Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 5:53:16 PM

Thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

01/08/2024

Mục lục

VNHS - Những năm qua, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ ngân sách nhà nước (NSNN) tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được triển khai đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm hoàn thiện công tác này tại địa phương trong thời gian tới.

1. Thực trạng đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Vốn đầu tư XDCB tại Việt Nam là một thành phần chủ yếu trong vốn đầu tư phát triển của NSNN với nhiệm vụ chi đầu tư các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu tổng quát về KTXH thông qua thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện bình đẳng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường (Luật Ngân sách Nhà nước năm 2005). Nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư XDCB từ NSNN, trong giai đoạn 2020 - 2024, thị xã Chơn Thành đã ưu tiên vốn NSNN cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tập trung cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới gắn với công tác chỉnh trang, phát triển đô thị (Thị xã Chơn Thành được thành lập theo Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) góp phần đưa thị xã Chơn Thành đạt đô thị loại III sau năm 2026.

Nguồn vốn đầu tư XDCB giai đoạn 2019 - 2023 tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (ĐVT: tỷ đồng)

Trong giai đoạn 2019 - 2023, vốn đầu tư XDCB hàng năm luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách thị xã (Năm 2019 là 24,5%; năm 2020 là 30,56%; năm 2021 là 40,22%; năm 2021 là 43,7%; năm 2023 là 50,94 %). Tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 4.736 tỷ đồng, trong đó: (1) Vốn chương trình MTQG là 16,277 tỷ đồng; (2) Vốn NS tỉnh là 732,116 tỷ đồng; (3) Vốn NS thị xã là 3.583,429 tỷ đồng; (4) Vốn NS xã, phường là 404,783 tỷ đồng [7]. Với số vốn đầu tư trên, thị xã đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm tại các địa phương như: Các tuyến đường trục xuyên tâm để hình thành các phường thị xã Chơn Thành; Nâng cấp, mở rộng đường trục chính vào Cụm công nghiệp và Khu công nghệ cao xã Nha Bích; Xây dựng đường Nguyễn Văn Linh nối dài (từ QL14 nối với dự án Becamex - Bình Phước); Xây dựng đường liên xã Nha Bích – Minh Thắng; Xây dựng đường từ TTHC Chơn Thành đi xã Quang Minh kết nối KCN Becamex; Xây dựng các tuyến đường ngang kế nối Cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư (phía Tây QL13); Xây dựng đường vành đai Chơn Thành kết nối KCN Becamex; Xây dựng tuyến đường kết nối KDC Đại Nam ra xã Minh Lập, Chơn Thành; Xây dựng đường liên khu phố 4-5 TT Chơn Thành đến KCN Chơn Thành; phối hợp đầu tư các công trình trục giao thông như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 749B, DT 751… để tạo sự kết nối trong khu vực.

2. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

2.1. Công tác chỉ đạo điều hành: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, UBND thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư công trên địa bàn thị xã; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, phường triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm. Tập trung chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Trong tổ chức thực hiện, UBND thị xã luôn sâu sát, chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đầu tư công tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan. Quán triệt, giao nhiệm vụ cho Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý Đô thị hướng dẫn thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt quan tâm quán triệt các chủ đầu tư phải thực hiện hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, thực hiện nghiêm việc đấu thầu qua mạng, công khai minh bạch thông tin dự án, đẩy nhanh giải ngân vốn, nghiệm thu và thanh quyết toán đúng quy định.

2.2. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án: (1) Công tác lập hồ sơ: Chủ đầu tư thuê đơn vị tư khảo sát, thiết kế có đủ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định; Trình tự thủ tục, chất lượng công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán tuân thủ theo của Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 15/2021/NĐ-CP). (2) Công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế - dự toán: Giao phòng Quản lý đô thị và các cơ quan liên quan thẩm định; Trình tự, chất lượng công tác thẩm định các dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2021NĐ-CP và Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh Bình Phước ban hành quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Quyết định 51/2021/QĐ-UBND). (3) Thẩm quyền phê duyệt dự án thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và Quyết định 51/2021/QĐ-UBND.

2.3. Công tác quản lý đầu tư: (1) Việc quản lý đầu tư được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc quản lý vốn đầu tư công cơ bản được đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ đầu tư và ngân sách nhà nước. (2) Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; việc lập, thẩm định thiết kế - dự toán đảm bảo đúng quy trình quy định, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn. Công tác đấu thầu thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu, đảo bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ gói thầu và chất lượng công trình. (3) Công tác quản lý chất lượng công trình được tang cường; qua các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, UBND thị xã đã kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị liên quan và các chủ đầu tư nghiêm túc khắc phụ các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư; đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực hiện các dự án trên địa bàn trong thời gian tới.

2.4. Công tác phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn: (1) Việc phân bổ vốn đầu tư công được UBND thị xã chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng quy trình và thời gian theo quy định tại Nghị  định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch được tỉnh giao và Nghị quyết được HĐND thị xã thông qua; đáp ứng các tiêu chí phân bổ vốn theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp rồi mới bố trí cho các dự án khởi công mới, đảm bảo không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. (2) Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra (Năm 2023 gải ngân được 290/604 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch vốn giao). (3) Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp: Do nguồn thu tiền sử đụng đất không đạt so với kế hoạch đề ra; Năm 2023 ngân sách địa phương bị hụt thu, không đủ nguồn để bố trí cho chi đầu tư; Ngân sách tỉnh không có nguồn để nhập vốn cho chủ đầu tư giải ngân.

2.5. Thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu: Công tác lựa chọn nhà thầu  được UBND thị xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như: Thông tư 08/2022/TT-BKH-ĐT ngày 31/5/2022, Thông tư 16/2022/TT-BKH-ĐT ngày 27/9/2022 và Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của UBND tỉnh Bình Phước về việc ban hành kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2018 và giai đoạn 2021-2025 và Công văn số 1398/UBND-TH ngày 12/5/2020 của UBND tỉnh về tiêu chí áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Công tác lựa chọn nhà thầu trên địa bàn thị xã đã được thực hiện đúng quy định và 100% các gói thầu theo quy định phải tổ chức đấu thầu được thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng.

2.6. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư: Công tác giám sát và đánh giá đầu tư trên địa bàn thị xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định tại Nghị định số 29/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của CHính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Qua công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư và Ban giám sát cộng đồng, chưa phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án, chỉ có một vài vi phạm nhỏ trong công tác lập hồ sơ, thủ tục.

2.7. Công tác quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản: (1). Công tác quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán. Các dự án hoàn thành thuộc thẩm quyền quyết toán của thị xã được các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đúng quy định (Năm 2023 thị xã quyết toán hoàn thành 84 dự án, còn lại 36 dự án chưa quyết toán). (2) Công tác tất toán tài khoản được UBND thị xã chỉ đạo triển khai quyết liệt, giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Kho bạc Nhà nước theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện (Năm 2023 tất toán được 32 dự án, còn lại 220 dự án hoàn thành chưa được tất toán tài khoản).

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vẫn còn những hạn chế, bất cập.

(1) Công tác giải phóng mặt bằng và tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng để tổ chức thi công một số dự án còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

(2) Công tác chuẩn bị đầu tư và công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn chậm sơ với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và chất lượng công tác khảo sát, sản phẩm tư vấn vẫn còn thấp dẫn đến nhiều hồ sơ dự án còn sai sót, phả điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh thiết kế - dự toán. Việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật còn chưa phù hợp, gây lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

(3) Công tác quyết toán, tất toán tài khoản dự án hoàn thành thực hiện chưa nghiêm túc. Công tác quyết toán dự án hoàn thành còn chậm cả ở khâu lập hồ sơ đề nghị quyết toán của chủa đầu tư và công tác thẩm tra quyết toán của cơ quan quyết toán. Số toàn khoản của dự án hoàn thành chưa được tất toán còn nhiều (220 dự án hoàn thành chưa được tất toán tài khoản).

3. Một số khuyến nghị, hàm ý quản trị.

(1). Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, tăng cường quản lý xây dựng theo quy hoạch chung thị xã Chơn Thành, đảm bảo các quy hoạch chuyên ngành sau khi được phê duyệt phải được thực hiện đồng bộ.

(2). Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, các bước chuẩn bị đầu tư và các bước thiện hiện dự án đầu tư. Phòng Tài chính - Kế hoạch phải thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện của các chủ đầu tư. Chủ động tham mưu UBND thị xã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để các chủ đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư như thuê Tư vấn Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu, để trong năm kế hoạch chủ đầu tư có thể triển khai thi công xây dựng từ đầu năm. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân chủ trì thẩm định dự án và người có thẩm quyền quyết định đầu tư khi phê duyệt dự án sai sót gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

(3). Nâng cao chất lượng công tác thanh, quyết toán vốn đầu tư. Cơ quan cấp phát thanh toán phải bảo đảm thanh toán đúng tiến độ thời gian quy định. Thực hiện nghiêm túc, công khai quy trình cấp phát. Nâng cao chất lượng thẩm tra hồ sơ thanh toán vốn để ngăn ngừa thất thoát lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng. Công tác quyết toán dự án hoàn thành, để công nhận tính hợp pháp, hợp lý về sử dụng vốn đầu tư tạo ra sản phẩm XDCB hoàn thành. Công khai quy trình, thủ tục thanh, quyết toán vốn đầu tư theo quy định. Cải cách thủ tục hành chính trong quyết toán vốn đầu tư để rút ngắn thời gian quyết toán công trình. Cuối quý 3 hàng năm, cấp có thẩm quyền nên rà soát giảm các dự án không có khối lượng để thanh toán và điều chuyển phân bổ cho các dự án đã hoàn thành còn thiếu vốn.

(4). Nâng cao chất lượng công tác giải phóng mặt bằng, công tác lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án để góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư XDCB trên địa bàn. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng phải bao quát, toàn diện, đầy đủ các nội dung: Xác định đúng giá đền bù thiệt hại về đất, tài sản cho toàn bộ diện tích đất bị thu hồi; bố trí tái định cư, tính toán các chi phí hỗ trợ khác (nếu có),... Công tác kiểm đếm, đo vẽ để lập phương án bồi thường và tính toán chi phí bồi thường, hỗ trợ trong phương án phải trung thực, chính xác theo quy định hiện hành, tránh sai sót, vi phạm dẫn tới thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân. Khi xây dựng xong phương án, phải tổ chức triển khai đồng bộ, khẩn trương tránh trường hợp phải chỉnh sửa, điều chỉnh nhiều lần gây  tình trạng “đội giá” và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư XDCB. Trên cơ sở chế độ chính sách Nhà nước, Ban  Quản lý dự án đầu tư xây dựng cần khẩn trương phối hợp với Trung tâm phát triển Quỹ đất xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thông qua cấp có thẩm quyền phê duyệt; trên cơ sở đó, triển khai khẩn trương đồng loạt, dứt điểm. Trong quá trình tiến hành cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, chú trọng phương pháp thuyết phục, giải thích để dân đồng thuận.

(5). Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ công chức tham gia công tác quản lý đầu tư XDCB, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực và có chuyên môn phù hợp làm công tác quản lý vốn đầu tư XDCB. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn triển khai các quy định mới trong đầu tư xây dựng để các phòng, ban chuyên môn chủ động nắm bắt các thay đổi trong công tác đầu tư để thực hiện kịp thời. Tuyên truyền phổ biến Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng đến các cơ quan, đơn vị, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân liên quan đến chất lượng công trình xây dựng.

(6). Công khai minh bạch quy trình nghiệp vụ về quản lý vốn đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Thực hiện công khai tất cả các quy trình nghiệp vụ về quản lý vốn đầu tư XDCB của các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu trữ công cộng trên internet mà còn phải công khai ngay tại nơi giao dịch làm việc của cán bộ quản lý nhà nước với công dân, đơn vị, doanh nghiệp để mọi người thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời phải cập nhật thường xuyên kịp thời các thay đổi nếu có; minh bạch trong xây dựng, trong tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ về quản lý vốn đầu tư XDCB.

(7). Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chủ động phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Xác định công tác đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu được chỉ đạo từ Trung ương, đến địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng, thông qua việc thường xuyên nghe báo cáo tình hình cùng chính quyền, các ngành có liên quan, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, quý năm và có báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm.

Ths.KS. Bùi Thanh Tùng (Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước, số 83/2015/QH13, ngày 25 tháng 06 năm 2015.

2. Quốc hội (2019), Luật Đầu tư công, số 39/2019/QH14, ngày 13 tháng 06 năm 2019.

3. HĐND thị xã Chơn Thành (2020), Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 21/7/2020, Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước huyện năm 2019.

4. HĐND huyện Chơn Thành (2021), Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 13/08/2021, Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước huyện năm 2020.

5. HĐND thị xã Chơn Thành (2022), Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 26/12/2022, Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước huyện năm 2021.

6. UBND thị xã Chơn Thành (2023), Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 09/08/2023, Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023.

7. HĐND thị xã Chơn Thành (2024), Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 11/03/2024, Thông qua kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

8. UBND thị xã Chơn Thành (2024), Báo cáo số 77/BC-UBND ngày 19/03/2024, Tổng kết công tác đầu tư công năm 2023.

 

Từ khóa: Đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản.

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng