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa”.

Ông Nguyễn Duy Chiến - Chủ tịch Hội SVC huyện Trực Ninh chúc mừng tại sự kiện

Lễ đón nhận Bằng công nhận “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” đã được Hội Sinh vật cảnh các cấp và nhân dân địa phương tổ chức trang trọng ngay trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần đúng vào ngày giỗ lần thứ 724 của Ngài như một sự ghi nhận tính kế thừa di sản của cha ông để lại, công đức tiền của, công sức, trí tuệ của nhân dân địa phương trong việc xây dựng đền thờ và cây đa cổ thụ. Buổi lễ đã đem lại niềm tự hào phấn khởi của bà con nhân dân khi đã góp phần xây dựng cho đền thờ của vị anh hùng dân tộc Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngày càng đẹp đẽ, uy nghiêm.

Đại diện địa phương phát biểu tại buổi lễ

Việc công nhận cây đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần tại xóm Bắc Sơn (xã Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định) là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” một lần nữa ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của nhân dân địa phương trong việc kế thừa di sản cha ông để lại, một lần nữa khẳng định lại bề dày truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của địa phương, đây đồng thời cũng là cái nôi nuôi dưỡng niềm tự hào, là động lực phấn đấu của mọi thế hệ người dân trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đưa sinh vật cảnh trở thành nghành nghề kinh tế chủ đạo, duy trì và phát triển truyền thống văn hóa hôm nay trước những di sản to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông đã để lại.

Trường Minh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng